Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: Trần Hải

Chiều 15/9, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội nghị Đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ (KH&CN) Việt Nam triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và chỉ đạo Hội nghị.


Hội nghị có sự tham gia của hơn 1.500 đại biểu là lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố; Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội) và các tổ chức, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, đại diện cán bộ khoa học trong cả nước.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) Phan Xuân Dũng cho biết: Gần 40 năm qua, đội ngũ trí thức KH&CN của cách mạng Việt Nam một lòng đi theo Đảng, theo Bác kính yêu, phấn đấu liên tục và đã có nhiều cống hiến trong việc phát huy sức mạnh của đội ngũ trí thức đoàn kết trong liên minh Công - Nông - Trí vì sự nghiệp của Đất nước, của Dân tộc và Nhân dân.

Là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp Hội Việt Nam (LHHVN) đã tập hợp được đông đảo đội ngũ trí thức KH&CN trong và ngoài nước, từ 1,8 triệu trí thức năm 2015 đã tập hợp được trên 2,2 triệu trí thức vào 2020, chiếm 32,5% đội ngũ trí thức cả nước, đã có 153 hội thành viên gồm 63 Liên hiệp Hội địa phương và 90 Hội ngành toàn quốc, 596 tổ chức KH&CN trực thuộc. Đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam luôn mang trên mình nhiệt huyết cách mạng, khát vọng vươn lên, đưa KH&CN trở thành động lực, là quốc sách hàng đầu để phát triển đất nước.

Trong 5 năm qua, Đảng đoàn LHHVN đã chủ động tổ chức quán triệt một cách nghiêm túc, triển khai thực hiện nhiều chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến vận động trí thức, phát huy vai trò của đội ngũ trí thức. Đẩy mạnh triển khai hoạt động tôn vinh trí thức, khuyến khích và thúc đẩy phong trào sáng tạo KH&CN Việt Nam, phong trào ngày càng phát triển mạnh mẽ khi các tỉnh/thành phố trên cả nước được chủ động tổ chức và chung tay xây dựng Sách vàng Sáng tạo hàng năm.

Theo đó, đã có 7.677 công trình, giải pháp kỹ thuật với 1.490 công trình đạt giải; tham gia triển lãm sáng tạo KH&CN ở các nước như Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan,...để giới thiệu, thương mại hóa các sản phẩm KH&CN.

Bên cạnh đó, LHHVN đã nâng cao chất lượng hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Giai đoạn 2015-2020, hệ thống LHHVN thực hiện 3.000 nhiệm vụ tư vấn, phản biện xã hội, góp ý khách quan và kịp thời nhiều chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, dự án đầu tư trọng điểm tác động đến phát triển kinh tế - xã hội.

LHHVN đã hỗ trợ trên 100 lượt hội thành viên thực hiện hoạt động phổ biến kiến thức. 5 năm qua, đã tổ chức trên 40.000 hội thảo, tọa đàm, lớp tập huấn, phổ biến kiến thức cho hơn 13 triệu lượt người. Nhà xuất bản Tri thức xuất bản/tái bản mỗi năm khoảng 150 đầu sách tương đương với 450.000 bản.

LHHVN thực hiện thành công 38 nhiệm vụ cấp quốc gia, 300 cấp bộ/tỉnh và 2.000 cấp cơ sở trên cơ sở xã hội hóa một cách mạnh mẽ theo chủ trương của Đảng và Chính phủ.

Về công tác lãnh đạo tuyên truyền, triển khai nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, LHHVN và lãnh đạo Liên hiệp Hội của nhiều địa phương đã tham gia học tập, nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết của Đảng.

Đảng đoàn LHHVN đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng để triển khai trong toàn hệ thống LHHVN; Đảng bộ LHHVN đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong toàn Đảng bộ LHHVN. Đảng đoàn chỉ đạo Hội đồng Trung ương LHHVN ban hành Chương trình làm việc toàn khóa VIII nhiệm kỳ 2020-2025 gồm nhiều nội dung quan trọng gắn với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về LHHVN. Xây dựng Đề án về tổ chức bộ máy và hoạt động của LHHVN trình Ban Bí thư theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng theo hướng đổi mới mạnh mẽ và nâng cao chất lượng hoạt động của LHHVN trong phạm vi cả nước…

Để xây dựng LHHVN xứng đáng là tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh của đội ngũ trí thức KH&CN và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, LHHVN sẽ tiếp tục củng cố, kiện toàn phát triển tổ chức, thực hiện thống nhất chế độ chính sách cán bộ từ Trung ương đến địa phương và làm tốt công tác hội viên.

Đẩy mạnh đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; phát huy tính sáng tạo trong hoạt động của LHHVN dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Đẩy mạnh hoạt động phổ biến kiến thức KH&CN; nâng cao chất lượng tham mưu, chú trọng công tác nghiên cứu ứng dụng tiến bộ KH&CN và đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường; nâng cao chất lượng hoạt động tôn vinh, khuyến khích và thúc đẩy sáng tạo KH&CN.

 

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: TL 

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, biểu dương và cảm ơn những đóng góp, cống hiến to lớn của đội ngũ trí thức KH&CN, của nhiều thế hệ các nhà khoa học nước nhà, của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Thủ tướng nhấn mạnh: Hội nghị diễn ra trong bối cảnh toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đang tích cực triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn ra phức tạp làm đảo lộn cuộc sống của người dân.

Thủ tướng khẳng định: Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến phát triển KH&CN, đội ngũ trí thức KH&CN. Những năm gần đây chúng ta đã chứng kiến sự phát triển của KH&CN trong mọi mặt của đời sống, nhiều lĩnh vực đáng tự hào; nhiều trí thức muốn có hệ sinh thái KH&CN để phát triển hơn, đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước, nhiều nhà khoa học thực sự nhiệt huyết, cống hiến cho khoa học nước nhà. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, nhiều nhà khoa học, các giáo sư đầu ngành của đất nước đang ngày đêm nghiên cứu trong công tác phòng chống dịch, tình nguyện vào tâm dịch phục vụ nhân dân. “Điều đó thật đáng trân trọng và đáng tôn vinh. Tuy nhiên, nhìn ra thế giới chúng ta vẫn còn nhiều việc phải tư duy, suy nghĩ và trăn trở”, Thủ tướng bày tỏ.

Ghi nhận đóng góp của các nhà khoa học, song Thủ tướng cũng thẳng thắn cho rằng cần phải khắc phục những tồn tại, hạn chế như: Số lượng cán bộ khoa học công nghệ gia tăng về số lượng, nhưng thiếu các chuyên gia giỏi; nội dung và phương thức hoạt động chưa có nhiều đổi mới, chưa tạo được môi trường thuận lợi để đội ngũ trí thức hoạt động và tham gia những vấn đề lớn của đất nước…

Trước thực tế trên, Thủ tướng nhấn mạnh: Chúng ta phải đổi mới để thay đổi, đổi mới cả trong quản lý, phải vận dụng KH&CN, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển như vũ bão hiện nay. “Sự phát triển của KH&CN đã làm thay đổi mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội đòi hỏi sự thay đổi tư duy để nhìn ra thế giới.”, Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ sẽ xây dựng chương trình hành động phát triển về khoa học công nghệ, trong đó gắn với nhiệm vụ chính trị trọng tâm của đất nước, gắn với chuyển đổi số, nền kinh tế số, xã hội số để mang lại giá trị, nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Thủ tướng yêu cầu Liên hiệp hội quán triệt tất cả các chủ trương, định hướng phát triển khoa học, công nghệ đã được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội XIII đến từng hội viên để thống nhất tư tưởng và hành động, chung sức, đồng lòng cùng nhau hiện thực hóa có hiệu quả. Liên hiệp Hội cần coi trọng và tăng cường vai trò của đội ngũ trí thức trong khối đại đoàn kết trên nền tảng liên minh công nhân - nông dân - tri thức; tiếp tục tham mưu cho Đảng, Nhà nước về đường lối, chủ trương, chính sách phát triển đất nước.

Đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp, có thể còn kéo dài với biển chủng mới, đội ngũ trí thức cần tích cực nghiên cứu, phát triển các biện pháp, các sản phẩm khoa học và công nghệ phòng, chống dịch, phát huy hơn nữa vai trò, uy tín của mình trong hỗ trợ công tác thông tin, truyền thông để phổ biến rộng rãi, giải thích rõ ràng với nhân dân về khía cạnh, góc nhìn khoa học của những biện pháp phòng, chống dịch của Chính phủ.

Thủ tướng yêu cầu Liên hiệp Hội cần có giải pháp để thúc đẩy, nâng cao chất lượng các công bố khoa học quốc tế của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn; huy động các nguồn lực xã hội hợp pháp cho phát triển khoa học và công nghệ; tăng cường hợp tác công - tư, đồng tài trợ giữa Nhà nước và doanh nghiệp cho các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới, sáng tạo; đảm bảo công khai, minh bạch, độc lập phản biện trong tuyển chọn và xét chọn nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

Đồng thời, đẩy mạnh việc đánh giá độc lập và giám sát kết quả; tăng cường dân chủ, cầu thị, khiêm tốn, chú ý lắng nghe ý kiến của nhau, nhất là những ý kiến phát biểu phản biện, trái chiều để có sự lựa chọn, cân nhắc kỹ lưỡng, thận trọng trên cơ sở khoa học, thực tiễn, khả thi và có hiệu quả nhất.

Tại Hội nghị, nhiều nhà khoa học nêu kiến nghị tháo gỡ chính sách trong nhiều lĩnh vực. BS Nguyễn Thu Giang, Phó Viện trưởng Viện Phát triển Sức khoẻ cộng đồng Trung tâm Ánh Sáng để xuất cần có chiến lược và kế hoạch phát huy trí tuệ của các nhà khoa học, trí thức đã và đang đóng góp tích cực tới an sinh xã hội, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, bình đẳng giới. Có chính sách động viên khuyến khích đội ngũ các nhà khoa học, trí thức kịp thời và bình đẳng, không phụ thuộc việc họ đang làm trong cơ quan nhà nước hay các tổ chức khoa học công nghệ ngoài công lập, các tổ chức xã hội.

Các đại biểu đã nghe báo cáo và tham luận do các ban, bộ, ngành, hội ngành toàn quốc, Liên hiệp hội địa phương, đơn vị trực thuộc, nhà khoa học đại diện cho đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam trình bày. Các báo cáo tập trung chia sẻ kết quả hoạt động nổi bật của VUSTA cũng như đánh giá vai trò của VUSTA và đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ giai đoạn 2015-2020, đồng thời đưa ra các định hướng cốt lõi nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội VIII của VUSTA trong thời gian tới./.

 
 
Bích Liên