Đội ngũ chi viện hết mình vì bệnh nhân COVID-19 

(Chinhphu.vn) - Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định, chưa có kế hoạch rút lực lượng đang hỗ trợ khỏi TPHCM: “Từ nay đến 15/9 chưa có kế hoạch rút bớt bất kỳ một đồng nghiệp chi viện nào, ở bất kỳ vị trí nào. Xin đồng bào yên tâm. Các y, bác sĩ đã vào là làm hết mình”.

 

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn trao đổi tại buổi họp báo thông tin về tình hình dịch bệnh tại TPHCM. Ảnh: Trung tâm Báo chí TPHCM


Tại buổi họp báo vào chiều 9/9 thông tin về tình hình dịch bệnh tại TPHCM, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, dịch COVID-19 ở TPHCM diễn ra hết sức phức tạp, khó lường.

Theo Thứ trưởng, đến nay ngành y tế TPHCM đã huy động 20.000 cán bộ, nhân viên tham gia phòng chống dịch. Bộ Y tế cũng đã huy động hệ thống y tế của Trung ương, sở y tế địa phương, cũng như huy động hệ thống y tế tư nhân tham gia chống dịch hơn 100 ngày qua.

Hiện tổng số nhân lực hỗ trợ TPHCM những ngày qua gần 6.700 người, được phân công ở các bệnh viện hồi sức, điều trị tầng 2, bệnh viện dã chiến, lấy mẫu xét nghiệm và tiêm chủng vaccine. Đây là đợt huy động lớn nhất của ngành y tế từ trước đến nay.

Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, với các y, bác sĩ tăng cường vào TPHCM, bên cạnh sự phân công là tinh thần tự nguyện, mong muốn hỗ trợ Thành phố, chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Tâm thế của các thầy thuốc vào TPHCM không có đòi hỏi và sẵn sàng chấp nhận điều kiện khó khăn.

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng khẳng định, chưa có kế hoạch rút lực lượng đang hỗ trợ khỏi TPHCM: “Từ nay đến 15/9 chưa có kế hoạch rút bớt bất kỳ một đồng nghiệp chi viện nào, ở bất kỳ vị trí nào. Xin đồng bào yên tâm. Các y, bác sĩ đã vào là làm hết mình”.

Liên quan đến công văn của Bộ Y tế đề nghị xử lý hành chính và thu hồi chứng chỉ hành nghề đối với các y, bác sĩ tự ý bỏ việc, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn làm rõ một số nội dung.

Công văn đã nêu rõ yêu cầu người đứng đầu các đơn vị y tế bố trí nhân lực đảm bảo điều trị COVID-19 và các bệnh khác. Đây là trách nhiệm của ngành y tế. Trong điều kiện hiện nay, không thể bỏ rơi bệnh nhân COVID-19, không thể không tiếp nhận điều trị.

“Chúng tôi nâng cao truyền thông ý thức trách nhiệm nghề nghiệp của y, bác sĩ. Trong thời gian qua, một số đơn vị y tế có hiện tượng từ chối bệnh nhân, xảy ra tổn thất sinh mạng. Cũng có nơi, có lúc y, bác sĩ bỏ việc. Chúng tôi ra công văn chỉ có tính khuyến cáo, không phải để kỷ luật”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói.

Nói về chế độ cho các y, bác sĩ tham gia chống dịch, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, hiện có 2 nghị quyết liên quan đến chế độ phụ cấp cho nhân viên y tế tham gia chống dịch.

Theo Nghị quyết 37 của Chính phủ ban hành ngày 29/3/2020 về một số chế độ đặc thù trong phòng chống dịch COVID-19, đối tượng được hưởng tiền ăn 80.000 đồng/người/ngày. Ngay sau đó, TPHCM đã có Nghị quyết 02 về công tác phòng chống dịch COVID-19, nâng mức hỗ trợ đối với tất cả các đối tượng tham gia chống dịch lên 120.000 đồng/người/ngày.

Trong khi đó, theo Nghị quyết 16 của Chính phủ về chi phí cách ly y tế, khám chữa bệnh và một số chế độ đặc thù, quy định các đối tượng được hưởng tiền ăn là 80.000 đồng/người/ngày. TPHCM ban hành Nghị quyết 09, mở rộng thêm một số đối tượng hưởng chế độ tiền ăn, nâng mức hỗ trợ tiền ăn thành 120.000 đồng/người/ngày.

Đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế được hưởng chế độ lưu trú để tránh tình trạng lây nhiễm cho người nhà và nhiễm từ cộng đồng, ở các quận huyện và TP. Thủ Đức không quá 450.000 đồng/người/ngày.

Thời gian qua, trong các chuyến làm việc tại địa phương, nhất là khi kiểm tra công tác phòng chống dịch tại những điểm nóng nhất về dịch bệnh như Bắc Ninh, Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An…, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã luôn dành nhiều thời gian thăm hỏi, động viên các lực lượng tuyến đầu chống dịch, trong đó có đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên y tế. Thủ tướng cũng đặc biệt quan tâm đến cơ chế, chính sách cho các lực lượng tuyến đầu, trong đó có các y bác sĩ, nhân viên y tế.

Mới nhất, qua kiểm tra tình hình thực tế, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo đưa vào Nghị quyết phiên họp về việc giao Bộ Y tế chủ trì cùng các bộ, ngành liên quan tiếp tục quan tâm hơn nữa về đời sống vật chất, tinh thần và đề xuất chính sách cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch, nhất là đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên y tế đang ngày đêm vất vả phục vụ nhân dân.

Băng Tâm

272 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1497
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1497
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87159927