Các đồng chí: Phạm Văn Linh - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Hoàng Vĩnh Bảo - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đồng chủ trì Hội nghị.

Hội nghị tập huấn công tác chủ quản báo chí. (Ảnh: K.T)

Kéo dài trong suốt một ngày, Hội nghị tổ chức nhằm tạo điều kiện để các đồng chí là lãnh đạo các cơ quan chủ quản báo chí; lãnh đạo ban tuyên giáo, sở thông tin và truyền thông các tỉnh, thành phố... nắm được những nội dung cơ bản về chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác báo chí; vai trò, trách nhiệm của các cơ quan chủ quản báo chí, qua đó nâng cao nhận thức, năng lực tham mưu, xử lý tình huống trong công tác chỉ đạo, định hướng thông tin và quản lý cơ quan báo chí thuộc phạm vi phụ trách. Hội nghị đồng thời giúp các đại biểu, trong đó có nhiều đồng chí mới nhận nhiệm vụ nắm bắt nội dung một số văn bản chỉ đạo quan trọng của Đảng về báo chí; trao đổi, học hỏi kinh nghiệm công tác quản lý báo chí, góp phần nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, quản lý báo chí.

Tại Hội nghị, đồng chí Hoàng Vĩnh Bảo - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã thông tin về những vấn đề cần quan tâm trong công tác phối hợp quản lý cơ quan báo chí trực thuộc. Đồng chí Phạm Văn Linh- Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương thông tin về một số vấn đề cần quan tâm trong công tác phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, chủ quản báo chí.

Đánh giá về tình hình hoạt động báo chí hiện nay, báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông và báo cáo của Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết: tính tới  tháng 6/2017, cả nước có 832 cơ quan báo, tạp chí in, trong đó có 193 báo (Trung ương 86, địa phương 107), 639 tạp chí (trung ương 525, địa phương 114); 150 cơ quan báo điện tử đã được cấp phép (trong đó có 125 cơ quan báo in thực hiện loại hình báo điện tử); có 67 đài phát thanh, truyền hình trung ương và địa phương.

Cả nước hiện có 18.000 nhà báo được cấp thẻ, tăng 1.500 người so với năm 2011 và khoảng trên 5.000 phóng viên đang làm việc tại các cơ quan báo chí nhưng chưa đủ điều kiện cấp thẻ nhà báo. Số người làm việc trong lĩnh vực báo chí khoảng 35.000 người, tăng trên 3.000 người so với năm 2011.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh:K.T)

Trong thời gian qua, phần lớn các cơ quan báo chí hoạt động đúng tôn chỉ mục đích, định hướng chính trị, thực hiện tốt chức năng vừa là cơ quan tuyên truyền của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị- xã hội, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp, vừa là diễn đàn của nhân dân; phát hiện, cổ vũ nhân tố mới, điển hình tiên tiến, thành tựu công cuộc đổi mới; tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, chống thông tin,quan điểm sai trái, chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực phản động, thù địch; góp phần quan trọng vào quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng và sự nghiệp đổi mới; là cầu nối Việt Nam với bạn bè thế giới.

Tuy nhiên trong thời gian qua, nhiều cơ quan báo chí vẫn chưa quán triệt và thực hiện nghiêm túc chủ trương, chính sách, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về báo chí; một số cơ quan báo chí không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, nhiệm vụ chính trị; một số cơ quan báo chí có vị trí quan trọng nhưng chậm đổi mới; tình trạng sai sót, thiếu chuẩn xác trong thông tin; khuynh hướng “thương mại hóa”; hệ thống báo chí thiếu quy hoạch. Gần đây, xuất hiện tình trạng có cơ quan báo chí bị ảnh hưởng tiêu cực từ mạng xã hội, số nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, vi phạm pháp luật có dấu hiệu gia tăng. Nguyên nhân là do công tác lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước đối với báo chí còn một số bất cập. Năng lực, bản lĩnh, trách nhiệm của đội ngũ những người làm báo, nhất là những người đứng đầu cơ quan báo chí còn hạn chế. Một số cơ quan báo chí chưa thực sự đề cao quy định tác nghiệp; quy trình biên tập còn sơ xuất, thiếu sót. Công tác đào tạo, giáo dục, sử dụng cán bộ, phóng viên, nhân viên ở một số cơ quan báo chí chưa tốt…

Đánh giá công tác chỉ đạo, quản lý của cơ quan chủ quản báo chí đối với cơ quan báo chí trực thuộc, báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông nêu rõ: Hiện nay vẫn còn tình trạng một số cơ quan chủ quản, tập trung chủ yếu ở các tổ chức xã hội – nghề nghiệp, buông lỏng quản lý đối với cơ quan báo chí, để báo chí thông tin không đúng theo tôn chỉ, mục đích trong giấy phép hoạt động, vi phạm quy định của pháp luật về báo chí.

Công tác phối hợp giữa cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí với cơ quan chủ quản báo chí trong việc chỉ đạo, quản lý cơ quan báo chí trực thuộc còn chưa chủ động, chạy theo sự vụ; cơ chế phối hợp liên cơ quan, trung ương và địa phương chưa gắn kết, còn nhiều hạn chế. Sự phối hợp giữa cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí còn chưa chặt chẽ, kịp thời.

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phạm Văn Linh phát biểu kết luận Hội nghị. (Ảnh: K.T)

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe đồng chí Phạm Văn Linh- Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương thông báo một số văn bản quan trọng của Đảng về chỉ đạo, định hướng thông tin như: Quyết định số 75-QĐ/TW của Ban Bí thư về việc ban hành “quy chế bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí”; Quyết định số 155- QĐ/TW của Ban Bí thư về việc ban hành “Quy định về sự phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông, Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan Đảng, Nhà nước trong công tác chỉ đạo, quản lý báo chí; Quyết định số 157- QĐ/TW của Ban Bí thư về chỉ đạo, định hướng chính trị, tư tưởng, nhất là đối với các vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm trong nội dung thông tin của báo chí; Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị về “Phát triển và tăng cường quản lý báo chí điện tử, mạng xã hội và các loại hình truyền thông khác trên Internet”; Quy định số 65- QĐ/TW của Ban Bí thư về chỉ đạo, định hướng, cung cấp thông tin tuyên truyền phòng chống tham nhũng.

Kết luận Hội nghị, đồng chí Phạm Văn Linh khẳng định: Sau một ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Hội nghị đã được nghe báo cáo về những vấn đề báo chí cần quan tâm cũng như những văn bản chính của Đảng và Nhà nước về quản lý báo chí, cùng với các ý kiến tâm huyết của các đại biểu đã thể hiện trách nhiệm cũng như sự phong phú của đời sống báo chí. Báo chí không chỉ là bộ phận quan trọng trong công tác tuyên giáo mà báo chí còn là vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng và Nhà nước, vì thế các Bộ, các ngành, đặc biệt là các cơ quan chủ quản cần hiểu rõ hơn về đời sống báo chí để định hướng đúng và trúng. Đồng chí Phạm Văn Linh nhấn mạnh: đã đến lúc các cơ quan chủ quản phải đổi mới tư duy và nâng cao nhận thức về vấn đề này. Bên cạnh đó, các cơ quan chủ quản cần tăng cường phối hợp liên cơ quan, từ trung ương đến địa phương để hỗ trợ và tạo điều kiện tốt hơn cho các cơ quan báo chí phát triển. Ngoài ra, các cơ quan chủ quản còn phải thường xuyên phối hợp, định hướng thông tin cho các cơ quan báo chí trực thuộc. Đặc biệt, các cơ quan chủ quản báo chí cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cho các cơ quan báo chí trực thuộc, không phải là bao cấp hoàn toàn nhưng phải tạo điều kiện ban đầu để các cơ quan báo chí trực thuộc có thể đứng vững; thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, phóng viên và quy hoạch cơ quan báo chí trực thuộc thật khoa học và hợp lý./.

K.T