ĐỔI MỚI TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CÔNG ĐOÀN TRONG TÌNH HÌNH MỚI 

Trong từng thời kỳ cách mạng, Đảng ta luôn có những định hướng, lãnh đạo kịp thời đối với tổ chức và hoạt động công đoàn và thực tiễn lịch sử 92 năm qua đã chứng minh Công đoàn Việt Nam luôn trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, lợi ích của dân tộc và của công nhân, viên chức, lao động. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, Công đoàn luôn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ mà Đảng giao phó.

Trước yêu cầu hội nhập quốc tế của đất nước và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đặt ra cho tổ chức Công đoàn là phải đổi mới, phải bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng, phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế. Ngày 12/6/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW về “Đổi mới tổ chức hoạt động công đoàn trong tình hình mới”. Nghị quyết ra đời thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, là động lực quan trọng để tổ chức Công không ngừng đổi mới, xứng đáng niềm tin của đoàn viên và người lao động, đồng thời nhận diện những khó khăn, thách thức phải đối diện, để từ đó ý thức sâu sắc hơn nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn trong giai đoạn hiện nay.

Những năm qua, mặc dù phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức nhưng giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn tỉnh Quảng Trị đã không ngừng lớn mạnh, phát triển cả về số lượng, chất lượng, đến nay có gần 1.200 công đoàn cơ sở với 4,5 vạn đoàn viên. Hoạt động công đoàn được đổi mới, ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả hơn, từng bước đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của đoàn viên và người lao động, hướng mạnh về cơ sở, thực hiện ngày càng tốt hơn chức năng chăm lo, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên và người lao động, tập hợp đông đảo người lao động trong các thành phần kinh tế gia nhập tổ chức công đoàn, phát động các phong trào thi đua yêu nước tạo được động lực mạnh mẽ thúc đẩy đoàn viên hăng say lao động, cống hiến. Qua đó, góp phần giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng an ninh và phát triển kinh tế xã hội của địa phương, xây dựng đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Vai trò, vị thế của tổ chức công đoàn ngày càng được khẳng định.

Quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước đem lại nhiều cơ hội, thuận lợi cũng như khó khăn, thách thức cho công đoàn, đó là: Việc thực thi các cam kết về lao động, công đoàn theo các Hiệp định thương mại thế hệ mới, sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng lần thứ tư đòi hỏi trình độ tay nghề, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp của đội ngũ công nhân lao động phải ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ mới, trong khi đó chất lượng công nhân lao động tỉnh ta còn nhiều hạn chế; quan hệ lao động ngày càng phức tạp; việc làm, đời sống, thu nhập của một bộ phận người lao động còn khó khăn; việc thực hiện chế độ, chính sách pháp luật cho người lao động còn nhiều vấn đề bức xúc... Tổ chức và hoạt động của Công đoàn còn một số hạn chế, yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới: Công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở chưa tương xứng với tốc độ phát triển của doanh nghiệp, người lao động; chất lượng đoàn viên chưa cao; hoạt động công đoàn chưa gắn với đặc điểm, nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, người lao động và tình hình quan hệ lao động. Công tác tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn còn bất cập...

Quán triệt tinh thần Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức hoạt động công đoàn trong tình hình mới”, các cấp công đoàn thời gian tới cần tập trung thực hiện các nội dng sau:

1. Chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết và quán triệt đến toàn thể đoàn viên, người lao động. Cụ thể hóa nội dung Nghị quyết vào hoạt động công đoàn cho thật phù hợp, sát với thực tiễn, có trọng tâm, trọng điểm để tổ chức thực hiện hiệu quả.

2. Đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy công đoàn bảo đảm tinh gọn hiệu lực, hiệu quả; củng cố, nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động công đoàn ngành địa phương; đổi mới cách theo dõi, đánh giá, xếp loại chất lượng công đoàn phù hợp với thực tế; nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở, nhất là các đơn vị ngoài nhà nước, tăng cường cán bộ chuyên trách về hỗ trợ cho cơ sở; điều chỉnh nhiệm vụ của các cấp công đoàn theo hướng tập trung vào các nhiệm vụ cốt lõi, phù hợp với đặc thù từng cấp.  

3. Đổi mới phương thức chỉ đạo và tổ chức hoạt động công đoàn theo hướng khoa học, sáng tạo, hướng về cơ sở, phù hợp với từng đối tượng đoàn viên, người lao động, tập trung nguồn lực cho cơ sở; khai thác, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong tổ chức hoạt động công đoàn;  lấy nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của tập thể đoàn viên, người lao động làm cơ sở xác định nội dung; lấy việc đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động làm mục tiêu hoạt động. Từ mục tiêu và nội dung được xác định, hình thành phương thức hoạt động phù hợp, đảm bảo sức hấp dẫn, tiết kiệm nguồn lực, thiết thực hiệu quả, nâng cao sức mạnh của tổ chức Công đoàn.

4. Triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở. Không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, để công nhân lao động thấy rõ quyền, lợi ích khi gia nhập tổ chức công đoàn; đổi mới công tác vận động, thuyết phục để người sử dụng lao động hiểu đúng về tổ chức công đoàn, ủng hộ thành lập công đoàn, bảo đảm quyền của người lao động được tham gia hoạt động trong tổ chức công đoàn theo quy định của pháp luật. Tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ năng lực, tâm huyết, trách nhiệm với công việc. Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền thực hiện tốt Chỉ thị số 05-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên trong tình hình mới”; phối hợp tổ chức các lớp bồi dưỡng cảm tình đảng, đề xuất có chương trình dành riêng cho công nhân lao động phù hợp với điều kiện thực tế của công nhân lao động và quá trình xét kết nạp sao cho thuận lợi, đảm bảo quy định.

5. Chủ động phối hợp với người sử dụng lao động chăm lo lợi ích, bảo đảm quyền của người lao động; kịp thời giám sát, giải quyết và kiến nghị giải quyết những vấn đề bức xúc của công nhân; thường xuyên đối thoại, phát huy dân chủ, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, nâng cao chất lượng bữa ăn ca cho đoàn viên, người lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp. Tham mưu cho Tổng Liên đoàn và tỉnh triển khai dự án thiết chế Công đoàn; duy trì và phát huy hiệu quả Chương trình Tết Sum vầy, Mái ấm Công đoàn, Tháng Công nhân và các chương trình phúc lợi khác để chăm lo đời sống đoàn viên, người lao động ngày càng tốt hơn.

6. Chú trọng công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, pháp luật, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động cho đoàn viên, người lao động. Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; nâng cao đời sống tinh thần cho đoàn viên và người lao động. Tổ chức các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước theo hướng đổi mới, thiết thực, hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, lĩnh vực; biểu dương, khen thưởng kịp thời tập thể, cá nhân có thành tích; chú trọng phát hiện, nhân rộng điển hình tiên tiến, mô hình hoạt động sáng tạo, hiệu quả.

Kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7/2021) năm nay càng có ý nghĩa hơn khi tổ chức Công đoàn trong tỉnh đang tập trung triển khai, cụ thể hóa nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp thành nhiều hoạt động thiết thực, có ý nghĩa đối với đoàn viên và người lao động. Với sự quan tâm lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, tạo điều kiện phối hợp của các cấp chính quyền, tổ chức Công đoàn Quảng Trị sẽ tiếp tục thực hiện tốt chức năng của mình, xây dựng giai cấp công nhân, đội ngũ công chức viên chức tỉnh nhà ngày càng lớn mạnh./. Nguyễn Thế Lập – Chủ tịch LĐLĐ tỉnh

1779 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1443
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1443
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87112493