Chất lượng đào tạo nghề tiếp tục được cải thiện
Chương trình hỗ trợ và phát triển thị trường lao động đến năm 2030 ban hành tại Quyết định số 176/QĐ-TTg ngày 05/02/2021 đã đưa ra mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30%.
Thực hiện nhiệm vụ đó, hệ thống giáo dục nghề nghiệp đang chủ động triển khai các giải pháp, trong đó chú trọng tới hoạt động truyền thông, tư vấn, hướng nghiệp để giúp phụ huynh, người học hiểu hơn về nghề nghiệp, về ngành nghề để lựa chọn phù hợp.
|
Đào tạo kỹ năng nghề tại Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama2
(Nguồn ảnh: Lilama 2). |
Không chỉ có vậy, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn duy trì, đẩy mạnh gắn kết với doanh nghiệp để nâng cao chất lượng đào tạo, và hơn nữa là để phụ huynh, người học nhìn thấy hiệu quả, đầu ra có việc làm phù hợp, thu nhập ổn định. Đến nay, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đã chủ động tìm đến các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để tham gia ngay vào quá trình tuyển sinh, đặt hàng đào tạo, “đặt gạch” sinh viên tốt nghiệp, tuyển dụng sinh viên trước và ngay khi tốt nghiệp. Hoạt động đầu tư của doanh nghiệp vào giáo dục nghề nghiệp đã tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có thêm nguồn lực, có cơ hội đầu tư, tiếp nhận trang thiết bị đào tạo mới, công nghệ mới, tăng cơ hội cho học sinh, sinh viên tiếp cận với thực tế sản xuất sản phẩm.
Với mục tiêu phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt, đa dạng, đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực lao động có kỹ năng nghề phục vụ các chương trình phục hồi kinh tế của đất nước, hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã tích cực, chủ động điều chỉnh chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra, tăng cường kết nối doanh nghiệp, đa dạng hóa các hình thức đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động, để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi nghề, chuyển đổi công việc của người lao động trong doanh nghiệp và thích ứng được với sự thay đổi của sản xuất, kinh doanh trong kỷ nguyên số và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Đặc biệt, triển khai các chương trình đào tạo hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg đến nay, theo báo cáo của các địa phương, đã có gần 500 doanh nghiệp có nhu cầu và đề nghị được hướng dẫn về thủ tục thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm cho người lao động trong cả nước, trong đó 88 đơn vị đã gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ đào tạo, duy trì việc làm cho gần 35.000 lao động.
Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, hoạt động tư vấn, hướng nghiệp tuyển sinh trong năm 2022 được duy trì, đẩy mạnh ngay từ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đến các ngày hội tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh quy mô cấp tỉnh, cấp trung ương và đã thu hút được sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng.
Hoạt động tư vấn, hướng nghiệp được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chú trọng tổ chức trực tiếp tại các trường THPT, THCS thông qua nhiều hình thức, nội dung như trải nghiệm nghề nghiệp, thực hành nghề, trắc nghiệm nghề nghiệp… đã giúp cho các em học sinh hiểu về nghề, hiểu về sở thích của mình với nghề nghiệp để có sự lựa chọn đúng với nghề nghiệp tương lai…
Nhờ có các giải pháp đồng bộ, phù hợp ước tính cả năm 2022 cả nước tuyển sinh được trên 2.259 nghìn người, đạt 108,3% so với kế hoạch, góp phần tăng tỷ lệ nguồn nhân lực qua đào tạo, có văn bằng chứng chỉ qua đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực có kỹ năng nghề cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Phát triển các trung tâm đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao tại 3 miền
Báo cáo trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, dù công tác giáo dục nghề nghiệp thời gian qua có chuyển biến tích cực hơn về cả quy mô lẫn chất lượng, song lao động có chứng chỉ bằng cấp còn thấp, chất lượng nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu. Chúng ta đang thiếu lao động cục bộ, đặc biệt thiếu nhân lực chất lượng cao, dẫn đến năng suất lao động thấp. Lao động phi chính thức còn chiếm tỷ lệ cao, dịch chuyển lao động, chuyển đổi nhân lực thấp.
Tại Hội nghị toàn quốc triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2023 diễn ra giữa tháng 1//2023, Bộ LĐ-TB&XH cũng nhìn nhận, một trong những khó khăn, tồn tại là chất lượng và cơ cấu nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường lao động. Trình độ và kỹ năng của lực lượng lao động mặc dù được cải thiện trong thời gian qua, song vẫn còn thấp so với yêu cầu của thị trường lao động và so với các nước trên thế giới, tiếp tục là điểm nghẽn cho phát triển việc làm chất lượng và năng suất.
Bên cạnh đó, tỷ lệ phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, trung học phổ thông vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp vẫn còn thấp; chưa tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc trong việc dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Công tác tuyển sinh, tổ chức đào tạo của một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp gặp khó khăn, nhất là tuyển sinh trình độ cao đẳng, trung cấp và tuyển sinh đối với các ngành, nghề chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.
Bộ LĐ-TB&XH cũng chỉ ra việc sáp nhập cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở một số địa phương mang tính hành chính, cơ học, chưa có nguyên tắc, tiêu chí sáp nhập cụ thể; chưa có cơ chế bảo đảm hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sau sắp xếp…
Để thực hiện và hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023, Bộ LĐ-TB&XH đã xác định một trong những phương châm hành động trọng tâm là: “Tiếp tục đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp, nhất là đào tạo nhân lực có kỹ năng nghề, nhất là nhân lực chất lượng cao. Phát triển giáo dục nghề nghiệp, gắn kết chặt chẽ với thị trường lao động; tập trung đào tạo nhân lực theo hướng ứng dụng, thực hành, thực tập, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, đặc biệt là nhu cầu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các khu vực kinh tế trọng điểm; góp phần nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư và hội nhập quốc tế”.
Theo đó, Bộ sẽ tập trung phát triển giáo dục nghề nghiệp, gắn kết công tác đào tạo nghề với thị trường lao động, đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế.
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề; triển khai Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (sau khi được phê duyệt) nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030 theo hướng mở, linh hoạt để cụ thể hóa chủ trương của Đảng về giải pháp “Phát triển nguồn nhân lực, giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế”.
Bộ LĐ-TB&XH cũng sẽ tập trung chỉ đạo việc sắp xếp, tiếp nhận, cơ cấu lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp từ bộ, ngành khác về Bộ LĐ-TB&XH quản lý; hình thành và phát triển các trung tâm quốc gia, trung tâm vùng về đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao tại 03 miền theo Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp.
Tăng cường đào tạo nhân lực có kỹ năng nghề, nhất là nhân lực chất lượng cao theo hướng ứng dụng, thực hành, thực tập, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng cho thị trường lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.
Tổ chức đào tạo phát triển kỹ năng lao động và cung ứng kịp thời đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, đặc biệt là nhu cầu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Triển khai mô hình đào tạo, đào tạo lại trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng cho lao động nông thôn, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác gắn với việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.
Cùng với đó, thực hiện đào tạo, đào tạo lại cho người lao động bị thất nghiệp; hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo; phát triển chương trình, giáo trình, tài liệu, tài nguyên học liệu đào tạo; Xây dựng mới chuẩn đầu ra ở các ngành, nghề đặc thù, một số nghề phổ biến trình độ sơ cấp.
Bộ LĐ-TB&XH cũng sẽ triển khai đào tạo thí điểm chương trình đào tạo cho các ngành, nghề đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tổ chức đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho khoảng 8.000 - 15.000 lao động. Thực hiện tốt công tác kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Đẩy mạnh các hoạt động gắn kết GDNN với thị trường lao động, việc làm bền vững; tăng cường hợp tác giữa cơ sở GDNN với doanh nghiệp trong công tác tuyển sinh, tổ chức đào tạo và giải quyết việc làm…/.