Đổi mới quản trị địa phương: Không khoác 'đồng phục’ cho cả 63 tỉnh, thành phố 

(Chinhphu.vn) - Không thể khoác một “bộ đồng phục” cho cả 63 tỉnh, thành phố bởi mỗi địa phương có đặc thù riêng, khác nhau. Để đổi mới quản trị địa phương, vấn đề phân công, phân cấp, phân quyền, ủy quyền được coi là giải pháp đầu tiên, mang tính căn cơ, quyết định. Nếu việc này được thực hiện tốt thì sẽ tạo động lực cho địa phương phát triển mạnh mẽ.
Đổi mới quản trị địa phương: Không khoác 'đồng phục’ cho cả 63 tỉnh thành - Ảnh 1.

Phiên thảo luận "Đổi mới quản trị địa phương hướng tới mục tiêu phát triển bền vững: Kinh nghiệm quốc tế và các giá trị tham khảo đối với Việt Nam" - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Ngày 19/10, trong khuôn khổ chương trình Hội nghị thường niên Tổ chức Hành chính miền Đông thế giới (EROPA) 2023, Học viện Hành chính Quốc gia đã chủ trì phiên thảo luận với chủ đề "Đổi mới quản trị địa phương hướng tới mục tiêu phát triển bền vững: Kinh nghiệm quốc tế và các giá trị tham khảo đối với Việt Nam".

Tại đây, các diễn giả đến từ Philippines, Nhật Bản, Singapore… đã chia sẻ nhiều bài học kinh nghiệm cho Việt Nam về phân cấp, phân quyền, quản lý nhân sự trong khu vực công, kiểm soát nội bộ…

Trong số những bài học này, việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương được coi là giải pháp đầu tiên, mang tính căn cơ, quyết định đến sự đổi mới quản trị địa phương hướng tới mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam.

GS. Masao Kikuchi, Chủ tịch Ủy ban Chương trình và Kế hoạch Tương lai (EROPA), Giám đốc Trung tâm Giáo dục Quốc tế Đại học Meiji (Nhật Bản) cho biết, tại Nhật Bản, Luật Tự trị địa phương quy định nhiệm vụ của cơ quan công quyền địa phương là thúc đẩy phúc lợi của người dân, vì mục đích đó, cơ quan này sẽ thực hiện một loạt nhiệm vụ trong tự chủ và thực thi nhiệm vụ toàn diện của chính quyền địa phương.

Nhật Bản đã trải qua 3 lần sát nhập các đơn vị hành chính cơ sở để tăng năng lực tự chủ, qua đó thúc đẩy phân cấp cho các địa phương. Mỗi chính quyền địa phương có bộ phận hành pháp và lập pháp chịu sự điều hành của các thống đốc hoặc thị trưởng được bầu và các thành viên hội đồng dân cử tương ứng (hệ thống thị trưởng mạnh).

GS. Masao Kikuchi cũng lấy ví dụ về thảm họa kép động đất - sóng thần năm 2011 để cho thấy quản trị địa phương có vai trò rất quan trọng trong những trường hợp cấp bách, quá trình phục hồi kinh tế sau thảm họa, thiên tai xảy ra.

Lắng những chia sẻ của các diễn giả, PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu, Phó Giám đốc Học viện Hành chính quốc gia Việt Nam cho biết, phân cấp, phân quyền đi đôi với kiểm tra, giám sát là một vấn đề quan trọng trong nhận thức của Đảng ta về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng đã đề cập nhiều nội dung liên quan đến phân cấp, phân quyền.

"Đã đến lúc chúng ta không thể khoác một 'bộ đồng phục' cho 63 tỉnh, thành, bởi mỗi một địa phương có đặc thù riêng, khác nhau. Nếu khoác 'đồng phục' thì có thể chiếc áo sẽ chật chội với địa phương này nhưng lại trở nên rộng với địa phương khác", PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu cho hay.

Phân cấp, phân quyền dựa trên năng lực của mỗi địa phương

Từ góc độ nhà khoa học, PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu đề xuất, cần phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, việc nào của địa phương thì địa phương quyết định, có sự chủ động, tránh trường hợp xin - cho, phải hỏi Trung ương, dẫn đến mất tính thời điểm, mất "điểm vàng".

Theo PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu, quyết tâm chính trị của Việt Nam rất rõ. Tuy nhiên, để đi vào thực hiện, có nhiều điều cần phải bàn và học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia.

Bởi hiện nay, trong phân cấp giữa Trung ương và chính quyền địa phương, đâu là nhiệm vụ có thể phân cấp cho địa phương thì lại chưa rõ. Vì vậy, cần có sự tường minh, rõ ràng hơn.

Hơn nữa, một thực tế là có những địa phương đã được phân cấp, phân quyền quyền nhưng vẫn lên Trung ương hỏi. Như vậy, việc phân cấp, phân quyền nên dựa trên năng lực của mỗi địa phương, địa phương có thể tiếp nhận được đến đâu thì phân cấp đến đó, sao cho phù hợp.

Việt Nam đang trong quá trình đô thị hóa, do đó, việc xác định được chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn cần được đặt ra, không phải lúc nào chúng ta cũng có thể tách bạch nông thôn với đô thị và sẽ có lúc phải xây dựng mô hình đô thị mà chấp nhận trong đó có văn hóa nông thôn, truyền thống nông thôn.

Cũng theo PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu, để phân cấp mạnh xuống địa phương, ở mỗi địa phương cần phải có khả năng thích ứng với vấn đề tự chủ. Hiện nay, nhiều đơn vị cấp xã không thể tự chi trả dịch vụ công, không thể tự chủ được. Đó chính là bài toán về sát nhập mà Bộ Nội vụ đang thực hiện để các địa phương có thể tự chủ.

Đổi mới quản trị địa phương: Không khoác 'đồng phục’ cho cả 63 tỉnh thành - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải chia sẻ về việc Hà Nội đổi mới quản trị công tại phiên thảo luận - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Từ thực tiễn tại địa phương, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, tháng 3/2022, Hà Nội đã triển khai xây dựng Đề án về đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền trên địa bàn Thành phố. Hà Nội thành lập Ban Chỉ đạo và triển khai xây dựng Đề án, với các quan điểm, nguyên tắc xây dựng phân cấp, ủy quyền theo đề xuất từ dưới lên, đồng thời từ trên xuống; phân cấp, ủy quyền triệt để cho cấp huyện, cấp xã (đối với những nhiệm vụ được phép theo quy định của pháp luật) theo tinh thần giảm đầu mối, tầng nấc, việc nào, cấp nào sát thực tế hơn, giải quyết kịp thời và phục vụ tốt hơn các yêu cầu của tổ chức và người dân thì giao cho cấp đó thực hiện, phù hợp với trình độ, khả năng quản lý.

Trên cơ sở đó, Thành phố tiếp tục điều chỉnh bổ sung quy định phân cấp cho cấp huyện đối với 9 lĩnh vực, là những lĩnh vực liên quan đến các vấn đề dân sinh, với ít nhất 210 nhiệm vụ chính được phân cấp. Cùng với đó, Thành phố đã thực hiện phân cấp, ủy quyền đối với 708/1.910 thủ tục hành chính.

Qua đánh giá cho thấy, việc phân cấp, ủy quyền bước đầu mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính; giúp chính sách, các quy định của pháp luật được thực hiện nhanh chóng, chính xác; rút ngắn khoảng cách giữa cơ quan hành chính nhà nước các cấp với người dân, doanh nghiệp; đơn giản hóa quy trình, hồ sơ, qua đó rút ngắn thời gian giải quyết, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính; cải thiện, nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước của Thành phố.

Ông Hà Minh Hải cũng cho biết, tới đây, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6. Dự thảo luật này được xây dựng với nhiều nội dung mới, trong đó có các quy định nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng tính chủ động cho Hà Nội trong thực hiện các nhiệm vụ để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Đại diện Bộ Nội vụ, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Phan Trung Tuấn cho hay, đối với việc phân cấp, phân quyền cho địa phương, Chính phủ, Quốc hội đã nhìn nhận đây là vấn đề cấp bách và được thực hiện có hiệu quả trong thời gian qua.

Thời gian tới, việc phân cấp, phân quyền sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, trong đó, các bộ, ngành, cơ quan liên quan sẽ có trách nhiệm hoàn thiện hơn nữa về cơ chế, chính sách không chỉ ở việc sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương mà còn cả sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ hay các luật điều chỉnh quan hệ xã hội ở các lĩnh vực chuyên ngành khác.

Hoàng Giang

272 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 992
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 992
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87222688