Thực hiện Chỉ thị số 13 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, ngành lâm nghiệp cả nước đã có nhiều đóng góp quan trọng phát triển kinh tế- xã hội, đạt mục tiêu tăng trưởng 6,57%, nâng độ che phủ của rừng đạt 41,45%, trồng rừng đạt 225 nghìn ha, khai thác gỗ rừng tập trung đạt 28 triệu mét khối, giá trị xuất khẩu đạt trên 8 tỷ USD… Đáng chú ý là công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã giảm 38% về số vụ vi phạm lâm luật, diện tích rừng thiệt hại giảm 68%.
Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu cho rằng trước yêu cầu thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo tồn giá trị đa dạng sinh học gắn với sử dụng hài hòa các lợi ích kinh tế, các cấp ủy, chính quyền địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền Chỉ thị 13 tới các chủ rừng. Đồng thời chỉ đạo và phối hợp với lực lượng kiểm lâm nêu cao tinh thần trách nhiệm bảo vệ khu vực rừng ở địa bàn giáp ranh.
|
Ông Đỗ Quang Tùng, Quyền Cục trưởng Cục Kiểm Lâm - Ảnh: VGP/ Đỗ Hương |
Ông Đỗ Ngọc Đoàn, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh Phú Thọ nêu ý kiến: “Phải tập trung tuyên truyền cho cấp ủy chính quyền địa phương để địa phương thực hiện tốt. Với diện tích rừng và đất lâm nghiệp Phú Thọ biên chế kiểm lâm nhiều hơn các tỉnh khác nhưng thực tế nếu không có tuyên truyền thì không làm nổi. Phải làm tốt công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp và giữa địa phương. Hiện các tỉnh giáp ranh với Phú Thọ đã ký kết các quy chế phối hợp và chỉ đạo các huyện cũng phải triển khai. Khi tổng kết quy chế phối hợp không chỉ là ngồi đánh giá mà còn phải đi kiểm tra phát sinh cái gì chúng ta cần trao đổi để kịp thời bổ sung cho sát thực tế”.
Ông Đỗ Quang Tùng, Quyền cục trưởng Cục Kiểm lâm, Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, ngoài thay đổi về nhận thức để hoàn thành các nhiệm vụ được giao, lực lượng kiểm lâm cần trau dồi kiến thức về chuyên môn và phẩm chất đạo đức của người chiến sỹ kiểm lâm, chấp hành tốt các cơ chế, chính sách đã được quy định trong lĩnh vực nông nghiệp.
Ông Tùng nhấn mạnh: “Trong thời kỳ mới, kiểm lâm còn thực hiện thêm công tác phát triển rừng, ở đây không chỉ quản lý bảo vệ rừng mà còn hỗ trợ phát triển cộng đồng người làm nghề rừng ở địa phương cũng như đóng góp cho sự tăng trưởng của kinh tế lâm nghiệp. Lực lượng kiểm lâm là lực lượng nòng cốt nhưng trong thực hiện hoạt động tại hiện trường, địa phương chúng tôi rất cần sự tham gia phối hợp của chính quyền địa phương, các ngành, các cấp có liên quan chứ một mình lực lượng kiểm lâm như hiện nay không thể đủ để quản lý hơn 14 triệu ha rừng trên cả nước”.
Nhân dịp này, đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho các tập thể và cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua “Kiểm lâm gắn với dân, với rừng, tinh thông về nhiệm vụ, trong sạch, vững mạnh.
Đỗ Hương