Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác phụ nữ theo tinh thần đại hội XIII của Đảng 

Công tác phụ nữ có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng đối với quá trình phát triển của đất nước, là thước đo của sự văn minh, tiến bộ, công bằng xã hội. Chính vì vậy, trong suốt tiến trình cách mạng, Ðảng ta luôn quan tâm lãnh đạo công tác phụ nữ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao vai trò của phụ nữ, Người khẳng định: “Non song gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức thêu dệt mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”.

Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII tiếp tục khẳng định: “Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ. Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Tăng cường các chương trình phát triển, hỗ trợ cập nhật tri thức, kỹ năng cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới. Kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật các tệ nạn xã hội, các hành vi bạo lực, mua bán, xâm hại phụ nữ, trẻ em”

Thực tiễn cho thấy, 91 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhât là hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác phụ nữ có nhiều đổi mới theo hướng ngày càng dân chủ và đạt hiệu quả cao hơn. Chính vì vậy, Đảng ta đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị  quyết như Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 12/7/1993 của Bộ Chính trị khóa VII về đổi mới và tăng cường công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới; Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị khóa X về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 20/1/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới… đến việc cụ thể hóa bằng chính sách của Nhà nước như: Luật Bình đẳng giới (2006); Nghị định số 56/2012/NĐ-CP, ngày 16/7/2012 của Chính phủ quy định trách nhiệm của Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp trong việc bảo đảm cho các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tham gia quản lý nhà nước, hay mới đây vào ngày 03/3/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 28/NQ-CP về Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 – 2030…Điều đó cho thấy, Đảng và Nhà nước ta đánh giá cao vị trí, vai trò và tầm quan trọng của phụ nữ và công tác phụ nữ. Qua các nhiệm kỳ Đại hội Đảng toàn quốc, Đảng đều có định hướng rõ nội dung, phương hướng lãnh đạo công tác phụ nữ để các cấp, các ngành trong cả hệ thống chính trị thực hiện. Sau khi có nghị quyết Trung ương, các cấp ủy đều xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết. Việc tổ chức học tập, quán triệt đều được tổ chức chặt chẽ, có nhiều đổi mới trong chuyển tải nội dung đến cán bộ, đảng viên nên nhận thức về công tác phụ nữ có chuyển biến tiến bộ.

Trong đổi mới phương thức lãnh đạo, Đảng rất quan tâm đổi mới công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội  ngũ cán bộ nữ trong cả hệ thống chính trị, trong đó có cán bộ của các cấp hội. Báo cáo Chính trị Đại hội đại biểu của Đảng các khóa đều ghi rõ tăng tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số, phấn đấu đến tăng tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng, tham gia đại biểu quốc hội, hội đồng nhân dân… Hàng năm có nhiều nhà khoa học và doanh nhân nữ được tôn vinh về sự cống hiến trong nghiên cứu khoa học, sáng tạo trong sản xuất kinh doanh.

Thực hiện các đề án của Trung ương, của Chính phủ, các tỉnh, thành trong cả nước đã từng bước xem xét, đưa đội ngũ cán bộ nữ có triển vọng được vào nguồn quy hoạch để đào tạo, bồi dưỡng. Các cấp ủy đảng luôn tăng cường sự lãnh đạo đối với tổ chức Hội Phụ nữ nhiều tỉnh, thành đã phân công các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành, Ban Thường vụ trực tiếp phụ trách, theo dõi hoạt động của Hội. Việc bầu cử Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Hội LHPN đều được các cấp ủy đảng thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, đúng quy trình, hướng dẫn và chỉ đạo của cấp trên. Đồng thời, tổ chức đảng giới thiệu đảng viên ứng cử các chức danh chủ chốt của Hội, không gò ép, áp đặt. Mặt khác, để tổ chức, triển khai và thực hiện có hiệu quả và đưa các chủ trương, nghị quyết của Đảng về công tác phụ nữ vào thực tiễn cuộc sống, các cấp ủy đảng thường xuyên coi trọng công tác kiểm tra, giám sát, nhờ đó nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, của cán bộ lãnh đạo quản lý đối với công tác vận động phụ nữ, công tác Hội Phụ nữ có chuyển biến rõ nét.

Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mới đang đặt ra, việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác phụ nữ còn hạn chế, bất cập nhất định. Cụ thể: Công tác nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn về vận động phụ nữ; việc đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo công tác vận động phụ nữ có hiệu quả hơn chưa được quan tâm đúng mức. Việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của hội viên phụ nữ chưa tốt. Các giải pháp hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo, phát triển kinh tế bền vững thiếu đồng bộ. Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành, tham gia cấp ủy các cấp còn thấp so với mục tiêu chỉ tiêu đề ra, chưa tương xứng với năng lực và sự phát triển của lực lượng lao động nữ....

Vì vậy, để đổi mới phương thức lãnh đạo Đảng đối với công tác phụ nữ trong tình hình mới theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng, nhằm phát huy vai trò, tiềm năng to lớn của phụ nữ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao địa vị phụ nữ, trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội là một trong những nhiệm vụ và mục tiêu quan trọng của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới, các cấp, các ngành, đoàn thể, địa phương cần quan tâm đến những vấn đề sau:

Thứ nhất, các cấp ủy đảng cần tăng cường việc nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn về công tác phụ nữ. Trên cơ sở đó cụ thể hóa phương châm, nguyên tắc: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” để bổ sung quan điểm, đường lối lãnh đạo, xây dựng chiến lược công tác phụ nữ phù hợp với từng giai đoạn mới của cách mạng Việt Nam.

Thứ hai, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể nghiên cứu, ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản hướng dẫn, các chính sách mới liên quan đến phụ nữ.

Trên cơ sở luật pháp phải tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng đến các tầng lớp phụ nữ để họ nắm bắt và thực hiện cho đúng và hiệu quả. Tăng cường hơn nữa công tác giám sát, kiểm tra việc tổ chức thực hiện pháp luật ở các cấp, các ngành trong đó có luật lao động, luật bảo hiểm, luật bình đẳng giới, luật hôn nhân gia đình, luật phòng chống bạo lực gia đình… Định kỳ cần sơ kết, đánh giá kết quả thực thi pháp luật ở các cấp, các ngành để khen thưởng, biểu dương những nơi làm tốt, đồng thời xử lý nghiêm minh những người vi phạm.

Thứ ba, lãnh đạo, chỉ đạo các ngành chức năng liên quan nhiều đến công tác phụ nữ phối hợp chặt chẽ với Hội LHPN để tham mưu có hiệu quả về công tác phụ nữ

Để nâng cao đời sống của người phụ nữ, nhất là ở nông thôn, vùng sâu, vùng sa, vùng biên giới và hải đảo Hội LHPN các cấp cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tăng cường chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho phụ nữ. Hiện nay, chính sách đối với cán bộ, lao động nữ và hoạt động của các cấp hội còn nhiều bất cập, đòi hỏi các cơ quan chức năng như ngành lao động, tổ chức, nội vụ, giáo dục, y tế, tài chính… phải kịp thời tham mưu chính sách cho Nhà nước để góp phần làm cho công tác phụ nữ có biến chuyển mới.

Thứ tư, đổi mới và tăng cường hơn nữa việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác cán bộ nữ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới. Trên cơ sở các chỉ tiêu Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị (khoá X) về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH và tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 (khoá XII) về công tác cán bộ để ban hành một số quy định cụ thể về công tác cán bộ nữ cho thời kỳ mới đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, nhât là cán bộ nữ là lãnh đạo, quản lý các cấp, đảm bảo cơ cấu hợp lý. Tăng cường chỉ đạo sơ kết, đánh giá công tác cán bộ nữ, đảng bộ nào thực hiện tốt thì biểu dương, đảng bộ nào thực hiện không tốt thì phê bình.

Thứ năm, các cấp uỷ đảng tiếp tục đổi mới sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện việc xây dựng, củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cấp Hội LHPN đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới.

Thực hiện tốt vấn đề bình đẳng giới và công tác phụ nữ trong thời kỳ mới, theo tinh thần Đại hội lần thứ XIII của Đảng, sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ mà Đại hội Đảng các cấp đề ra thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” đưa đất nước vững bước đi lên theo con đường xã hội chủ nghĩa. Tân Linh

1350 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 689
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 689
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76764872