Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2017. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: Với sự đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng, quyết tâm với tinh thần trách nhiệm cao nhất, năng động sáng tạo, đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo, điều hành gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo xử lý, giải quyết hài hòa cả mục tiêu trước mắt và chủ động triển khai thực hiện các mục tiêu trung và dài hạn.

Tập trung chỉ đạo giải quyết các vấn đề trọng tâm, thúc đẩy tăng trưởng theo mục tiêu đề ra; kịp thời xử lý, quyết liệt tháo gỡ nhiều vấn đề phát sinh, gây bức xúc dư luận và những vấn đề tồn tại, kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ đã xem xét, xử lý gần 1.500 phiếu trình giải quyết công việc; ký ban hành 35 nghị quyết, 73 nghị định; 21 quyết định quy phạm pháp luật; 868 quyết định cá biệt và 9.388 văn bản chỉ đạo, điều hành khác, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ đã thực hiện 75 chuyến công tác, làm việc với địa phương, cơ sở, trực tiếp thị sát tình hình, giải quyết gần 355 kiến nghị, tháo gỡ khó khăn cho địa phương, người dân và doanh nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì 14 Hội nghị toàn quốc, hơn 500 cuộc họp để trực tiếp lắng nghe, chỉ đạo xử lý, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, bất cập, thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực.

Đặc biệt là việc dành thời gian thỏa đáng để trao đổi, trực tiếp lắng nghe ý kiến góp ý, kiến nghị của nhân dân và doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học, kịp thời chỉ đạo tháo gỡ những vướng mắc, bất cập, những vấn đề bức xúc dư luận xã hội quan tâm.. đã thể hiện tinh thần lắng nghe, xây dựng nền hành chính phục vụ.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay, phát huy vai trò Tổ công tác của Thủ tướng, việc thực hiện các nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan, địa phương chuyển biến tích cực. Trong tổng số 13.054 nhiệm vụ được giao từ đầu năm tới nay, có  6.987 nhiệm vụ đã hoàn thành, 6.067 nhiệm vụ chưa hoàn thành (gồm 5.863 nhiệm vụ trong hạn và 204 nhiệm vụ quá hạn).

Như vậy, số nhiệm vụ quá hạn giảm rõ rệt so với cùng kỳ năm trước, số nhiệm vụ quá hạn chỉ chiếm 2,8%, giảm 22,2% so với trước thời điểm Tổ công tác được thành lập.

Tuy nhiên, Báo cáo cũng nêu rõ những tồn tại, hạn chế trong chỉ đạo, điều hành. Như công tác xây dựng và ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh vẫn còn chậm, tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết chưa được giải quyết triệt để.

Việc thực hiện Quy chế làm việc của Chính phủ còn chưa nghiêm, trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương hành chính còn lỏng lẻo, có trường hợp thành viên Chính phủ phát biểu trái với quyết nghị của Chính phủ. Công tác phối hợp xử lý công việc giữa các bộ, cơ quan còn rất chậm…

Một số bộ, ngành, địa phương còn để xảy ra sai phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm, chưa chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức cán bộ. Thể chế về công tác cán bộ, nhất là tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm, đánh giá cán bộ còn bất cập nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức chưa đồng đều, nhất là năng lực phát hiện, chủ động tham mưu giải quyết vấn đề.

Về phương hướng chỉ đạo, điều hành những tháng cuối năm, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ các Bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương khắc phục những hạn chế đã được chỉ ra; quyết tâm hành động, bám sát mục tiêu, năng động, đổi mới sáng tạo, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội.

Đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành bằng những việc làm cụ thể, đột phá, mang lại hiệu quả thực chất. Đặc biệt chú trọng khâu tổ chức thực hiện, nói đi đôi với làm, chuyển động toàn hệ thống để chính sách đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả.

Cùng với đó, khẩn trương hoàn thiện khung khổ pháp lý để đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, bán hết phần vốn nhà nước không cần nắm giữ. Xây dựng thí điểm các cơ chế, chính sách để linh hoạt xử lý, những vấn đề pháp luật chưa quy định cụ thể, kịp thời tháo gỡ những vấn đề đã được quy định nhưng còn vướng mắc, làm cơ sở cho việc điều chỉnh hoặc ban hành cơ chế, chính sách mới phù hợp.

Phát huy vai trò giám sát, phản biện của các cơ quan báo chí; tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, nhất là các đối tượng của chính sách tiếp cận thông tin, tham gia đối thoại làm rõ chính sách, tạo sự đồng thuận trong thực thi cơ chế, chính sách, pháp luật…/.

Mỹ Anh