Các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã và đang ngày càng đổi mới mô hình hoạt động,
tác động mạnh đến công tác tổ chức, hoạt động của các tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp. (Ảnh:TA)
Giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng
Hà Nội luôn xác định, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là một trong những nội dung rất quan trọng trong công tác xây dựng Đảng hiện nay, nhằm giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức và tổ chức.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn khẳng định, trước yêu cầu của sự phát triển, các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã và đang ngày càng đổi mới mô hình hoạt động, tác động mạnh đến công tác tổ chức, hoạt động của các tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp.
Trên địa bàn Thành phố Hà Nội hiện có gần 300 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 1.110 tổ chức cơ sở đảng với 52.802 đảng viên. Trong những năm qua, các cấp ủy đảng trong doanh nghiệp đã chấp hành nghiêm túc sự chỉ đạo của cấp ủy cấp trên, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định; xây dựng và thực hiện tốt các mối quan hệ với Hội đồng quản trị, Ban lãnh đạo doanh nghiệp và cấp ủy địa phương, cùng với doanh nghiệp vươn lên trong sản xuất kinh doanh, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.
Tuy nhiên, công tác xây dựng Đảng trong các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội còn có những hạn chế, tồn tại. Đó là mô hình tổ chức đảng trong doanh nghiệp còn nhiều bất cập, đang tồn tại nhiều mô hình tổ chức khác nhau như đảng bộ cơ quan, đảng bộ cơ quan mở rộng, đảng bộ công ty mẹ, đảng bộ công ty mẹ mở rộng, đảng bộ toàn doanh nghiệp…
Đáng chú ý còn có cấp ủy trong doanh nghiệp có vốn nhà nước dưới 50% không theo kịp tình hình, chậm đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, vẫn hoạt động theo cách thức như doanh nghiệp nhà nước nên không hiệu quả, vai trò lãnh đạo có phần suy giảm. Đó còn là việc nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, chi bộ chưa được quan tâm đúng mức. Công tác quản lý và phân công công tác cho đảng viên gặp nhiều khó khăn. Lãnh đạo cấp ủy trong doanh nghiệp đa số là các đồng chí lãnh đạo doanh nghiệp, do kiêm nhiệm nhiều việc nên có lúc, có nơi, việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng lẫn với công tác chuyên môn…
Theo đồng chí Vũ Đức Bảo, Trưởng Ban tổ chức Thành ủy Hà Nội, những hạn chế nói trên đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng trong doanh nghiệp. Đó còn là hiệu quả của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty chưa tương xứng với nguồn lực đang nắm giữ. Hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh không cao. Hiệu lực quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu nhà nước vẫn còn bất cập…
Phát huy được vai trò của tổ chức Đảng trong sản xuất kinh doanh
Tại Hà Nội, xu hướng chuyển đổi mô hình hoạt động của các tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước cũng đang đặt ra những áp lực, đòi hỏi phải đổi mới làm sao để vừa phát huy được vai trò của tổ chức Đảng, vừa duy trì và nâng cao được hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Xuất phát từ thực tế đó, mới đây, Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội phối hợp Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức Hội thảo "Đổi mới mô hình, nội dung, phương thức lãnh đạo của tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp" nhằm tìm ra những giải pháp thực hiện tốt hơn công tác xây dựng Đảng trong các doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô nói riêng, cả nước nói chung.
Nhiều ý kiến đại biểu các doanh nghiệp khẳng định việc tổ Đảng theo mô hình của ngành, toàn tập đoàn hay công ty mẹ là phù hợp và cần đảm bảo sự đồng bộ giữa tổ chức đảng với chính quyền, đoàn thể trong doanh nghiệp. Đối với một số trường hợp đặc thù, các công ty sinh hoạt Đảng tại địa phương thì cần phải trực thuộc cấp tỉnh, thành ủy, không nên để trực thuộc cấp huyện như hiện nay.
PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội nhận định, hiện nay, số tổ chức Đảng và số lượng đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước đã chiếm trên 50% và xu hướng này sẽ tiếp tục tăng lên. Khi đối tượng thay đổi (từ tổng công ty nhà nước thành tổng công ty cổ phần) thì việc tìm tòi để tính đến mô hình, nội dung, phương thức lãnh đạo mới nhằm bảo đảm vai trò, vị trí lãnh đạo của Đảng trong doanh nghiệp là yêu cầu tất yếu.
Tại Hội thảo "Đổi mới mô hình, nội dung, phương thức lãnh đạo của tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp"
các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp tăng cường vai trò lãnh đạo của các tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp. (Ảnh:TA)
Từ kinh nghiệm tổ chức Đảng trong doanh nghiệp với 70% vốn nhà nước chi phối, Phó Bí thư Đảng ủy Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam Võ Sỹ Lực đề nghị tiếp tục duy trì mô hình đan xen hiện nay, nghĩa là tổ chức Đảng trong doanh nghiệp thành viên có nơi trực thuộc Đảng bộ tập đoàn, có nơi trực thuộc Đảng bộ địa phương. Theo đồng chí Võ Sỹ Lực, điều quan trọng là phải xây dựng được quy chế phối hợp với các tỉnh, thành phố nơi có doanh nghiệp thành viên ở đó.
Một số ý kiến khác của các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội nhấn mạnh đổi mới mô hình, nội dung, phương thức lãnh đạo của tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp là phải chọn được người lãnh đạo phù hợp, tiêu biểu về phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn nghiệp vụ và có sức thu hút, tập hợp đảng viên. Đặc biệt, phương thức lãnh đạo của Đảng trong doanh nghiệp phải thay đổi về hình thức, không cứng nhắc hay hành chính hóa để phù hợp với đặc thù hoạt động của doanh nghiệp.
Trong khi đó, từ thành công của mô hình Đảng bộ toàn tổng công ty 14 năm qua, đồng chí Bùi Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Tổng công ty Vận tải Hà Nội khẳng định, đây là mô hình tốt. Tuy nhiên, việc thực hiện mô hình này đòi hỏi phải có 3 tiêu chí, trong đó hoạt động của công ty mẹ và doanh nghiệp thành viên phải gắn kết chặt chẽ với nhau, tài chính do công ty mẹ chi phối, tốt nhất là cùng đóng chung trên địa bàn.
Là một mô hình tổ chức Đảng trong doanh nghiệp chuyển đổi thành công sau khi cổ phần hóa, Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải (TEDI) trực thuộc Đảng bộ quận Đống Đa (Thành phố Hà Nội) có cách làm rất đáng chú ý. Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Phạm Hữu Sơn cho biết, Đảng bộ Tổng công ty đã tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo theo hướng xóa bỏ các hình thức hành chính hóa. Không chỉ thu hút người có tâm tham gia cấp ủy, Đảng bộ đã đề ra các quy chế, quy định để gắn quyền lợi với trách nhiệm, tạo hứng thú cho người làm công tác Đảng.
Theo đồng chí Phạm Hữu Sơn, để tổ chức Đảng trong doanh nghiệp hoạt động tốt, nhất quyết phải xây dựng cho được quy chế phối hợp giữa Đảng ủy, hội đồng quản trị và ban giám đốc. “Để có một mô hình chung về tổ chức Đảng trong doanh nghiệp là rất khó. Trung ương chỉ nên xây dựng khung tiêu chí làm cơ sở để xây dựng tổ chức Đảng phù hợp với từng doanh nghiệp cụ thể”, đồng chí Phạm Hữu Sơn đề xuất.
Một số đại biểu cho rằng, tại các địa phương, các doanh nghiệp nên thống nhất một đầu mối tổ chức Đảng ủy Khối Doanh nghiệp, không nên để nhiều đầu mối. Một số ý kiến khác đề nghị Trung ương nên xây dựng một mô hình mẫu tổ chức Đảng trong doanh nghiệp; quy chế phối hợp mẫu giữa Đảng ủy với Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc các doanh nghiệp, đồng thời có cơ chế giám sát việc thực hiện quy chế phối hợp này.
Nhưng dù theo mô hình nào, vai trò, vị trí, hiệu quả hoạt động của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp phụ thuộc chủ yếu vào năng lực, trình độ và tâm huyết của người đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt của các doanh nghiệp. Kể cả khi không giữ vai trò quyết định phương án sản xuất kinh doanh, trong công tác nhân sự cũng như phân phối, song tổ chức Đảng trong doanh nghiệp phải khẳng định vị trí của mình, tham gia với Hội đồng quản trị, ban giám đốc những ý kiến có giá trị, cũng như đề xuất, giới thiệu những nhân sự tốt tham gia quản lý, điều hành... để Hội đồng quản trị, ban giám đốc doanh nghiệp thấy cần phải phối hợp, tham khảo ý kiến của tổ chức Đảng trong quá trình quyết định./.
Trung Anh