Kỳ họp thứ 5 đã khép lại với nhiều con số kỷ lục: 1.533 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu tại 10 phiên thảo luận tổ, 03 phiên thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội; 1415 lượt đăng ký, 695 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu thảo luận và 107 lượt tranh luận tại 30 phiên thảo luận Hội trường; 454 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký, 112 lượt đại biểu nêu câu hỏi chất vấn và 49 lượt đại biểu tranh luận tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Cụ thể hơn, đầu tiên là kỷ lục về số lượng dự thảo luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua và cho ý kiến. Có tới 20 dự thảo Luật và dự thảo Nghị quyết được đặt lên bàn nghị sự Quốc hội trong kỳ họp này. Trong đó, Quốc hội đã bấm nút thông qua 8 dự thảo luật và 3 dự thảo nghị quyết quy phạm pháp luật.
Điều quan trọng, với kết quả công tác lập pháp tại Kỳ họp này thì dù mới đi được nửa nhiệm kỳ khoá XV song Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan đã hoàn thành tới 112/137 nhiệm vụ nghiên cứu lập pháp của cả nhiệm kỳ, đạt tỷ lệ 81,8%.
Những thành tựu trong công tác lập pháp là kết quả của việc “Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan đã bám sát thực tiễn, quyết liệt chỉ đạo, chủ động, linh hoạt, có nhiều cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả, đề cao trách nhiệm với tinh thần chủ động, vào cuộc “từ sớm, từ xa” - như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã khẳng định trong bài phát biểu bế mạc Kỳ họp.
Con số kỷ lục khác được lập ra trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn - nội dung luôn luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của cử tri và nhân dân. Đã có tới 454 lượt đại biểu Quốc hội đăng kí tham gia chất vấn; có 112 lượt đại biểu Quốc hội đã thực hiện quyền chất vấn; 49 lượt đại biểu tranh luận để làm rõ hơn các vấn đề, nâng tổng số lượt đại biểu tham gia chất vấn của 2 năm đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV lên 831 lượt đại biểu, tiếp tục khẳng định chất vấn và trả lời chất vấn là hình thức giám sát tối cao trực tiếp, hiệu quả của Quốc hội. Những con số kỷ lục này nói lên rằng phiên chất vấn đã rất “nóng”, sôi động. Các đại biểu Nhân dân đã phản ánh sát với diễn biến thực tế, đời sống và nguyện vọng của cử tri và Nhân dân, có đối thoại, tranh luận thẳng thắn, mang tính xây dựng, sử dụng tối đa hiệu quả thời gian để chất vấn và làm rõ các vấn đề.
Ở chiều ngược lại, các Bộ trưởng dù là người đã “dày dạn” kinh nghiệm trả lời chất vấn hay mới tham gia trả lời chất vấn lần đầu đều thể hiện bản lĩnh, nắm chắc thực trạng của ngành, lĩnh vực mình phụ trách, thẳng thắn, không vòng vo, né tránh nhiều vấn đề khó, phức tạp. Qua đó, giải đáp nhiều vấn đề được cử tri và Nhân dân quan tâm.
Cũng trong hoạt động giám sát của Quốc hội, lần đầu tiên báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4 đã được Quốc hội thảo luận tại Hội trường. Thảo luận công khai trả lời kiến nghị của cử tri là một sáng kiến thể hiện tinh thần đổi mới. Quan trọng hơn, điều này thể hiện Quốc hội rất coi trọng tiếng nói, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cũng như vai trò giám sát của Quốc hội trong giải quyết kiến nghị của cử tri, Nhân dân và các cơ quan có thẩm quyền.
Những đổi mới, cải tiến và kết quả quan trọng đã đạt được trong công tác giám sát của Quốc hội, theo như Chủ tịch Quốc hội, đã càng khẳng định giám sát là khâu trọng tâm, then chốt trong đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội; đồng thời, là cơ sở quan trọng để các cơ quan nghiên cứu, đề xuất Quốc hội quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và sửa đổi, hoàn thiện pháp luật, trong đó có Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Cùng với những nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, tại Kỳ họp này, Quốc hội đã kịp thời có nhiều quyết sách rất quan trọng để thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, như: tiếp tục thực hiện giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2023 để kích cầu, thúc đẩy thị trường nội địa; cho phép tiếp tục phân bổ hơn 100.000 tỷ đồng còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 – 2025, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Chương trình mục tiêu quốc gia cho các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương để bổ sung thêm vốn cho nền kinh tế, đồng thời, cho phép linh hoạt điều chỉnh vốn giữa các nhiệm vụ, dự án của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với các nhiệm vụ, dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để đẩy nhanh phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công; quyết định và điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án quan trọng thuộc thẩm quyền của Quốc hội…
Hơn nữa, diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang đứng trước nhiều thách thức, các đại biểu Quốc hội đã phát huy trách nhiệm, trí tuệ để cùng thẳng thắn nhận diện đúng, trúng những vấn đề nội tại của nền kinh tế; tích cực hiến kế nhằm tìm ra giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, nhằm thực hiện thành công các mục tiêu kinh tế - xã hội được Quốc hội đề ra cho năm 2023, tạo nền tảng vững chắc cho việc hoàn thành các mục tiêu đề ra cho cả giai đoạn 2021 - 2025. Đặc biệt là câu chuyện về tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, thiếu trách nhiệm, sợ sai trong thực thi công vụ đã làm nóng nghị trường của Quốc hội trong nhiều ngày.
Minh chứng khác cho sự đổi mới, sáng tạo là việc chia kỳ họp ra làm hai đợt khác nhau. Khoảng thời gian một tuần giữa 02 đợt của Kỳ họp, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, cơ quan, tổ chức hữu quan đã làm việc khẩn trương, liên tục. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức họp trong 04 ngày để cho ý kiến tiếp thu, giải trình kỹ lưỡng, thấu đáo ý kiến của đại biểu Quốc hội về các dự án luật, dự thảo nghị quyết, nhất là các vấn đề lớn, các nội dung còn có ý kiến khác nhau cũng như về kỹ thuật lập pháp, các điều khoản áp dụng pháp luật, chuyển tiếp… Những điều này nhằm đảm bảo chất lượng cao nhất các nội dung trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Điểm lại những dấu ấn trên để khẳng định, Quốc hội tiếp tục có những đổi mới, sáng tạo, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn. Kết quả của Kỳ họp đã thể hiện sự tích cực, chủ động, trách nhiệm cao của Quốc hội trước đòi hỏi của thực tiễn đất nước cũng như kỳ vọng của cử tri và Nhân dân. Song để các luật, nghị quyết vừa được bấm nút thông qua sớm đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, còn rất nhiều việc cần làm. Thủ tướng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các luật, nghị quyết. Các vị đại biểu Quốc hội cần thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ, lắng nghe, phản ánh trung thực ý kiến và nguyện vọng của cử tri, động viên Nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực giám sát việc tổ chức, thi hành Hiến pháp và pháp luật, trong đó có các luật, nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua./.