|
Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Hiền Minh |
Tại Hội nghị nâng cao chất lượng trạm y tế xã, phường, thị trấn theo mô hình 26 trạm y tế xã điểm do Bộ Y tế tổ chức ngày 7/9, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, mạng lưới trạm y tế xã, phường, thị trấn… ở nước ta hiện nay có trên 11.000 cơ sở nhưng đa phần hoạt động chưa tương xứng với chức năng, nhiệm vụ đề ra, chưa làm người dân tin tưởng.
Một trong những vấn đề nổi cộm nhất hiện nay tại các trạm y tế là cơ sở vật chất chưa bảo đảm, trang thiết bị thiếu và yếu về nhân lực, chi trả bảo hiểm y tế không thỏa đáng. Cụ thể, nhiều trạm y tế xã mới chỉ thực hiện được 50-70% các dịch vụ kỹ thuật, khoảng 40% danh mục thuốc theo phân tuyến...
Để triển khai đổi mới hoạt động của tuyến y tế cơ sở này, ngành y tế đã khảo sát, lựa chọn 26 xã, phường, thị trấn thuộc 8 tỉnh, thành phố đại diện cho các vùng, miền trên cả nước để triển khai mô hình thí điểm.
Qua khảo sát, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ rõ, chỉ có 3 tỉnh, thành phố là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Yên Bái là có đủ bác sĩ tại các trạm y tế. Hiện, còn 8/26 trạm y tế chưa có bác sĩ; 9/26 chưa có y sĩ y học cổ truyền, 7/26 trạm chưa có dược sĩ trung học (không có dược sĩ trung học thì không thể triển khai bán thuốc ngay tại trạm); cơ cấu các phòng chức năng chưa phù hợp, có vị trí thừa, có vị trí thiếu. Tại các trạm y tế này, các danh mục kỹ thuật chỉ thực hiện được trung bình 68,3% trong tổng số 76 dịch vụ trong gói dịch vụ y tế cơ bản, trong đó trạm y tế đạt cao nhất là 89,5%; thấp nhất chỉ có 19,7%... Thậm chí, có trạm một năm chỉ đỡ đẻ 1-2 ca, tiêm phòng xong không có bộ phận theo dõi sức khỏe của trẻ, nhà vệ sinh bẩn…
|
Lễ ký kết tăng cường chuyển giao kỹ thuật cho y tế cơ sở. Ảnh: VGP/Hiền Minh |
Để khắc phục những tồn tại trên, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, tại 26 trạm y tế được chọn thí điểm này, sẽ trang bị đồng bộ từ giường tủ, quầy thuốc, máy siêu âm, xét nghiệm, X-quang... Bên cạnh đó, các trạm sẽ được tuyến trên chuyển giao kỹ thuật qua hình thức cầm tay chỉ việc và tư vấn từ xa thông qua hệ thống hội chẩn trực tuyến (telemedicine).
Với các trạm y tế chưa có bác sĩ, ngành y tế sẽ cử bác sĩ của các bệnh viện tuyến Trung ương, tuyến cuối luân phiên về làm việc khoảng 2-3 ngày/tuần/trạm y tế…
Bộ Y tế cũng đề nghị Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Bảo hiểm Xã hội các tỉnh, thành phố tính toán, giao thí điểm định suất cho số thẻ đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại các trạm y tế xã thí điểm; bảo đảm đủ thuốc theo phân tuyến, thuốc đã quy định trong gói dịch vụ y tế cơ bản... Dự kiến, trong năm 2018, sẽ hoàn thành mô hình 26 trạm y tế thí điểm này.
Từ việc thí điểm 26 trạm y tế này, ngành y tế sẽ nhân rộng mô hình ra cả nước. Tuy nhiên, mỗi trạm sẽ có những đặc thù phù hợp với cơ cấu bệnh tật, địa điểm, phân bổ người dân sinh sống… Chẳng hạn, trạm y tế gần bệnh viện sẽ chỉ triển khai khám chữa bệnh ban đầu, không đầu tư toàn bộ như 26 xã điểm trên.
Cũng tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, để góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tuyến y tế cơ sở, Bộ Y tế cần thực hiện phân tuyến kỹ thuật. Chẳng hạn, bệnh viện tuyến tỉnh phải làm được những kỹ thuật gì, tuyến y tế cơ sở xã, phường… phải thực hiện được những kỹ thuật nào, khi đó các bệnh viện, trạm y tế cùng chính quyền địa phương sẽ phải đầu tư trang thiết bị và đào tạo nhân lực để thực hiện được những kỹ thuật đó. Hiện nay, ở các cơ sở y tế, cùng một dịch vụ, cùng giá tiền như nhau nên người bệnh sẽ chọn các cơ sở tuyến cuối để khám chữa bệnh.
26 trạm y tế xã thí điểm đổi mới hoạt động tại 8 tỉnh, thành phố gồm: Lào Cai 3 xã, Khánh Hoà 3 xã, Lâm Đồng 3 xã, Long An 3 xã, TP Hồ Chí Minh 4 xã, Hà Nội 4 xã, Yên Bái 3 xã, Hà Tĩnh 3 xã.
Thúy Hà