Hội thảo góp ý dự thảo Đề án "Tiếp tục thực hiện chính sách cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí và nghiên cứu đổi mới hình thức cung cấp thông tin phù hợp với điều kiện đặc thù của vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn" giai đoạn 2023-2025 - Ảnh: VGP/Hoàng Giang
Ngày 15/11, Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội thảo trực tuyến góp ý dự thảo Đề án "Tiếp tục thực hiện chính sách cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí và nghiên cứu đổi mới hình thức cung cấp thông tin phù hợp với điều kiện đặc thù của vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn" giai đoạn 2023-2025.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh cho biết, năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 45/QĐ-TTg về việc cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiếu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2019-2021.
Qua 3 năm triển khai Quyết định số 45, các ấn phẩm báo, tạp chí đã cung cấp thông tin, đầy đủ kịp thời đến gần 425.000 đối tượng thụ hưởng.
Theo Thứ trưởng Hoàng Thị Hạnh, các ấn phẩm báo, tạp chí với ưu điểm và lợi thế vượt trội sẽ tiếp tục đóng vai trò nòng cốt, định hướng dư luận xã hội, để đưa thông tin đến đúng đối tượng, kịp thời, chính xác, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, vì lợi ích của đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.
Ủy ban Dân tộc đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để tham mưu cho Chính phủ về các phương thức truyền thông hợp lý cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với các vùng miền bên cạnh báo viết truyền thống.
Xây dựng App chuyên trang điện tử dân tộc thiểu số và miền núi
Thông tin về dự thảo Đề án, bà Hoàng Thị Lề, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền (Ủy ban Dân tộc) cho biết, ngoài đổi mới về nội dung, bổ sung đối tượng hưởng thụ các ấn phẩm báo, tạp chí…, Đề án còn đề cập đến đổi mới hình thức cung cấp thông tin, trong đó có việc xây dựng App chuyên trang điện tử dân tộc thiểu số và miền núi.
App chuyển tải những thông tin đặc sắc được tổng hợp từ các tờ báo, các chuyên đề đến bạn đọc (ứng dụng nền tảng phân phối, cung cấp, phân loại, lưu trữ thông tin của ấn phẩm báo, tạp chí cấp cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn).
Tin bài chính của kỳ xuất bản các ấn phẩm báo, tạp chí được ứng dụng công nghệ đọc tự động bằng tiếng phổ thông và một số tiếng dân tộc thiểu số nhằm cung cấp thông tin kịp thời tới những địa bàn đi lại khó khăn, đến mọi người dân, đến cơ quan quản lý qua điện thoại thông minh, máy tính và các thiết bị nghe nhìn khác.
Ủy ban Dân tộc cũng xây dựng kênh tương tác hai chiều trên "App chuyên trang điện tử dân tộc thiểu số và miền núi" nhằm thu thập thông tin hai chiều hỗ trợ đồng bào phản ánh các vấn đề quan tâm tới cơ quan quản lý giúp Ủy ban Dân tộc, tăng cường cập nhật được thông tin đúng, đủ, sàng lọc, kịp thời xử lý những khó khăn vướng mắc góp phần triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách tại địa phương.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng đánh giá, việc đổi mới hình thức cung cấp thông tin vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn là nhiệm vụ rất quan trọng. Trong bối cảnh chuyển đổi số, cần tận dụng tối đa các kênh truyền thông số để cung cấp thông tin cho đồng bào.
Xây dựng một app không khó nhưng để ứng dụng đi vào cuộc sống, được đông đảo người sử dụng một cách thường xuyên mang lại lợi ích, đó là một vấn đề thách thức.
"App chỉ là một phương tiện. Mục tiêu là cung cấp nhiều thông tin hữu ích, kịp thời nhất cho bà con. Qua thực tiễn kinh nghiệm triển khai, để có tính bền vững, ứng dụng phải có sự tương tác hai chiều. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đồng hành cùng Uỷ ban Dân tộc trong việc tìm tòi, triển khai kênh số hiệu quả", Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh.
Hoàng Giang