|
Nguồn nhân lực là điểm mấu chốt nhằm mang đến hiệu quả cao nhất trong cuộc đua cách mạng công nghiệp mới. - Ảnh: VGP |
Khi Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, thì các công nghệ mới cũng ngày càng tác động mạnh mẽ, toàn diện và sâu sắc vào đời sống kinh tế xã hội.
Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, “nhiệm vụ của chúng ta bây giờ là phải tối giản khoảng cách với nền kinh tế và công nghệ thế giới bằng việc xây dựng, phát triển mạnh đội ngũ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo biết vận dụng, áp dụng các công nghệ mới, mô hình mới, ý tưởng mới vào trong phát triển sản phẩm, sản xuất và kinh doanh của mình”.
Trong Nghị quyết số 35/NQ-CP vè hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Chính phủ đặt mục tiêu cả nước có ít nhất một triệu doanh nghiệp hoạt động và hằng năm có khoảng 30-35% doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo.
Sau đó, Thủ tướng đã ký ban hành Quyết định 844/QĐ-TTg phê duyệt đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025. Tiếp đến, Thủ tướng ban hành Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 về hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025.
Đến cuối năm 2017, chúng ta có hơn 900 dự án khởi nghiệp được ươm tạo với 300 sản phẩm khởi nghiệp đã được kết nối với cộng đồng và các quỹ đầu tư. Số lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tăng nhanh với hơn 3.000 doanh nghiệp, trong khi theo kế hoạch đến 2020, Việt Nam phải có 5.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Có thể thấy, để có nhiều hơn nữa các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cần nhiều trường đại học đào tạo chuyên ngành gắn với trang bị tinh thần và kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên; cần nhiều trường đại học thành công trong việc đào tạo doanh nhân khởi nghiệp.
Kinh nghiệm thế giới cho thấy, đổi mới toàn diện và căn bản giáo dục đại học đào tạo chuyên ngành gắn với trang bị tinh thần và kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên, đó chính là giải pháp đột phá phát triển “doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” tại Việt Nam.
Điển hình cho đại học đào tạo các doanh nhân khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành công nhiều năm qua là Trường MIT (tại Bang Massachusetts Hoa Kỳ). Tính đến nay đã có trên 30.000 doanh nghiệp khởi nghiệp thành công sau khi ra trường.
Tại Phần Lan, một trường hợp điển hình về đại học khởi nghiệp là Đại học Aalto, năm 2010 bắt đầu đi vào hoạt động với ý tưởng tạo ra một trường đại học đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Hiện nay là trường được xếp hạng 14 toàn cầu về hợp tác với doanh nghiệp.
Do đó, cần đổi mới trong đánh giá, thi, tuyển sinh của các trường đại học, thực hiện tự chủ đại học. Đổi mới trong phương pháp giảng dạy mới gắn với nền tảng: Khoa học, công nghệ, kỹ nghệ và toán học (gọi tắt là STEM); dùng phương pháp mới đào tạo lại các giảng viên của khoa...
Đào tạo theo chuyên ngành gắn với trang bị tinh thần khởi nghiệp; kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên; tạo thành văn hóa thúc đẩy sinh viên sẵn sàng khởi nghiệp mọi lúc, mọi nơi giống.
Trang bị tinh thần, kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên thông qua các lớp, các buổi hội thảo chuyên đề, các cuộc thi khởi nghiệp, các chương trình, trung tâm mạng lưới vườn ươm tạo khởi nghiệp...
Xây dựng không gian làm việc chung cho các nhóm khởi nghiệp tại các trường đại học (Co-working space); phòng thí nghiệm; triển khai: nghiên cứu thử nghiệm công nghệ, thử nghiệm thị trường... Các nhóm khởi nghiệp này có thể bao gồm cả thầy cô, doanh nghiệp ngoài trường (tham gia với tư cách cố vấn – góp cả tài chính cho sản xuất thử...). Hỗ trợ xây dựng ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; xây dựng đề án kinh doanh khả thi với ba giai đoạn phát triển: hình thành ý tưởng, phát triển sản phẩm và tăng trưởng.
Giáo sư John Vũ - Viện Công nghệ sinh học tại Trường Đại học Carnegie Mellon Hoa Kỳ, đưa ra tổng kết: “Mọi chỉ báo kinh tế đều chỉ ra rằng, số người ghi danh vào giáo dục cao là nhân tố hàng đầu trong tăng trưởng kinh tế. Khi một nước tăng số lượng sinh viên, nước đó có xu hướng tận hưởng tăng trưởng kinh tế mạnh trong thập niên sau đó. Điều đó đã xảy ra ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore trước đây, các nước này bây giờ tận hưởng kết quả là những nền kinh tế mạnh”.
Tóm lại, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong tương lai gần cần nhiều giải pháp, nhưng giải pháp đột phá và căn cơ vẫn là xây dựng nguồn nhân lực thích ứng. Đây chính là điểm mấu chốt nhằm mang đến hiệu quả cao nhất trong cuộc đua cách mạng công nghiệp mới.
CEO Đặng Đức Thành
Ủy viên BCH Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
Chủ nhiệm Câu lạc bộ các nhà Kinh tế (VEC)