|
Hình ảnh tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Sáng 21/11, Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đã diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung đánh giá “DNNN đã, đang là lực lượng kinh tế chưa thể thay thế trong thời gian tới”.
Ông Cung cho biết thời gian qua, Chính phủ đã cơ cấu lại DNNN theo các tầng nấc: Một là áp đặt DNNN hoạt động theo kinh tế thị trường; hai là đổi mới quản trị; và ba là thực hiện cổ phần hoá, thoái vốn.
“Tuy nhiên, hiện nay mới tập trung vào cổ phần hoá, thoái vốn vì hy vọng sau đó doanh nghiệp sẽ thay đổi quản trị và hoạt động theo thị trường”, ông Cung nói, đồng thời nhấn mạnh 2 nội dung đầu tiên còn quan trọng hơn cổ phần hoá, thoái vốn.
Về “áp đặt” nguyên tắc thị trường đối với DNNN trong nhiệm kỳ này, TS. Nguyễn Đình Cung nhận thấy đã có thay đổi, DNNN không còn ưu đãi riêng, không còn mệnh lệnh hành chính trong chỉ đạo, không còn bù lỗ, đã áp dụng nguyên tắc thị trường với các doanh nghiệp thua lỗ.
Tuy nhiên, chuyên gia chỉ ra 3 điểm đáng lưu ý: Chưa tính đúng, tính đủ giá trị của DNNN để cổ phần hoá; chủ sở hữu giao cho người quản lý chỉ tiêu sản xuất kinh doanh thấp và DNNN không được tự chủ trong kinh doanh. “Thấy lãnh đạo DNNN được trả lương cao thì kêu cao. Đáng ra phải nhìn nhận họ đã làm ra bao nhiêu tiền chứ không phải phải họ được trả bao nhiêu, rồi khi đó mới tính được trả lương thấp hay cao”, ông Cung nói.
Về quản trị, nhiều DNNN không thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ về công khai thông tin để nâng cao quản trị. “Rõ ràng là ý thức thực hiện, phải có cái gì đó khiến DNNN không bị buộc áp dụng theo nguyên tắc thị trường”, ông Cung đặt vấn đề.
Còn với cổ phần hoá, TS. Nguyễn Đình Cung đề nghị nên tập trung vào chất lượng, không chạy theo số lượng, cơ cấu lại danh mục đầu tư Nhà nước từ kém hiệu quả sang hiệu quả và hiệu quả hơn, để một đồng Nhà nước đầu tư phải sinh lợi gấp 2.
Về quản trị doanh nghiệp, ông Cung đề nghị tập trung tháo bỏ ràng buộc để DNNN tự chủ kinh doanh, hội đồng quản trị, tổng giám đốc tự quyết định. Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tập trung hoàn thiện các nghị định của Chính phủ liên quan tới chủ sở hữu để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý vốn Nhà nước trong doanh nghiệp.
Chủ tịch VNPT Trần Mạnh Hùng cho biết sau 5 năm cơ cấu lại, mà theo so sánh của ông Hùng là như một cuộc cách mạng, Tập đoàn có mức tăng trưởng 25%/năm. Tuy nhiên, để có kết quả bước đầu này, ông Hùng cho biết trong nội bộ có nhiều ý kiến, kể cả từ lãnh đạo Tập đoàn.
“Có người cũng nói là làm nửa thôi, nhưng chúng tôi cũng phải nói là làm cách mạng thì phải hết sức. Cũng phải cam kết với Bộ trưởng là nếu không làm được thì Chủ tịch Tập đoàn từ chức thì Bộ mới ký”, ông Hùng bày tỏ.
Tuy nhiên, VNPT vẫn còn nhiều thách thức từ việc khơi dậy tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; môi trường pháp lý còn nhiều thay đổi; mâu thuẫn giữa phân cấp quản lý, nếu phân cấp mạnh mẽ thì liên quan tới rủi ro, lạm dụng quyền lực, còn tập trung quản lý thì tắc nghẽn công việc, khó có thể tự chủ, tự quyết.
Do đó, VNPT đề xuất dùng hệ số đánh giá tín nhiệm để tăng cường năng lực phân cấp; giám sát chặt chẽ trên cơ sở phòng ngừa rủi ro, hậu kiểm, sử dụng quyền phủ quyết nếu dự án có vấn đề.
Trong khi đó, Chủ tịch Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) Nguyễn Đức Chi đề nghị các bộ, ngành nhanh chóng có văn bản hướng dẫn thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, không để doanh nghiệp mất cơ hội kinh doanh.
Ông Chi nêu ví dụ: “Chính phủ ban hành Nghị định số 32/2018/NĐ-CP có nội dung về xác định giá trị doanh nghiệp, bao gồm cả giá trị lịch sử, văn hoá, thương hiệu của doanh nghiệp để đưa vào xác định cổ phần đưa ra đấu giá. Nếu có hướng dẫn cụ thể, cách làm, cách xác định thì các DNNN sẽ sớm thực hiện được”.
Chủ tịch SCIC đề nghị Chính phủ, các bộ, địa phương kiên định lập trường chính sách của Đảng, Quốc hội về cơ cấu lại DNNN, cổ phần hoá, thoái vốn, kể cả thoái vốn tại các DNNN đang thực hiện hiệu quả để tập trung vào lĩnh vực cốt lõi, tạo “dư địa” phát triển khối kinh tế tư nhân.
“Có ý kiến hỏi tài sản Nhà nước đang phát triển tốt sao không giữ lại? Ý kiến ngược, xuôi vẫn còn, trong khi Nghị quyết của Đảng, Quốc hội ghi phải cổ phần hoá, thoái vốn. Nếu không thực hiện theo lập trường đã xác định thì rất khó làm”, ông Chi nêu vấn đề.
Về chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Chi cho rằng sau khi Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước ra đời thì 19 DNNN thuộc diện bàn giao đại diện chủ sở hữu từ các bộ về Uỷ ban rất nhanh. Tuy nhiên, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, địa phương bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu về SCIC nhưng có tới 35 bộ, địa phương chưa chuyển và 78 doanh nghiệp chưa thoái được vốn theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg cũng chưa được chuyển về SCIC.
Thành Chung