Đổi mới cách thức thu hút vốn FDI 

(Chinhphu.vn) - Đầu tư nước ngoài (ĐTNN) ở Việt Nam thời gian qua còn một số hạn chế, bất cập, do đó, cần có định hướng đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút ĐTNN, đặc biệt bối cảnh thế giới có nhiều thách thức khi dòng đầu tư toàn cầu đang có xu hướng giảm.

 

Ảnh minh họa.

Tháng 12/1987, Quốc hội đã ban hành Luật ĐTNN tại Việt Nam. Đây là một trong những đạo luật đầu tiên trong thời kỳ Đổi mới, được đánh giá là bước tiến đột phá trong việc thực hiện chính sách mở cửa và hội nhập, khẳng định doanh nghiệp ĐTNN là một trong những chủ thể của nền kinh tế Việt Nam; vốn và tài sản hợp pháp của doanh nghiệp ĐTNN được pháp luật bảo vệ.

Trải qua 30 năm, khu vực ĐTNN đã trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế, là khu vực phát triển năng động, đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Tính đến tháng 11/2018, cả nước có khoảng 27.000 dự án của các nhà đầu tư đến từ 128 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đăng ký gần 340 tỷ USD và tổng vốn thực hiện khoảng 188,8 tỷ USD. Các dự án ĐTNN tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp, chiếm 57%% tổng vốn đầu tư đăng ký. ĐTNN đã có mặt tại tất cả tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó tập trung chủ yếu ở vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Hồng.

Đóng góp của ĐTNN thể hiện chủ yếu ở nhiều phương diện. Thứ nhất, ĐTNN là nguồn vốn quan trọng trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội và là động lực tăng trưởng kinh tế trong thời gian qua. Tỷ trọng vốn ĐTNN trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng từ 15% năm 2005 lên 23,7% năm 2017. Tốc độ tăng trưởng của khu vực ĐTNN đạt 12,6% năm 2017, cao nhất trong các thành phần kinh tế. Nếu trong giai đoạn 1986-1996, khu vực ĐTNN chỉ đóng góp 15% thì đến giai đoạn 2010-2017 đã đóng góp 27,7%.  

Thứ hai, ĐTNN thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế như viễn thông, dầu khí, điện tử, công nghệ thông tin; đồng thời đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nhiều tỉnh, thành phố; góp phần chuyển đổi không gian phát triển, hình thành các khu đô thị mới, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế. 

Thứ ba, ĐTNN đóng góp quan trọng vào việc duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu trong những năm gần đây. Từ năm 2010 trở lại đây, tăng trưởng xuất khẩu của khu vực ĐTNN cao gấp 2-3 lần so với khu vực trong nước; kim ngạch xuất khẩu gấp khoảng 1,5-2 lần. Tỷ trọng của khu vực ĐTNN trong tổng kim ngạch xuất khẩu đã tăng từ 17% năm 1995 lên 72,5% năm 2017. Xuất siêu của khu vực ĐTNN đã góp phần cân bằng cán cân thương mại, giảm áp lực tỷ giá, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế. 

Thứ tư, doanh nghiệp ĐTNN đã thực hiện chuyển giao công nghệ và nghiên cứu và phát triển (R&D) trong một số ngành, điển hình là dầu khí, viễn thông; một số ngành trong khu vực nông - lâm - ngư nghiệp. Khu vực ĐTNN có hiệu ứng lan tỏa năng suất và công nghệ sang khu vực trong nước. 

Thứ năm, doanh nghiệp ĐTNN bước đầu đã có sự liên kết và thúc đẩy tăng trưởng năng suất thông qua việc sử dụng bán thành phẩm, sản phẩm trung gian, nguyên phụ liệu của doanh nghiệp trong nước.

Thứ sáu, khu vực ĐTNN đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách. Giai đoạn 1994 – 2000, nộp ngân sách của khu vực ĐTNN đạt 1,8 tỷ USD thì giai đoạn 2011-2015 lên đến 23,7 tỷ USD, chiếm gần 14% tổng thu ngân sách nhà nước. Năm 2017, khu vực ĐTNN đóng góp hơn 8 tỷ USD, chiếm hơn 17% tổng thu ngân sách nhà nước.  

Thứ bảy, ĐTNN tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Khu vực ĐTNN góp phần hình thành đội ngũ lao động có chất lượng cao, nhiều doanh nghiệp ĐTNN đã từng bước chuyển giao công nghệ, quy trình kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý cho cán bộ Việt Nam. Ngoài ra, việc thu hút và sử dụng ĐTNN đã góp phần tích cực hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường quan hệ đối ngoại, hợp tác và hội nhập. 

Cuối cùng, ĐTNN góp phần đáng kể trong nâng cao thế và lực của đất nước. Thông qua hợp tác ĐTNN, quan hệ ngoại giao kinh tế, hợp tác song phương và đa phương của Việt Nam với các đối tác ngày càng phát triển.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, cần phải thừa nhận rằng, ĐTNN ở Việt Nam thời gian qua còn một số hạn chế, bất cập như liên kết và hiệu ứng lan tỏa năng suất của khu vực ĐTNN đến khu vực trong nước còn thấp, nhiều dự án ĐTNN tập trung vào công đoạn gia công, lắp ráp; tỷ lệ nội địa hóa trong một số ngành công nghiệp ở mức dưới trung bình.

Chuyển giao công nghệ thông qua ĐTNN chưa đạt kết quả như kỳ vọng; số dự án ĐTNN ở các ngành sử dụng công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn chưa nhiều. Một số doanh nghiệp ĐTNN chưa tuân thủ nghiêm túc quy định của pháp luật bảo vệ môi trường; một số doanh nghiệp ĐTNN có hành vi chuyển giá, thiếu trung thực trong báo cáo tài chính.

Những hạn chế nêu trên có nguyên nhân khách quan và chủ quan như: nhận thức về vai trò, vị trí của ĐTNN chưa thực sự đầy đủ và thống nhất cao; hệ thống kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, công nghiệp hỗ trợ và năng lực doanh nghiệp trong nước chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về thu hút và sử dụng ĐTNN; hệ thống thể chế, chính sách và môi trường đầu tư kinh doanh mặc dù đã được cải thiện mạnh mẽ trong những năm gần đây, song vẫn chưa thực sự đủ hấp dẫn đối với nhà ĐTNN, đặc biệt là các Tập đoàn đa quốc gia (TNCs) hàng đầu thế giới; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về ĐTNN chưa cao, công tác hướng dẫn, hỗ trợ, theo dõi, kiểm tra, thanh tra, giám sát từ các cơ quan trung ương chưa đầy đủ và kịp thời.

Trên cơ sở đánh giá những kết quả đạt được, hạn chế, nguyên nhân, có thể rút ra bài học kinh nghiệm định hướng thu hút và sử dụng ĐTNN cho giai đoạn mới.

Trước tiên,  để thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững đòi hỏi phải huy động và kết hợp sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước, trong đó nguồn lực trong nước là quyết định và nguồn lực ngoài nước là quan trọng. Cần hoàn thiện thể chế, chính sách và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo chuẩn mực thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập quốc tế là tiền đề quan trọng để thu hút ĐTNN trong bối cảnh toàn cầu hóa và cạnh tranh quốc tế. Cần hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền các cấp, trình độ năng lực của bộ máy và đội ngũ cán bộ là yếu tố quyết định thành công trong việc thu hút và sử dụng ĐTNN. Đối với doanh nghiệp, cần phát triển, nâng cao năng lực của khu vực doanh nghiệp trong nước, nhất là năng lực về công nghệ và quản trị là yếu tố quan trọng để tiếp nhận và tăng cường liên kết với khu vực ĐTNN, qua đó tạo hiệu ứng lan tỏa của ĐTNN đối với nền kinh tế.

Bối cảnh thế giới, khu vực và trong nước đang đặt ra những cơ hội và thách thức đối với việc thu hút và sử dụng ĐTNN trong giai đoạn tới. Dòng ĐTNN toàn cầu đang có xu hướng giảm; những thay đổi và xung đột thương mại trên thế giới có tác động đến điều chỉnh dòng đầu tư của các quốc gia, trong đó có Việt Nam; áp lực cạnh tranh thu hút ĐTNN của một số nước trong khu vực ngày càng tăng; cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh, phát triển công nghệ và nguồn nhân lực.

Hiện nay, Việt Nam đang trên đà cải cách mạnh mẽ và hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, với vị thế và uy tín trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao. Việc cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng đã đạt được những kết quả bước đầu. Khu vực kinh tế tư nhân trong nước ngày càng phát triển, hình thành một số tập đoàn kinh tế tư nhân lớn. Đây là những yếu tố quan trọng tạo tiền đề tăng cường thu hút và nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng ĐTNN trong giai đoạn tới.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam tiếp tục khẳng định khu vực ĐTNN là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế, được khuyến khích phát triển lâu dài. Trong thời gian tới, Việt Nam tập trung thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vốn, công nghệ cao, quản trị hiện đại, mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu góp phần nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng công nghiệp 4.0.

Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2018 của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp, các chuyên gia dự thảo Đề án Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng ĐTNN đến năm 2030 (Đề án) trình Thủ tướng Chính phủ.

Để thực hiện mục tiêu đề ra, dự thảo Đề án có đề xuất trong thời gian tới cần tập trung thực hiện 8 nhóm giải pháp chủ yếu. Đó là, thống nhất nhận thức và hành động để triển khai các chủ trương, chính sách về ĐTNN; hoàn thiện thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để thu hút và sử dụng có hiệu quả ĐTNN; vận hành có hiệu quả các loại thị trường và mở cửa thị trường để thu hút ĐTNN; khuyến khích, thúc đẩy, hỗ trợ việc liên doanh, liên kết, chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp ĐTNN; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để định vị lại lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút ĐTNN; thu hút và sử dụng ĐTNN gắn với khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường; điều chỉnh các chính sách thu hút và sử dụng ĐTNN liên quan đến các cam kết quốc tế; nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của các nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân trong việc thu hút và sử dụng ĐTNN.

Vũ Đại Thắng
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

324 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 659
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 659
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 78003473