Đôi điều suy ngẫm góp phần nâng cao hiệu quả việc học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng 

Việc tổ chức nghiên cứu, quán triệt, học tập các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng (gọi chung là Nghị quyết) là rất quan trọng nhằm tạo ra sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân, là tiền đề vững chắc bảo đảm cho sự thành công trong tổ chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, là điều kiện tiên quyết đưa chủ trương của Đảng vào cuộc sống.

Đảng ta luôn luôn đề ra yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng, điều đó cho thấy ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng. Để làm được điều đó, cần phải hiểu sâu, nắm rõ từng nội dung của các Nghị quyết, đó là những quan điểm chỉ đạo; mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp; những vấn đề cơ bản, chủ yếu và mới của từng Nghị quyết. Qua đó, đánh giá được những thuận lợi và khó khăn có thể xảy ra trong việc triển khai học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện đối với thực tiễn ở địa phương, đơn vị, cơ sở loại hình xã, phường, thị trấn (gọi tắt là cơ sở). Trước hết, việc tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết ở cơ sở phải tuân thủ đúng sự chỉ đạo, hướng dẫn của cấp ủy cấp trên, đồng thời cấp ủy cơ sở phải chủ động vận dụng sáng tạo vào thực tiễn cơ sở mình để có phương án triển khai quán triệt hiệu quả nhất. Ngay sau khi quyết của Đảng được ban hành, căn cứ hướng dẫn của Trung ương cần sớm xây dựng kế hoạch học tập, quán triệt; xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết, cụ thể hóa những tư tưởng, nội dung cơ bản của Nghị quyết bằng các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, nguồn lực, những công việc cụ thể phù hợp với thực tiễn ở cơ sở mình. Đồng thời có sự phân công trách nhiệm và quy định thời gian thực hiện cụ thể, tránh việc chậm trể, gây “bội thực” văn bản. Khi xây dựng chương trình hành động phải gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương, xác định, lựa chọn những vấn đề bức xúc, trọng tâm để đưa vào chương trình, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cá nhân phụ trách từng công việc.

Bên cạnh đó thì cách thức, phương pháp tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết cần phải phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của đối tượng. Đối tượng khác nhau cần có hình thức, phương pháp khác nhau. Đối với cán bộ chủ chốt cần đề cao phương pháp tự nghiên cứu, tăng cường trao đổi, thảo luận và quán triệt những vấn đề có liên quan đến quan điểm, lý luận gắn với thực tiễn mà nghị quyết đặt ra; những nội dung, những điểm mới của nghị quyết gắn với liên hệ thực tiễn của địa phương, ngành, lĩnh vực..., nhất là các vấn đề bức thiết đặt ra. Tiếp tục tổ chức hình thức hội nghị trực tuyến nhằm bảo đảm nâng cao chất lượng thông tin, tạo sự đồng bộ, thống nhất từ trên xuống dưới, đồng thời tiết kiệm thời gian, kinh phí và mở rộng đối tượng tham gia. Còn các đối tượng khác, tùy đặc điểm tình hình cụ thể của đối tượng và địa bàn để chọn hình thức, phương pháp phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các đối tượng tham gia được nhiều nhất (có thể lồng ghép với các nội dung khác), thời gian ngắn gọn. Đối với những cơ sở số lượng Đảng viên ít, cấp ủy có thể tổ chức quán triệt cho toàn thể Đảng viên, cán bộ, công chức xã, cán bộ thôn; sau đó, cấp ủy lựa chọn, phân công cấp ủy viên phụ trách phối hợp với chi bộ thôn để phổ biến Nghị quyết cho nhân dân. Đối với những cơ sở đông Đảng viên, cấp ủy có thể mở 2-3 lớp nối tiếp nhau hoặc có thể tổ chức học tập kỹ cho cán bộ, công chức xã, cấp ủy viên, bí thư chi bộ trực thuộc, sau đó giao chi bộ thôn tổ chức quán triệt cho số Đảng viên không giữ chức vụ và nhân dân. Mỗi lớp học Nghị quyết ở cơ sở phải bảo đảm đầy đủ 3 nội dung: Quán triệt những nội dung cơ bản của Nghị quyết; Báo cáo dự thảo chương trình hành động của cấp ủy thực hiện Nghị quyết; Thảo luận, trao đổi, giải đáp, tiếp thu ý kiến để hoàn chỉnh chương trình hành động. Thời gian bố trí phù hợp cho mỗi nội dung.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả quán triệt, học tập Nghị quyết, vấn đề đặt ra là phương pháp truyền đạt Nghị quyết phải phù hợp với đối tượng người học ở cơ sở. Phải làm nổi bật được tinh thần Nghị quyết, chuyển tải những nội dung cơ bản của Nghị quyết đến người học; phân tích sâu những khái niệm mới, những chủ trương, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp mới; gợi ý những vấn đề liên hệ thực tiễn địa phương để người học suy nghĩ vận dụng. Đặc biệt, khi truyền đạt Nghị quyết cho đồng bào dân tộc thiểu số, chúng ta cần lưu ý đặc điểm cơ bản của đồng bào là trình độ học vấn còn thấp, một bộ phận đồng bào không biết đọc, viết, thậm chí không nghe rõ tiếng phổ thông. Do vậy, việc truyền đạt phải làm sao cho đồng bào dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện. Muốn vậy, người truyền đạt phải nghiên cứu sâu Nghị quyết để xây dựng đề cương bài nói rõ ràng từng mục; chú ý trọng tâm, trọng điểm cần truyền đạt sâu để cho người nghe nắm được tinh thần cơ bản của Nghị quyết. Đưa ví dụ thực tế để làm rõ hơn nội dung Nghị quyết. Phương pháp truyền đạt phải lôi cuốn, tạo sự chú ý của người nghe, cố gắng sử dụng ngôn ngữ gần gũi, dễ hiểu đối với đồng bào, nếu sử dụng được ngôn ngữ của đồng bào thì hiệu quả càng cao; trong truyền đạt phải hết sức tránh lối nói quanh co, thiếu trọng tâm, đi quá xa nội dung Nghị quyết. Khi kết thúc buổi nói phải hệ thống lại những nội dung cơ bản đã truyền đạt và lưu ý bà con cần nhớ những nội dung thiết thực nhất. Cần dành một lượng thời gian phù hợp cho người nghe nêu những băn khoăn, thắc mắc, những vấn đề chưa rõ để trên cơ sở đó giải thích cho bà con hiểu thêm. quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đội ngũ báo cáo viên bảo đảm cả về số lượng và chất lượng; có phẩm chất, năng lực, uy tín cao và có phương pháp truyền đạt hấp dẫn, dễ hiểu,... Báo cáo viên là người truyền tải “hồn” Nghị quyết cho các đối tượng để họ tiếp thu một cách tự giác, nhập tâm và biến thành hành động, việc làm cụ thể. Do đó, báo cáo viên không chỉ có tâm, đức mà cần có cả năng khiếu truyền đạt, thu hút người nghe. Nghị quyết của Đảng là văn kiện đặc biệt quan trọng không thể tùy tiện trong phát ngôn, nhưng nếu báo cáo viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực tuyên giáo cộng với trình độ truyền đạt tốt sẽ không những vừa truyền tải đầy đủ nội dung, gợi mở, định hướng và thuyết phục để người nghe không cảm thấy gò bó mà còn thu hút họ mỗi khi mở hội nghị. Vì vậy, vấn đề đặt ra cho các cấp ủy là phải lựa chọn người truyền đạt, cần tăng cường công tác đào tạo, mở các lớp bồi dưỡng về quan điểm, kiến thức, kỹ năng, phương pháp, mở hội thi thường xuyên để nâng cao trình độ cho đội ngũ báo cáo viên; kịp thời cung cấp tài liệu cho báo cáo viên, nhất là những thông tin liên quan đến nghị quyết đang triển khai thực hiện.

Đồng thời với đó là phải quản lý, giám sát cán bộ, đảng viên tham gia học tập biểu dương kịp thời những cán bộ, Đảng viên tích cực học tập; coi tinh thần, thái độ học tập Nghị quyết của cán bộ, đảng viên là một trong những cơ sở để đánh giá, phân loại đảng viên, cán bộ công chức hàng năm. Sau đợt quán triệt, học tập, cấp ủy chỉ đạo và tạo điều kiện về tài liệu cho cán bộ, đảng viên, công chức cơ sở tiếp tục tự nghiên cứu, học tập Nghị quyết để phục vụ nhiệm vụ chính trị theo chức danh, nhiệm vụ được giao.

Gần đây nhất là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, đây là sự kết tinh trí tuệ và ý chí của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, là sự tổng hợp sâu sắc thực tiễn và lý luận qua 30 năm đổi mới để tiếp tục hoàn thiện và phát triển đường lối, quan điểm đổi mới, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tổ chức tốt việc học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng ở các cấp là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, có tầm quan trọng, nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức, thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân mà trước hết là đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành. Đồng thời, gắn với việc quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, qua đó tiếp tục làm cho Đảng bộ và nhân dân cả nước nhận thức ngày càng sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu; chấn chỉnh, uốn nắn những nhận thức lệch lạc; đấu tranh có hiệu quả với các quan điểm sai trái, thù địch; xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Nghị quyết của Đảng là sản phẩm tinh thần vô giá, là định hướng cho toàn Đảng, toàn dân trước vận hội mới. Vì vậy, việc học tập, tiếp thu các nội dung của nghị quyết là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên nhằm đưa nghị quyết sớm đi vào cuộc sống. Hy vọng rằng với những định hướng từ Trung ương Đảng, mỗi cấp ủy và đội ngũ đảng viên sẽ tổ chức và học tập nghiên túc, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, đoàn kết, đổi mới. Đây vừa là trách nhiệm, vừa là nhiệm vụ cao cả, góp phần giữ vững và nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng. Hoàng Anh Tuấn – Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

527 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 799
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 800
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77251140