ĐÔI BỜ HIỀN LƯƠNG – BẾN HẢI VÀ LỄ HỘI THỐNG NHẤT NON SÔNG 

Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải là tên gọi gắn liền với cụm di tích lịch sử bao quanh bờ sông Bến Hải và cầu Hiền Lương – nơi được coi là tâm điểm thể hiện cao nhất những vấn đề lịch sử về một thời kỳ gần 20 năm chia cắt đau thương của hai miền Nam - Bắc và cũng là nơi chứng kiến cuộc đấu tranh bền bỉ, bi hùng của cả dân tộc ta trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà.

Bến Hải là một trong những con sông lớn của tỉnh Quảng Trị, nằm dọc trên vĩ tuyến 17 từ tây sang đông, còn gọi Rào Thanh, bắt nguồn từ vùng núi Động Chân, thuộc dãy Trường Sơn, rồi đổ ra biển ở Cửa Tùng thuộc địa phận Vĩnh Linh, Quảng Trị. Từ đầu nguồn sông Bến Hải chảy được 80km thì gặp sông Sa Lung từ phía tây bắc đổ vào, hai sông hợp lưu chảy tiếp ra biển, qua làng Minh Lương ở bờ bắc nên có tên là sông Minh Lương. Do phải kiêng húy tên vua Minh Mạng, nên cả tên làng và tên sông đều đổi thành Hiền Lương, cây cầu gần ngã ba sông cũng mang tên Hiền Lương. Sông Bến Hải thuở đầu cũng được gọi là sông Bến Hói vì chữ “hói” trong tiếng địa phương đọc lệch gần giống như chữ “hải”. Dòng sông dài khoảng 100km, rộng chừng 20m, nơi rộng nhất không quá 200m.

Địa danh Hiền Lương - Bến Hải là nơi đã chứng kiến nỗi đau chia cắt hai miền và những sự kiện lịch sử gắn với quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của quân và dân ta trong thời kỳ chống Mỹ - Ngụy. Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết ngày 20/7/1954, nước ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền Bắc - Nam, lấy vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải) làm ranh giới, để chờ đến tháng 7/1956 tiến hành tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Cuộc phân ly tạm thời tưởng rằng chỉ kéo dài 2 năm và kết thúc sau khi tổng tuyển cử thống nhất, nhưng với những biến cố do sự phá hoại của các thế lực thù địch, đã khiến chúng ta phải mất 21 năm sau (1975), với bao xương máu của chiến sĩ, đồng bào đã đổ xuống mới giành được độc lập, thống nhất đất nước. Chỉ cách nhau một con sông nhưng biết bao gia đình phải sống trong cảnh “chồng bắc, vợ nam” và có rất nhiều nỗi đau khó có thể diễn tả hết bằng lời.

“Sông Bến Hải bên bồi, bên lở

Cầu Hiền Lương bên nhớ bên thương

Cách nhau mười tám năm trường

Khi mô mới được nối đường vô ra?” (Nước non ngàn dặm - Tố Hữu). 

Trong hơn 20 năm chia cắt ấy, không mảnh đất nào chịu đựng nhiều đau thương như ở Bến Hải, Hiền Lương. Nơi đây giống như “nhân chứng lịch sử”, mang trên mình nỗi đau chia cắt đất nước và khát vọng thống nhất non sông của dân tộc. Quân và dân hai bờ giới tuyến đã anh dũng, kiên cường vượt lên mọi khó khăn, gian khổ, quyết tâm giữ đất, giữ làng, giữ dòng sông, bến nước và chiến đấu đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn thâm độc chia cắt lâu dài đất nước ta của kẻ thù, viết lên bản hùng ca bất tử, cùng làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975. Nhà điện ảnh Thụy Điển Giôrít Iven khi được chứng kiến đã phải thốt lên: “Vĩ tuyến 17 - nơi “trưng bày” sự man rợ đến tột cùng của đế quốc Mỹ và lòng dũng cảm đến mức thần thánh của nhân dân Việt Nam”. Cầu Hiền Lương - sông Bến Hải xứng đáng là biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải đã trở thành cụm di tích quốc gia đặc biệt quan trọng. Ngày 17/9/2003, khu di tích được chính thức khởi công phục hồi, tôn tạo, để cho đến hôm nay, khi đến với mảnh đất này, ta vẫn như còn thấy hiện ra trước mắt một quá khứ hào hùng và oanh liệt.

Lễ hội Thống nhất non sông được tổ chức tại cụm di tích lịch sử Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải, là một lễ hội cách mạng được hình thành trên nền tảng cơ sở của những giá trị lịch sử, văn hóa của di tích quốc gia đặc biệt này. Đây là một lễ hội mang đặc sắc, riêng có ở khu di tích Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải; có nội dung phù hợp, hình thức sáng tạo, góp phần làm phong phú thêm hoạt động lễ hội trên toàn quốc, nhất là mô hình tổ chức các lễ hội mới. Chu trình lễ hội Thống nhất non sông được tổ chức định kỳ một năm một lần theo quy mô cấp tỉnh và 5 năm một lần theo quy mô cấp Quốc gia và trở thành Ngày hội Thống nhất non sông. Thời gian lễ hội được tổ chức vào dịp kỷ niệm ngày đất nước hoàn toàn thống nhất (30/4) hàng năm. Theo quy mô cấp tỉnh, lễ hội được tiến hành trong 1 ngày vào 30/4; theo quy mô cấp Quốc gia, thời gian kéo dài 2 ngày, 29 và 30/4.

Lễ hội Thống nhất non sông là dịp để tôn vinh những chiến công bất tử của quân và dân hai miền Nam – Bắc và khát vọng thống nhất, độc lập, tự do của cả dân tộc, thực hiện Di huấn thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Nước Việt nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”. Lễ hội còn là dịp để tôn vinh các giá trị truyền thống lịch sử và cách mạng của dân tộc; lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần đoàn kết, niềm tự hào, ý chí tự cường dân tộc; khẳng định những thành tựu vĩ đại mà dân tộc ta đã đạt được trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc; cổ vũ toàn Đảng, toàn dân đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát huy truyền thống cha ông.

Lễ hội gồm 2 phần: Phần lễ và phần hội.

Phần lễ chủ đạo là Lễ thượng cờ và một chương trình khai mạc ngày hội với các nghi thức theo một kịch bản không cố định và thường xuyên được thay đổi khá linh hoạt nhằm chuyển tải những ý nghĩa có tính biểu trưng với những nội dung liên quan đến hoạt động tôn vinh khát vọng thống nhất, độc lập Tổ quốc và toàn vẹn lãnh thổ. Lễ thượng cờ được tổ chức trang nghiêm tại Kỳ đài Hiền Lương diễn ra vào lúc 8h ngày 30/4. Trong suốt chiều dài của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, lá cờ trên đỉnh cột cờ Hiền Lương là biểu tượng về niềm kiêu hãnh, là niềm tin, ý chí, khát vọng và là sức mạnh của dân tộc Việt Nam. Lễ thượng cờ ngày 30/4 là một nghi thức thiêng liêng thể hiện tình yêu Tổ quốc và lòng tự hào dân tộc, tôn vinh những chiến công bất tử, những hi sinh của của Nhân dân hai miền Nam – Bắc trong cuộc đấu tranh thực hiện khát vọng thống nhất, độc lập, tự do; đồng thời vinh danh biểu tượng lá cờ Tổ quốc một thời kiêu hãnh trên địa đầu giới tuyến.

Phần hội gồm các hoạt động cắm trại, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao của nhân dân trong tỉnh. Trong đó, hoạt động đua thuyền truyền thống hàng năm tại Di tích đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải thu hút hàng vạn người dân tham gia cổ vũ, tạo nên một không khí rộn ràng của ngày hội. Vào các năm chẵn kỷ niệm 30 năm và 35 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước còn có thêm các chương trình giao lưu, biểu diễn nghệ thuật đặc biệt với sự có mặt của nhiều đoàn nghệ thuật Trung ương và địa phương khắp cả nước.

Lễ hội Thống nhất non sông lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2000 và tổ chức liên tục cho đến nay. Với tầm vóc và giá trị lịch sử của di tích cũng như sự hình thành và phát triển bền vững của lễ hội, được sự cho phép của Chính phủ, từ năm 2010, Lễ hội Thống nhất non sông được nâng lên quy mô lễ hội quốc gia. Đây là lễ hội có dấu ấn riêng biệt, đặc thù của vùng đất Quảng Trị. Tổ chức Lễ hội Thống nhất non sông là cách bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của quê hương, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, yêu quê hương cho mọi thế hệ người Việt Nam. Đồng thời, làm sinh động thêm đời sống tinh thần của Nhân dân trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đây là một trong những sản phẩm văn hóa và du lịch độc đáo, tạo thêm điều kiện để giao lưu hội nhập với bạn bè quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch, đưa hoạt động du lịch dần dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Quảng Trị. Diệu Linh

2892 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 2276
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 2276
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76250392