Thiết bị bay này để xử lý sự cố trên mạch máu năng lượng quốc gia - đường dây 500 kV.
Từ chiếc UAV nhập ngoại thí điểm
UAV tự chế đang đốt vật thể lạ vướng vào cột điện
|
Giữa tháng 5, chúng tôi đang thăm tuyến đường dây 500 kV Bắc Nam nhân kỷ 25 năm đưa vào khai thác đường dây mạch 1, đoạn qua miền tây huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) cũng là lúc các kỹ sư đội bay không người lái (Phòng Kỹ thuật, Công ty Truyền tải điện 2 - PTC2, thuộc Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia EVNNPT) đang diễn tập xử lý sự cố chướng ngại vật uy hiếp an toàn đường dây 500 kV. Tình huống là một con diều đứt dây mắc vào cột cao thế ở độ cao khoảng 40 m, được thiết bị bay không người lái UAV Altura Zenith ATX 8 phát hiện. UAV là bộ thiết bị bay điều khiển bằng sóng video của hãng Aerialtronics (Hà Lan) sản xuất, do PTC2 nhập về từ nửa cuối năm 2018 để thí điểm kiểm tra đường dây 220 kV, 500 kV. Ông Trần Thanh Phong, Giám đốc PTC2 cho hay, trước khi chọn đối tác Hà Lan, đã có một doanh nghiệp Singapore mang 4 UAV chào hàng song phải rút lui vì có 2 UAV bị rơi do không khắc phục được tính năng chống nhiễu sóng điện từ của đường dây 500 kV. “Cuối cùng, UAV này được chọn, giao cho nhóm kỹ sư thuộc Phòng kỹ thuật quản lý, vận hành”, ông Phong nói và cho biết thêm ông gọi vui nhóm này bằng cái tên “đội bay không người lái đầu tiên của lính truyền tải”. Nhờ khả năng bay tối đa 40 phút, ở độ cao 600 m với camera nhiệt, camera độ nét cao nên UAV sẽ nhận dạng thiết bị, mã hiệu, tìm điểm sự cố…
Sau khi được Bộ Quốc phòng cấp phép bay (12 tháng), UAV này đã bay kiểm tra 1.228 km đường dây 500 kV, 1.613 km đường dây 220 kV, phát hiện rất nhiều tình huống nguy cơ ảnh hưởng đến lưới điện, mà tình huống “vật thể lạ” mắc vào đường dây không phải là hi hữu. Đây là nguy cơ cao gây chập lưới điện. Trước đây, để xử lý tình huống này sẽ phải cắt điện để công nhân trèo ra, dùng tay gỡ chướng ngại vật. “Mỗi lúc vậy phải cắt điện cỡ 30 phút. Mà với ngành điện, phải cắt điện là điều không ai muốn”, ông Phong nói.
… đến đầu bài về một thiết bị bay mới
“Khi xử lý tình huống tương tự vào khoảng cuối năm ngoái, lãnh đạo “đặt đầu bài” là liệu có thể tạo ra một thiết bị bay tương đương, để kéo, cắt hay đốt vật thể lạ mà không cần cắt điện”, kỹ sư trẻ Nguyễn Văn Vinh - người được giao vận hành UAV kể lại. Sau đó, một nhóm các kỹ sư vô tuyến điện, cơ khí… được tập hợp để hiện thực hóa ý tưởng. 2 tháng sau, hình hài một thiết bị bay khác dần hình thành. “Qua những người chơi flycam, chúng tôi được biết phụ tùng để lắp đặt 1 thiết bị bay không khó kiếm. Mất khoảng 3 tháng, một thiết bị bay khác nhỏ hơn với hệ thống 8 cánh quạt, được điều khiển bằng sóng ngắn radio sẵn sàng cất cánh”, Vinh kể. Khác với UAV nhập ngoại là thay vì có camera để phát hiện sự cố thì máy bay tự chế có thêm hệ thống bơm áp lực cao để đẩy nhiên liệu từ một bình xăng khoảng 1 lít dưới bụng máy bay, đi kèm với hệ thống đánh tia lửa điện. “Khi đã ở khoảng cách gần chướng ngại vật thì hệ thống này sẽ phát ra một ngọn lửa nhỏ đủ để đốt cháy vật đó mà không gây tổn hại cho đường dây”, ông Phong giải thích trong khi Vinh liên tục cho thiết bị bay “khạc lửa” đốt cháy con diều. Chỉ 3 phút từ lúc cất cánh, con diều bị thiêu cháy gọn, không còn nguy cơ uy hiếp an toàn lưới điện, nhưng Vinh vẫn dè dặt: “Bọn em vẫn cần thử nghiệm thêm hệ thống chống nhiễu khi bay sát đường dây 500 kV để đảm bảo độ an toàn cao cho thiết bị, nên anh đừng viết… hồng quá nhé!”.
Còn theo ông Phong, cùng với việc đăng ký sáng kiến lên tổng công ty, ông đã có những đầu bài mới để hoàn thiện “UAV 2.0”. “Nếu vật thể lớn hơn, là những tấm bạt, tấm tôn vắt vẻo trên đường dây sau những trận giông lốc thì việc đốt cháy quá nguy hiểm. Vậy làm sao phải tích hợp một cánh tay như robot để đẩy, kéo vật thể lạ xuống”, ông Phong trăn trở.
Chí Hiếu