Độc đáo văn hóa Chăm trên đất Quảng Trị 

Trong diễn trình lịch sử của Quảng Trị có một thời gian khá dài gần một thiên niên kỷ đất này thuộc lãnh thổ vương quốc cổ Chăm-pa. Văn hoá Chăm-pa ở Quảng Trị cho đến nay tồn tại dưới nhiều dạng thức khác nhau, cả ở mặt vật thể và phi vật thể.

Từ nét đẹp từ văn hóa tâm linh đến triết lý nhân văn là sự sống nương vào thiên nhiên, hòa hợp sống chung với thiên nhiên và không nên phụ chúng. Ngoài việc tri ân đối với tiền nhân nơi mình sinh sống cũng như việc giữ gìn tinh thần đoàn kết, giao lưu văn hóa giữa các vùng miền, các dân tộc thì Mẹ Đất vẫn là cội nguồn của sự sống để kính trọng và tôn thờ.

Cúng đất nói chung là tín ngưỡng của một vùng cư dân song tùy theo địa vực cư trú và thổ nhưỡng từng nơi mà có những đặc điểm riêng. Cúng đất còn gọi là lễ “Kỳ an Thổ thần” hay “Tạ thổ kỳ yên”. Người Việt cổ xưa quan niệm “đất có thổ công, sông có hà bá”, cúng đất là để cầu nguyện âm siêu, dương thái, phần âm có yên ổn thì người dương mới yên ổn và có an cư thì mới lạc nghiệp.

Đáng chú ý là người Việt ở vùng ngũ Quảng (Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức - Thừa Thiên Huế ngày nay, Quảng Nam, Quảng Ngãi) và cả một số tỉnh Nam Trung Bộ nữa, ngoài ý niệm cúng đất là tạ ơn trời đất cũng còn tri ân các bậc tiền nhân mở đất lập làng, các vị thổ địa, thổ công, thành hoàng làng, các vị tiền khai khẩn, hậu khai canh thì còn lý do đặc biệt là nghi lễ này còn có sự phối thuộc thờ cúng các thần vị cai quản đất đai, tổ tiên tộc người Chăm và cả ma Chăm (ma Hời) tiền trú, không nơi nương tựa, không ai thờ cúng. Lễ vật dâng cúng bao giờ cũng dành phần riêng cho vong linh Chăm, dù rất khiêm tốn nhưng đặc trưng và thành kính.

Điều này cho thấy có rất nhiều chỉ dấu của văn hóa mà cố GS Trần Quốc Vượng gọi là “một bản sắc địa văn hóa được người Việt kế thừa từ người Chăm”, đó là sự giao thoa về âm nhạc với Quan họ Bắc Ninh và Nam Bình Nam Ai xứ Huế mà cố GS Trần Văn Khê cho rằng “trong nhiều thế kỷ giao lưu nhạc Việt đã nhuốm màu Chàm”, là “Ariya” Chăm với lục bát Việt giao thoa thành món ăn đặc sắc tinh thần, là tinh thần viễn dương Chăm-pa xưa truyền cho ngư dân miền Trung lòng quả cảm đánh bắt xa bờ, là người Chăm để lại một phần.

Trong mâm cúng đất, trước hết đó là mâm cơm và hạt nổ. Người Chăm đã nhập và thuần hóa các loại thực vật để trồng trọt và xây dựng nên các vùng đặc sản mà người Việt thừa kế như khoai (khoai Trà Đóa), mía (mía đường Quảng Ngãi)… mới có mấy loại sản phẩm đặc trưng này trong mâm cúng (mía khúc, khoai môn sắn luộc, rau lang luộc…) đặc biệt đồ ăn biển, các loại mắm phù hợp với sở thích ăn cay, ăn mặn (nước mắm, mắm nêm, mắm chợp, mắm cà, mắm dưa, mắm chêng…) mà mắm nêm là loại mắm tiêu biểu được lựa chọn đi kèm với rau lang luộc.

Người Chăm đã để lại trên địa bàn tỉnh Quảng Trị nhiều tác phẩm điêu khắc đá được các nhà nghiên cứu đánh giá là đạt trình độ nghệ thuật tuyệt vời và độc đáo như: Ngẫu tượng Yoni ở Dương Lệ; pho tượng Uma Dương Lệ; Bò thần Nandin ở Cam Giang, Quảng Ðiền. Những cột đá, những tác phẩm điêu khắc đá Hà Trung có một phong cách thể hiện rất riêng, mang nhiều nét đặc trưng trong tiến trình phát triển của nghệ thuật Chăm.

Những Garuda ở Thạch Hãn, Ða Nghi, Ganesa ở Trương Xá, Siva ở Bích La, Buddha ở Thạch Hãn, Apsara ở Ða Nghi, phù điêu lá nhĩ (tympan) ở Bích La, Trà Liên, Phương Sơn, Linga ở Cam Giang, Câu Hoan, các đài thờ, bệ thờ An Xá, Trà Liên... đều là những tác phẩm nghệ thuật có giá trị, biểu thị một cảm quan thẩm mỹ tuyệt vời của nhóm cư dân Chăm ở Quảng Trị.

quang-tri-2-w581-h400.jpg

Phù điêu lá nhĩ Trà Liên 2 – Bảo vật quốc gia

Theo Giám đốc Sở Văn hóa -  Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị Đỗ Văn Bình, các nhà nghiên cứu phát hiện và thống kê có gần 50 địa điểm có dấu tích đền tháp đã cho thấy vùng Quảng Trị không chỉ nhiều về số lượng, dày đặc về mật độ, đa dạng về chức năng, loại hình cấu trúc, quy mô, cách thức và kỹ thuật xây dựng mà còn phong phú về chất liệu, chứa đựng nhiều bí ẩn về trình độ tư duy và kỹ thuật tạo dựng.

Các di tích đền tháp Hà Trung (Gio Châu), An Xá (Trung Sơn), Dương Lệ (Triệu Thuận), Câu Hoan (Hải Thiện) là những ví dụ sinh động. Các công trình thành lũy như: Cổ Lũy (Vĩnh Giang) và Thuận Châu (Triệu Long) giữ vai trò là những trung tâm chính trị, quân sự của vùng bắc vương quốc Chăm-pa ở Quảng Trị chứa đựng nhiều vấn đề lịch sử, có số phận gắn bó mật thiết với quá trình tồn tại của vương quốc, từng chứng kiến nhiều nỗi thăng trầm, biến chuyển xã hội của một vùng đất và cả khu vực.

Ðặc biệt, hệ thống công trình khai thác nước cổ ở Quảng Trị được coi là di sản văn hóa độc đáo có một không hai của Việt Nam với sự tập trung về số lượng, đa dạng về loại hình, điển hình về quy mô, độc đáo về cách thức, kỹ thuật... và những lợi ích thiết thực mà chúng trực tiếp mang lại cho rất nhiều lớp cư dân sử dụng, trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, xứng đáng được xem như những thành tựu về văn hóa thủy lợi. Trong đó, hệ thống giếng cổ Gio An là một ví dụ điển hình.

Nhiều giếng cổ trong hệ thống này đã được trùng tu, tôn tạo và phát huy tốt, trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút ngày càng đông khách du lịch. Hiện tại, ngành VH-TT&DL đang chỉ đạo việc thực hiện hồ sơ đề nghị Bộ VH-TT&DL trình Chính phủ xếp hạng hệ thống công trình khai thác nước vùng Quảng Trị vào danh mục di tích Quốc gia đặc biệt. Sau khi trở thành di tích quốc gia đặc biệt thì tỉnh sẽ tiến hành lập hồ sơ đệ trình UNESCO đưa vào danh mục Di sản văn hóa thế giới.

Trong hàng trăm hiện vật thuộc văn hóa Chăm-pa đang được lưu giữ tại Bảo tàng Quảng Trị, đã có 3 hiện vật đã được đưa vào danh mục bảo vật Quốc gia là: Phù điêu lá nhĩ Trà Liên 1, Phù điêu lá nhĩ Trà Liên 2, Tượng UMa Dương Lệ.

Đối với Quảng Trị, bên cạnh việc tham mưu ban hành các chính sách của các cấp, thì sự tham gia vào cuộc của người dân, của cộng đồng là đặc biệt quan trọng. Đó là làm du lịch theo hướng trải nghiệm, phát huy bản sắc văn hóa, xây dựng tính đặc thù của mỗi vùng để tạo thành sản phẩm du lịch độc đáo.

Đến nay, văn hóa Chăm-pa đã không còn là một bộ phận tồn tại độc lập và song hành với chính chủ nhân của nó. Tuy nhiên, chính trong quá trình xây dựng và đấu tranh để sinh tồn của bộ phận cư dân Chăm-pa trên vùng đất Quảng Trị đã tạo ra được những cơ sở có tính chất tiền đề cho sự phát triển vững chắc của vùng đất này, đồng thời để lại nhiều dấu tích về một nền văn hóa hết sức phong phú và độc đáo, góp phần tạo nên sự đa dạng của văn hóa Quảng Trị.

 
Hoàng Oanh
5297 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1235
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1235
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87110771