Dụng cụ người dân mang theo tham gia lễ hội như chơm, rớ, vợt, rổ, rá cùng oi đựng cá. Hàng trăm người dân chỉ được phép xuống trằm bắt cá sau khi các cụ cao niên của làng thực hiện xong phần lễ cáo giang sơn. Lễ hội phá trằm của làng Trà Lộc, nhưng người dân của làng khác và du khách cũng được tham gia lội bùn bắt cá.
Nhà nghiên cứu văn hóa - lịch sử Lê Đức Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích và bảo tàng tỉnh Quảng Trị cho biết, trằm Trà Lộc tọa lạc giữa một vùng tiếp giáp các đồi cát và đồng bằng ruộng trũng; nơi hội tụ các mạch nước từ trong các đồi cát tiết ra, dẫn về theo vô số các lạch nhỏ, có rất nhiều cá, tôm sinh sống, nhiều nhất vẫn là cá lóc, cá rô và diếc…
Người dân dùng nơm để bắt cá trong lễ hội độc đáo này.
Lễ hội độc đáo này là hoạt động văn hóa của làng Trà Lộc gần 500 năm nay. Hằng năm các cụ cao niên trong làng chọn ra một ngày trung tuần tháng Bảy âm lịch tổ chức lễ hội. Gần đây, ngày đó được các cao niên tính toán phù hợp hơn, có thời gian từ trung tuần tháng này trở về cuối, nhưng phải đúng vào ngày cuối tuần để không chỉ người dân, mà còn con em của làng đang học tập, công tác muôn nơi có thời gian về quê cùng tham gia lễ hội.
Trước ngày phá trằm, trưởng làng phải thông tin sự kiện này rộng rãi để mọi người biết cùng tham gia. Ngoài quan niệm dự lễ hội phá trằm để lấy lộc; cải thiện bữa ăn cho dân làng; phá trằm còn là dịp để nạo vét, vệ sinh, thay đổi nước để cảnh quan trong hồ luôn được trong sạch. Người dân và du khách chỉ được dùng tay và các dụng cụ như chơm, lưới, vợt, rổ, rá…bắt cá, chứ không được dùng xung điện.
Một góc của lễ hội phá trằm Trà Lộc.
Càng đến gần trưa, nước giữa lòng trằm cạn dần, người tham gia phá trằm càng đông hơn, tạo nên không khí huyên náo, vui từng bừng cả vùng. Trằm Trà Lộc có diện tích mặt nước khoảng 10 ha giữa chung quanh là rừng nguyên sinh và thảm thực vật rộng chừng 100 ha; có vị trí cách quốc lộ 1 từ thị xã Quảng Trị về hướng đông - nam khoảng 5 km, ngày nay được biết đến là khu du lịch sinh thái được du khách yêu thích.
LÂM QUANG HUY