Diễn đàn “Xây dựng và phát triển văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp”. Ảnh: HL
Ngày 8/11, tại Hà Nội, Báo Người Hà Nội, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức Diễn đàn “Xây dựng và phát triển văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp”.
Phát triển văn hóa doanh nghiệp là yêu cầu cơ bản và cấp thiết để doanh nghiệp phát triển bền vững, nâng cao năng lực hội nhập và khả năng cạnh tranh. Trên thế giới, có rất nhiều doanh nghiệp thành công nhờ phát huy vai trò của văn hóa doanh nghiệp. Ở nước ta, không ít doanh nghiệp đã có những thay đổi nhất định từ nhận thức đến hành động trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân. Nhiều doanh nghiệp luôn chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp, gắn lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích cộng đồng và đã khẳng định được bản sắc cũng như uy tín của mình.
Nhà báo Đào Xuân Hưng - Tổng biên tập Báo Người Hà Nội, Trưởng Ban Tổ chức Diễn đàn nhấn mạnh: Văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực để doanh nghiệp phát triển. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân gắn với các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc sẽ tạo cho doanh nghiệp nền tảng để phát triển bền vững, góp phần đẩy lùi tiêu cực trong sản xuất kinh doanh. Ban Tổ chức mong muốn, thông qua diễn đàn sẽ bồi đắp thêm khái niệm về văn hóa doanh nghiệp và văn hóa doanh nhân, làm sáng rõ hơn vai trò của doanh nhân, bản lĩnh của doanh nhân, vai trò văn hóa doanh nghiệp đối với sự phát triển bền vững của Thủ đô và đất nước.
Tại Diễn đàn, các tham luận và ý kiến phát biểu đã tập trung nêu bật vai trò, vị trí của văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân, sự cần thiết cũng như những giải pháp đặt ra trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp và văn hóa doanh nhân trong bối cảnh hiện nay.
Theo ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt, trong bối cảnh hiện nay, lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp không chỉ là sản phẩm, doanh thu, thương hiệu mà cốt lõi nhất chính là văn hóa doanh nghiệp. Giá trị cốt lõi của văn hóa doanh nghiệp là mục tiêu phấn đấu, phương châm hoạt động, triết lý kinh doanh, nhận diện thương hiệu và các nguyên tắc về quản trị, điều hành. Bên cạnh đó, văn hóa doanh nghiệp còn là kim chỉ nam mà các thành viên của doanh nghiệp phải tuân thủ và được rà soát, điều chỉnh thường xuyên để phù hợp với hiện tại, tương lại và đạt được mục tiêu lâu dài của doanh nghiệp.
Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, văn hóa doanh nghiệp được kế thừa và phát huy bởi người đứng đầu của mỗi doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp trước hết là dấu ấn cá nhân của người đứng đầu doanh nghiệp. Vì thế, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân phải là người tiên phong. Đồng quan điểm này, TS Hoàng Anh Tuấn, Chủ tịch Hội kết nối Doanh nhân Toàn cầu khẳng định: Người đứng đầu phải tạo điều kiện cho tất cả các thành viên nhận ra được những sắc thái riêng mà một tổ chức, doanh nghiệp muốn vươn tới. Đồng thời, phải xây dựng được giá trị cốt lõi, mục tiêu phát triển chung của doanh nghiệp và truyền tải để mọi nhân viên tin tưởng vào những giá trị chung đó./.
Huy Lê