Doanh nghiệp xin trả lại dự án, Bộ GTVT nói gì? 

(Chinhphu.vn) – Liên quan đến việc Công ty VETC (chủ đầu tư triển khai dự án thu phí không dừng giai đoạn 1) xin “trả lại” dự án, Bộ GTVT yêu cầu công ty phải có trách nhiệm tiếp tục thực hiện hợp đồng đã ký kết. Bên cạnh đó Bộ GTVT sẽ phối hợp với VETC và các cơ quan đơn vị có liên quan từng bước tháo gỡ các khó khăn vướng mắc với quyết tâm cao để hoàn thành dự án.

 

Công ty VETC phải có trách nhiệm tiếp tục thực hiện hợp đồng đã ký kết về việc triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng. Ảnh minh họa.

Nhiều khó khăn ảnh hưởng đến tiến độ dự án

Theo thông cáo báo chí của Bộ GTVT ban hành chiều 14/11, dự án triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí hiện còn nhiều khó khăn, vướng mắc có nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ dự án như: Việc triển khai các dự án do Tổng Công ty đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý có nhiều vướng mắc, dẫn đến 4/5 tuyến cao tốc thực hiện rất chậm, khó có thể hoàn thành tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

“Nguyên nhân chính là việc chưa bố trí được nguồn vốn để đầu tư hệ thống thiết bị Front-End tại các trạm thu phí do hiệp định vay vốn các dự án đã hết.

Việc chuyển VEC về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, trong khi quy định pháp luật về phân cấp, phân quyền giữa Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước chưa rõ ràng cũng ảnh hưởng đến tiến độ triển khai hệ thống ETC. Bên cạnh đó là những vướng mắc liên quan đến việc đàm phán tỷ lệ trích doanh thu giữa VEC và đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng (hợp đồng dịch vụ)”, thông cáo báo chí của Bộ GTVT cho hay.

Đặc biệt, theo Bộ GTVT, vướng mắc lớn nhất hiện nay của dự án là doanh thu hoàn vốn cho dự án ETC không như dự kiến ban đầu do tiến độ ký hợp đồng dịch vụ, trích doanh thu còn chậm.

Việc nhiều dự án BOT sụt giảm doanh thu so với phương án tài chính ban đầu (do lưu lượng phương tiện thấp hơn so với dự báo, chưa được tăng phí theo đúng lộ trình trong hợp đồng,...) cũng làm ảnh hưởng đến nguồn thu của dự án thu phí tự động không dừng.

Một khó khăn khác được Bộ GTVT chỉ ra là số lượng phương tiện dán thẻ (e-tag) và nộp tiền vào tài khoản giao thông để tham gia dịch vụ thu phí tự động không dừng chưa cao (khoảng 800.000 thẻ/3,5 triệu phương tiện dán thẻ sử dụng dịch vụ ETC) do chủ phương tiện vẫn có thói quen sử dụng tiền mặt trong khi việc thanh toán, nộp và quản lý tài khoản giao thông chưa được thuận tiện cho người sử dụng dẫn đến chưa khuyến khích được người dân tham gia dịch vụ. Việc bắt buộc các phương tiện chưa dán thẻ không được đi qua làn thu phí tự động không dừng mặc dù đã được triển khai nhưng vẫn cần có lộ trình và chế tài để thực hiện.

"Do gặp khó khăn, vướng mắc như trên, nhà đầu tư dự án đã có các văn bản đề xuất dừng triển khai dự án để chuyển giao cho nhà đầu tư khác hoặc Nhà nước nhận lại dự án để tiếp tục thực hiện. Sau khi xem xét đề xuất của Công ty VETC, Bộ GTVT không đồng thuận giải pháp dừng triển khai dự án hoặc Nhà nước tiếp nhận lại dự án. Đồng thời, Bộ GTVT cũng yêu cầu Công ty VETC phải có trách nhiệm tiếp tục thực hiện hợp đồng đã ký kết với Bộ GTVT. Bên cạnh đó Bộ GTVT sẽ phối hợp với VETC và các cơ quan đơn vị có liên quan từng bước tháo gỡ các khó khăn vướng mắc với quyết tâm cao để hoàn thành dự án", Bộ GTVT khẳng định.

Đối với dự án giai đoạn 2, Bộ GTVT cho biết, mặc dù, việc lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng đã được Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoàn thành từ tháng 5/2019, tuy nhiên đến thời điểm này, nhà đầu tư chưa hoàn thiện thủ tục thành lập doanh nghiệp dự án theo quy định dẫn đến chưa đủ cơ sở pháp lý để thực hiện các bước tiếp theo như thiết kế bản vẽ thi công, ký hợp đồng tín dụng, thi công lắp đặt thiết bị…

“Với tiến độ thành lập doanh nghiệp dự án chậm như hiện nay, dự án có nguy cơ không hoàn thành đúng tiến độ theo Quyết định số 07/2017 của Thủ tướng Chính phủ”, thông cáo nêu rõ.

Giải pháp tháo gỡ

Liên quan đến các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong thời gian tới, Bộ GTVT cho biết, đối với dự án giai đoạn 1, Bộ GTVT sẽ thực hiện quyết liệt giải pháp phân luồng giao thông tại các trạm trên QL1 và một số trạm cửa ngõ các thành phố lớn để khuyến khích chủ phương tiện dán thẻ và tham gia dịch vụ, tăng cường hiệu quả của hệ thống; đẩy nhanh tiến độ đàm phán hợp đồng dịch vụ, lắp đặt thiết bị, bàn giao công tác quản lý thu phí và trích chi phí quản lý thu phí tự động theo phương án tài chính của dự án.

Bộ GTVT sẽ rà soát lại phương án tài chính của dự án để xác định tỷ lệ trích chi phí quản lý thu phí tự động không dừng tại các dự án cao tốc do VEC quản lý làm cơ sở sớm ký kết hợp đồng dịch vụ. Phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước để tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn để triển khai các dự án của VEC.

Cùng đó, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo Cục Đăng kiểm, các cơ quan đơn vị liên quan tiếp tục dán thẻ cho các phương tiện.

Đồng thời, Bộ sẽ phối hợp với Công ty VETC để tăng cường năng lực thông qua phương án bổ sung các nhà đầu tư có năng lực tham gia dự án thu phí tự động không dừng như đề xuất của Công ty VETC. Hoàn thiện việc kết nối liên thông tài khoản cá nhân tại các ngân hàng thông qua cổng thanh toán điện tử và một số giải pháp liên thông tài khoản khác nhằm tạo sự thuận lợi, minh bạch cho người sử dụng.

Đối với dự án giai đoạn 2, Bộ GTVT yêu cầu nhà đầu tư cần tập trung, khẩn trương phối hợp cùng các cơ quan liên quan để được chấp thuận chủ trương và hoàn thiện thủ tục thành lập doanh nghiệp dự án làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.

Về vấn đề kiểm soát doanh thu tại các trạm thu phí BOT, Bộ GTVT cho biết, trong quá trình triển khai các dự án BOT, Bộ GTVT xác định việc quản lý doanh thu là một trong những chức năng, nhiệm vụ quan trọng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm đảm bảo tính minh bạch, phòng chống tiêu cực trong giai đoạn vận hành, khai thác.

Hiện nay, việc triển khai các dự án thu phí tự động không dừng sẽ đóng vai trò là một giải pháp nhằm tăng cường tính hiệu quả trong công tác quản lý doanh thu tại các trạm BOT bên cạnh những giải pháp đã được triển khai thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ trong thời gian qua như định kỳ hàng tháng, quý nhà đầu tư phải báo cáo tình hình thu phí tại các trạm về lưu lượng, doanh thu theo mẫu báo cáo do Bộ ban hành.

"Tổng cục Đường bộ Việt Nam thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát thực tế tại các trạm thu phí. Qua công tác kiểm tra, giám sát đã yêu cầu nhà đầu tư thực hiện đúng quy định của pháp luật và hợp đồng dự án BOT. Hiện cũng đã triển khai dự án xây dựng hệ thống quản lý giám sát dữ liệu, hình ảnh theo thời gian thực để các cơ quan có thẩm quyền giám sát quá trình thu phí của các dự án BOT. Việc quản lý, giám sát doanh thu thu phí còn thông qua nhiều cơ quan khác nhau như nhà đầu tư, ngân hàng cung cấp tín dụng, các cơ quan thuế", Bộ GTVT thông tin.

Dự án giai đoạn 1 có tổng số 44 trạm, bao gồm 26 trạm trên QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, 18 trạm trên các tuyến cao tốc và các quốc lộ khác. Dự án này do Công ty VETC triển khai thực hiện. Đến thời điểm này, Bộ GTVT đã tiến hành đàm phán, ký kết phụ lục hợp đồng BOT với 35/39 trạm, 4 trạm đang tiếp tục đàm phán (trong 44 trạm có 5 trạm do VEC quản lý không phải ký phụ lục hợp đồng). Các trạm thu phí thuộc dự án giai đoạn 1 đã cơ bản lắp đặt và vận hành hệ thống ETC.

Dự án giai đoạn 2 gồm 33 trạm, Bộ GTVT đã tổ chức đấu thầu rộng rãi quốc tế và đã lựa chọn liên danh Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) và một số doanh nghiệp về công nghệ là nhà đầu tư thực hiện dự án, hiện nay liên danh nhà đầu tư đang hoàn thiện các thủ tục xin phép thành lập doanh nghiệp dự án để triển khai các bước tiếp theo tuân thủ quy định.

 

 

Phan Trang
321 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1093
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 1094
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87173124