Thông tin này được ghi nhận tại Hội nghị “Doanh nghiệp xã hội và phát triển bền vững” diễn ra ngày 28/8 tại Hà Nội do Viện Nghiên cứu thương hiệu và cạnh tranh phối hợp Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức.
Hội nghị có sự tham dự của khoảng 300 đại biểu đến từ các cơ quan ban ngành, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, hiệp hội, doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, các chuyên gia kinh tế được kì vọng sẽ là nơi tháo gỡ khó khăn và chia sẻ kinh nghiệm cho các DNXH nói riêng và đề cao tính trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp Việt Nam nói chung, lan tỏa nhiều hơn nữa tới các tổ chức và cá nhân về sứ mệnh phát triển bền vững vì cộng đồng, cũng như đề xuất các giải pháp mới phù hợp với tình hình phát triển xã hội hiện đại khi hướng tới mục tiêu phát triển bền vững chung dựa trên các yếu tố xã hội, thông qua việc đối thoại thẳng thắn giữa các nhà quản lí chính sách và các doanh nghiệp.
Hội nghị doanh nghiệp xã hội và phát trển bền vững (Ảnh: PV)
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng biên tập Tạp chí Lê Xuân Đình khẳng định: Nhiều DNXH đã có đóng góp quan trọng vào chuỗi cung cấp sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm an toàn, sạch cho xã hội. Nhiều DNXH với ý tưởng sáng tạo thành công đã góp phần hỗ trợ Chính phủ trong giải quyết các vấn đề xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ và nâng cao năng lực cho các nhóm yếu thế, bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Khu vực DNXH đã và đang hỗ trợ tích cực và hiệu quả cho Chính phủ trong việc giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường một cách bền vững. Tuy nhiên, những khó khăn doanh nghiệp gặp phải đang cần sự chung tay hỗ trợ thiết thực của hệ thống chính trị và xã hội. DNXH tại Việt Nam đang hoạt động đa dạng trên các lĩnh vực như giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe, thủ công mỹ nghệ, truyền thông cộng đồng, nông nghiệp, bảo vệ môi trường... Theo một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, 68% số DNXH có hoạt động hướng tới xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống và nâng cao thu nhập cho nhóm người yếu thế thông qua giáo dục đào tạo nghề, tăng cường kỹ năng và kiến thức. Trong những năm qua, mô hình DNXH tồn tại dưới nhiều hình thức tổ chức và địa vị pháp lý khác nhau như: doanh nghiệp thông thường, tổ chức phi lợi nhuận, tổ chức từ thiện, doanh nghiệp xã hội đăng ký theo Luật Doanh nghiệp 2014. DNXH ở Việt Nam đang tiếp tục phát triển, mở rộng và được xã hội tôn vinh.
Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành một số cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích hỗ trợ phát triển DNXH. Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã có những quy định khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thành lập DNXH có mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng. DNXH được hưởng các ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật, được tiếp nhận viện trợ phi chính phủ nước ngoài để thực hiện mục tiêu giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường. Các DNXH hoạt động trong lĩnh vực xã hội và môi trường được hưởng các chính sách ưu đãi về cơ sở vật chất hạ tầng và đất đai, các chính sách ưu đãi về thuế và tín dụng.
Tuy nhiên, hoạt động của các DNXH ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, thách thức như: chưa có khung pháp lý đầy đủ cho DNXH hoạt động; thiếu vốn và kém về khả năng tiếp cận các nguồn tài chính do phần lớn DNXH đều có quy mô nhỏ và còn non trẻ; thiếu năng lực quản lý do phần lớn các doanh nghiệp trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm và hình thức kinh doanh còn mới mẻ.
Tại Hội nghị, bà Catherine Phương, Trợ lý Giám đốc Quốc gia UNDP Việt Nam chia sẻ: Những doanh nghiệp tạo tác động xã hội được hiểu là những tổ chức có cả hoạt động kinh doanh và cả cam kết tác động tích cực đến xã hội/môi trường, là 2 nguyên tắc tập trung trong chiến lược hoạt động của họ. “Với tư cách là UNDP tại Việt Nam, chúng tôi ủng hộ sự hiểu biết sâu rộng hơn về khởi nghiệp xã hội vì chúng tôi nhìn thấy cơ hội lớn cho tất cả những doanh nghiệp từ những doanh nghiệp xã hội nhỏ đến những tập đoàn lớn được tham gia vào rất nhiều hoạt động trong khu vực doanh nghiệp tạo tác động xã hội với một nhiệm vụ xã hội là có những đóng góp quý báu vào các Mục tiêu phát triển bền vững” – bà Catherine Phương nói.
Toàn cảnh Hội nghị (Ảnh: PV)
Cũng tại hội nghị TS. Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội - Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết: Đối với doanh nghiệp nhà nước, thực hiện an sinh xã hội để khẳng định vai trò chủ đạo của mình đối với các thành phần kinh tế. Quan điểm về phát triển kinh tế – xã hội của Đảng và Nhà nước ta là “tăng trưởng kinh tế gắn liền với công bằng xã hội”. Đồng thời, xác định vai trò chủ đạo của thành phần kinh tế nhà nước trong quá trình thực hiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Để hiện thực hoá quan điểm này trong cuộc sống thì việc thực hiện an sinh xã hội của các doanh nghiệp luôn đóng vai trò quan trọng.
Đồng quan điểm trên, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Phan Đức Hiếu khẳng định thúc đẩy DNXH chính là thúc đẩy phát triển bền vững. Ông Hiếu nhấn mạnh: Dù thế nào, bản thân các DNXH vẫn “cần phải lên tiếng, cần có những diễn đàn để thúc đẩy DNXH phát triển, vì DNXH chính là cách thức phát triển bền vững.”/.
Lê Anh