Doanh nghiệp Việt và cuộc đua thương mại điện tử 

(ĐCSVN) - Thương mại điện tử (TMĐT) đang bùng nổ trên toàn cầu và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Với khoảng 70 triệu người dùng mạng xã hội và 75% trong số đó thường xuyên mua sắm online, Việt Nam đã trở thành một trong những thị trường TMĐT phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.

Trong bối cảnh này, sự hiện diện của các doanh nghiệp bán lẻ trực tuyến của nước ngoài, đang gây áp lực lớn lên các doanh nghiệp trong nước. Vấn đề đặt ra là: Liệu có cần thiết phải đánh thuế nhập khẩu đối với hàng hóa được bán qua các kênh online nhằm bảo vệ nền sản xuất trong nước?

Việt Nam đã trở thành một trong những thị trường TMĐT phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Nguồn: vneconomy.vn.

Thực trạng thị trường

Theo báo cáo Thương mại điện tử Đông Nam Á 2024, tốc độ tăng trưởng tổng giá trị hàng hóa (GMV) tại Việt Nam đã đạt gần 53% trong năm 2023. Trong khi đó, hàng hóa Trung Quốc đang chiếm ưu thế về giá cả và mẫu mã trên các sàn TMĐT như Shopee, Lazada và Tiktok shop. Điều này đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc cạnh tranh. Một số sản phẩm, như ốp điện thoại hay đồ trang sức, được bán với giá rất thấp, kèm theo dịch vụ vận chuyển miễn phí. Chị Minh Hạnh, một chủ shop online tại Hà Nội cho biết,doanh thu của chị đã giảm sút vì không thể cạnh tranh với tốc độ giao hàng và giá cả của hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Theo thống kê, mỗi ngày có khoảng 4-5 triệu đơn hàng từ Trung Quốc được vận chuyển về Việt Nam, với giá trị trung bình khoảng 45-63 triệu USD. Điều này cho thấy rằng các doanh nghiệp nội địa đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt. Đặc biệt, nhiều mặt hàng có giá trị dưới 1 triệu đồng được miễn thuế VAT, tạo ra một "lỗ hổng" lớn trong chính sách thuế, gây thất thu cho ngân sách nhà nước.

Chênh lệch giá cả giữa hàng nội địa và hàng nhập khẩu là một thách thức lớn. Các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ phải chịu thuế VAT mà còn phải gánh chịu chi phí sản xuất cao hơn. Do đó, việc người tiêu dùng chọn mua hàng hóa giá rẻ từ nước ngoài là điều dễ hiểu. Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, việc không đánh thuế cho hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ khiến cho hàng Việt Nam không thể cạnh tranh một cách công bằng.

Tại diễn đàn Quốc hội gần đây, nhiều đại biểu đã đề nghị Chính phủ nghiên cứu việc đánh thuế đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ qua các sàn TMĐT. Nếu không có sự can thiệp, sự cạnh tranh không công bằng này sẽ dẫn đến sự sụp đổ của nhiều doanh nghiệp trong nước. Cũng theo đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, nếu không có chính sách thuế hợp lý, chúng ta sẽ "mất dần" thị trường cho các sản phẩm ngoại nhập.

Việc quản lý thuế đối với hàng hóa nhập khẩu qua kênh online không phải là điều dễ dàng. Luật sư Nguyễn Phú Thắng, đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, cần có các công cụ công nghệ để theo dõi và quản lý thuế cho hàng hóa nhập khẩu qua các sàn TMĐT. Các cơ quan quản lý cần làm việc chặt chẽ để đảm bảo rằng hàng hóa nhập khẩu phải chịu thuế như hàng hóa sản xuất trong nước.

Nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện chính sách thuế đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ. Liên minh châu Âu và Anh đều đã bỏ quy định miễn thuế cho hàng hóa có giá trị dưới một ngưỡng nhất định. Điều này cho thấy rằng, việc đánh thuế hàng hóa nhập khẩu qua các kênh online không chỉ là một nhu cầu cần thiết mà còn là một xu hướng tất yếu trong bối cảnh hiện tại.

Tăng cường đổi mới và chuyển đổi số

Để bảo vệ doanh nghiệp trong nước, Nhà nước cần xem xét xây dựng một chính sách thuế công bằng và hợp lý cho hàng hóa nhập khẩu. Việc này không chỉ giúp bảo vệ sản xuất trong nước mà còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững trong môi trường cạnh tranh toàn cầu. Ngoài ra, cần có các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Bộ Công Thương tổ chức Diễn đàn hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và phát triển thương mại điện tử với chủ đề “Phát triển hợp đồng điện tử an toàn”. Ảnh TL.

Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt từ các doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung vào việc đổi mới sáng tạo và áp dụng công nghệ vào sản xuất. Việc xây dựng thương hiệu và tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng là cực kỳ cần thiết. Nhà nước cũng cần có những chính sách khuyến khích doanh nghiệp nội địa hợp tác, chia sẻ công nghệ và phát triển chuỗi cung ứng.

Làn sóng doanh nghiệp bán lẻ trực tuyến đến từ nhiều quốc gia đang tạo ra những áp lực lớn đối với thị trường bán lẻ Việt Nam. Việc không đánh thuế đối với hàng hóa nhập khẩu qua các kênh online có thể dẫn đến tình trạng cạnh tranh không công bằng, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp trong nước. Do đó, cần thiết phải có những biện pháp quản lý thuế hợp lý, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp nội địa trong quá trình chuyển đổi số và nâng cao năng lực cạnh tranh. Chỉ có như vậy, Việt Nam mới có thể phát triển bền vững trong kỷ nguyên thương mại điện tử./.

 
TL
37 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 788
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 788
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87015469