Doanh nghiệp Việt trong cuộc chiến duy trì tăng trưởng 

(ĐCSVN) - Những ngày này, đất nước ta đang giữa hai cuộc chiến: đẩy lùi dịch bệnh COVID-19 để bảo vệ sức khỏe của nhân dân và đẩy lùi suy thoái, duy trì tăng trưởng, bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động. Cả hai cuộc chiến đều khốc liệt. Đó là chia sẻ của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Giữa hai cuộc chiến

Phóng viên (PV): Cuộc chiến kinh tế để chống suy giảm chắc chắn sẽ kéo dài hơn cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh, xin ông cho biết quan điểm của mình về vấn đề này?

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc:  Trong cuộc chiến phòng chống dịch bệnh COVID-19, chúng ta đã triển khai khá sớm, khá bài bản và hiệu quả các giải pháp đồng bộ với sự vào cuộc của các hệ thống chính trị, của toàn dân và nước ta đang trở thành một điển hình thành công trong kiểm soát dịch bệnh. Nhưng trong cuộc chiến kinh tế, những nỗ lực của chúng ta mới chỉ ở bước khởi đầu. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, nhưng việc thực thi của các bộ ngành và địa phương còn chậm. Nếu chống dịch như chống giặc thì trong cuộc chiến chống suy thoái và duy trì tăng trưởng cũng cần phải khẩn trương quyết liệt và có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của toàn dân.

Là một nền kinh tế có độ mở cao, Việt Nam đứng trước những tác động vô cùng lớn từ hệ lụy của dịch bệnh và cuộc suy thoái toàn cầu đó. Lực lượng chủ công giữ vai trò duy trì sản xuất kinh doanh trong đại dịch và tái cấu trúc để phục hồi và phát triển sau đại dịch chính là đội ngũ doanh nhân, những vị thuyền trưởng đang đứng mũi chịu sào gần 800.000 doanh nghiệp (DN) và trên 5 triệu hộ kinh doanh trong cả nước.

Dịch bệnh đang là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng suy giảm của DN. Trong 3 tháng đầu năm, cả nước đã có tới gần 35.000 DN rút lui khỏi thị trường, con số kỷ lục từ trước đến nay. Và lần đầu tiên sau hàng thập kỷ, số lượng DN rút lui khỏi thị trường lớn hơn số DN đăng ký thành lập mới. Theo một kết quả khảo sát nhanh của VCCI được triển khai cuối tháng 3 đầu tháng 4, thì tác động của đại dịch đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của DN là rất nghiêm trọng. Có tới gần 85% số DN trong mẫu khảo sát cho biết dịch bệnh đã làm cho thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, gần 60% số DN cho rằng dịch bệnh khiến họ thiếu vốn và đứt dòng tiền cho kinh doanh, trên 40% số DN cho biết đại dịch gây thiếu nguồn cung nguyên liệu, 43% số DN phải thu hẹp quy mô lao động do thiếu việc làm…

Cũng theo kết quả khảo sát của VCCI, nếu tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, thì có tới trên 75% số DN báo sẽ phải thu hẹp quy mô lao động và có tới gần 10% số DN phải giảm quy mô lao động tới 50%. Chỉ có chưa đầy 1% số DN gia tăng lao động. Hệ lụy của xu hướng này sẽ là hàng triệu lao động sẽ có nguy cơ mất việc làm trong những tháng tới đây.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc (Ảnh: M.P) 

PV: Trong bối cảnh này, các DN đã làm gì, thưa ông?

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: Cũng theo kết quả khảo sát, hầu hết các DN đã tích cực và chủ động triển khai các biện pháp chống dịch tại nơi làm việc theo khuyến cáo của Bộ Y tế và chính quyền các địa phương, đồng thời cố gắng nỗ lực cao nhất để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. “Nhiệm vụ kép” đòi hỏi những nỗ lực vượt bậc của cộng đồng DN. Thực tế, có đến 73% số DN đã kịp thời có chính sách hỗ trợ người lao động trong khủng hoảng. Các DN nhìn chung đã chủ động, sáng tạo đưa ra các giải pháp phù hợp kịp thời trong sử dụng lao động. Trên 60% số DN đã áp dụng phương thức làm việc linh hoạt về thời gian cho một bộ phận lao động, và 46% số DN không cắt giảm lao động nhưng giảm giờ làm, 42% số DN tranh thủ thời gian dịch bệnh để đào tại lại nhân lực, 41% số DN tổ chức làm việc tại nhà. Chỉ khoảng 20% số DN cho biết, đã buộc phải cắt giảm lao động, chấm dứt hợp đồng lao động và 21% số DN cho biết đã phải cắt giảm lương để không phải cắt giảm lao động. Đó là những ứng sử linh hoạt đầy trách nhiệm.

Những giải pháp hữu hiệu ngắn hạn 

PV: Trên cơ sở những kiến nghị của các hiệp hội DN, DN, VCCI đã có những kiến nghị, đề xuất gì thưa ông?

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: Cộng đồng DN vui mừng đón nhận và đánh giá cao sự chỉ đạo kịp thời, hiệu quả của Thủ tướng; sự vào cuộc của các bộ ngành, địa phương để các giải pháp hỗ trợ DN thực tiễn, hỗ trợ tích cực cộng đồng DN vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh. Trước những diễn biến ngày càng phức tạp của dịch COVID-19 và khó khăn của DN ngày càng gia tăng, VCCI đã tiến hành khảo sát nhanh tình hình DN và ngày 3/4, Chủ tịch VCCI đã tổ chức họp trực tuyến với lãnh đạo của gần 100 hiệp hội DN trong và ngoài nước để nắm bắt tình hình thực hiện các Chỉ thị của Thủ tướng, ảnh hưởng mới của dịch COVID-19 tới hoạt động của DN và những đề xuất, kiến nghị tiếp theo của cộng đồng DN. Trên cơ sở tập hợp ý kiến của các hiệp hội DN và DN, ngoài các giải pháp đang được các bộ ngành và địa phương triển khai, ngày 6-4, Chủ tịch VCCI đã lại gửi công văn tiếp tục kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp hỗ trợ DN mới.

PV: Cụ thể là những giải pháp gì thưa ông?

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: Thứ nhất, trong điều kiện dịch bệnh đang được kiểm soát tương đối tốt như hiện nay, mặc dù không được chủ quan, nhưng DN đề nghị, trừ một số ngành/lĩnh vực rất hạn chế phải tạm thời đóng cửa, cần khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất lưu thông tiến hành bình thường với điều kiện tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh để DN có thể tự cứu mình, duy trì sản xuất kinh doanh, bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội và bớt đi gánh nặng trợ cấp của nhà nước trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn rất eo hẹp như hiện nay. 

Thứ hai, đề nghị Chính phủ bổ sung và công bố ngay danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phù hợp điều kiện phòng, chống dịch bệnh COVID-19, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất và lưu thông các hàng hóa dịch vụ này phục vụ đời sống nhân dân. 

Thứ ba, đề nghị Bộ Y tế có kịch bản hoặc quy định rõ ràng cho các DN, nhất là các trung tâm thương mại, siêu thị, DN trong khu công nghiệp… để hướng dẫn xử lý và cách ly khi có người lao động hay khách hàng đến giao dịch bị nhiễm COVID-19, tránh việc phải đóng cửa toàn bộ khu công nghiệp, DN khi không cần thiết. 

Thứ tư, đề nghị cho phép các dịch vụ chuyên môn trong các tòa nhà văn phòng được duy trì đội ngũ nhân viên tối thiểu và các chức năng hoạt động tối thiểu quan trọng đối với các hoạt động của DN, với điều kiện tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn về phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế. 

Thứ năm, đề nghị giãn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư kinh doanh do điều kiện dịch bệnh không thể để hoàn thành các thủ tục đúng thời gian theo yêu cầu quy định. 

Thứ sáu, về chính sách tài khóa, đề nghị cho thực hiện ngay việc tạm hoãn nộp các khoản thuế GTGT, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân của người lao động, bảo hiểm xã hội (BHXH), phí công đoàn… trong khi chờ chính sách cụ thể vì quá trình hướng dẫn thực hiện các giải pháp theo Chỉ thị của Thủ tướng của các bộ ngành còn chậm. Các chính sách này cần được áp dụng với hệ thống các ngân hàng thương mại vì các ngân hàng thương mại cũng là DN. 

Thứ bảy, ngoài việc thực hiện giãn, hoãn tiến độ nộp các khoản thuế, BHXH, phí, lệ phí, đề nghị có các chính sách miễn, giảm các khoản phải nộp này thuộc chức năng của Chính phủ. 

Thứ tám, đề nghị thực hiện ngay việc giãn, hoãn, miễn giảm tiền thuế đất cho các DN trong bối cảnh dịch bệnh…

Ngoài ra, về chính sách lao động, tiền lương, công đoàn, đề nghị không điều chỉnh lương tối thiểu vùng cho năm 2021; tạm dừng các khoản đóng góp của người sử dụng lao động và người lao động vào quỹ công đoàn, BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong năm 2020...

Ngược lại, về phía cộng đồng DN, các DN cần theo dõi sát tình hình, phải tự cứu mình, tiếp tục phát huy các sáng kiến, các giải pháp để tiếp tục trụ vững và phát triển. Chuẩn bị tích cực các nền tảng cho giai đoạn phát triển bền vững sau đại dịch và nền tảng quan trọng nhất là ý chí và tinh thần khởi nghiệp của doanh nhân.

Vấn đề lớn nhất thời "hậu" COVID-19 sẽ là việc làm (Ảnh: M.P)

PV: Có thể là hơi sớm, nhưng theo ông, chúng ta phải chuẩn bị gì cho thời kỳ “hậu” COVID-19?

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: Thực tế, không chỉ trong đại dịch mà để chuẩn bị cho thời “hậu” COVID-19, vấn đề lớn nhất sẽ là việc làm, Tổ chức Lao động Quốc tế dự báo Covid-19 sẽ làm cho 25 triệu người mất việc. Nhiều tổ chức quốc tế còn đưa ra con số cao hơn thế. Việc tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình kinh doanh sau COVID-19 sẽ làm sâu sắc thêm xu hướng này và sẽ vẽ lên một bức tranh kinh tế toàn cầu với nhiều sắc màu và hình khối mới. Hội nhập vẫn là một xu hướng quan trọng, nhưng chắc chắn hội nhập sẽ được điều chỉnh lại với tinh thần không chỉ thúc đẩy tự do mà còn cần hài hòa hơn và công bằng hơn.

Nền kinh tế và cộng đồng DN Việt Nam sẽ đứng trước những cơ hội và thách thức chưa từng có. Việt Nam sẽ có cơ hội đón nhận dòng vốn mới có chất lượng cao hơn trong một chiến lược đầu tư phi tập trung, đa phương hóa nguồn cung ứng để tránh lệ thuộc quá lớn vào một thị trường của các tập đoàn xuyên quốc gia. Việt Nam có sẵn lợi thế về địa kinh tế, địa chính trị, có quy mô thị trường và nguồn lực nhưng để tận dụng tốt cơ hội này, Việt Nam đang đứng trước yêu cầu nâng cao chất lượng thể chế, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng để đón nhận dòng vốn đầu tư mới. Nhưng thách thức cũng lớn hơn khi xu hướng tự động hóa gia tăng, cơ hội việc làm trong những ngành sử dụng nhiều lao động giản đơn sẽ bị thu hẹp. Sứ mệnh giải quyết công ăn việc làm cho lực lượng này đè nặng lên vai của đội ngũ doanh nhân.

Làm sao nâng cao năng lực của DN đặc biệt là các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa, để họ có thể trụ vững trong thời kỳ COVID-19 và vươn lên trong thời kỳ “hậu” COVID đang trở thành nhiệm vụ hàng đầu của cả hệ thống chính trị và nhiệm vụ đẩy mạnh cải cách đồng bộ về thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực làm bệ đỡ cho DN lớn lên sẽ là yêu cầu quan trọng nhất, mở đường cho sự phát triển của nền kinh tế và cộng đồng DN ở tương lai.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

 
Minh Phương (thực hiện)
457 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 547
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 547
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76201942