Hội thảo: “Doanh nghiệp Việt Nam trước ngưỡng cửa chuyển đổi số” (Ảnh: K.D)
Nhằm giúp doanh nghiệp nắm bắt được cơ hội, đồng thời khắc phục những rào cản trong quá trình tham gia vào nền kinh tế số, Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức Hội thảo: “Doanh nghiệp Việt Nam trước ngưỡng cửa chuyển đổi số” vào ngày 18/7 tại Hà Nội.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Trần Đình Thiên - Chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam vẫn ở vị trí thứ yếu trong phân chia chiếc bánh doanh thu kinh tế số. Hơn thế nữa, doanh nghiệp Việt chủ yếu ở vị trí mới nhập cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số.
Theo ông Trần Đình Thiên Thiên, trong 3 - 4 năm trở lại đây, tinh thần bước vào Cách mạng công nghiệp 4.0 của doanh nghiệp lên rất cao. Hiện có gần 700.000 doanh nghiệp tư nhân. Số doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tăng hơn gấp đôi, từ 1.800 doanh nghiệp năm 2016 lên khoảng 4.000 doanh nghiệp vào năm 2018. Mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp đăng ký theo luật hoạt động vào năm 2020 có thể đạt hay không đạt, điều đó không quá quan trọng. Vấn đề then chốt hiện nay là làm sao doanh nghiệp Việt Nam thực sự lớn lên được và trở thành động lực chủ yếu cho phát triển kinh tế đất nước. Trở ngại về thể chế, chính sách, hạ tầng, nguồn nhân lực, và khiếm khuyết của bản thân doanh nghiệp là rất lớn, song doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể khắc phục, giảm thiểu được chúng, bằng sự quyết liệt cả trong nhận thức, trong xây dựng chiến lược và nhất là trong hành động.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hải, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, để kinh tế số, kinh tế chia sẻ được tận dụng hiệu quả ở Việt Nam, quản lý nhà nước cần có cơ chế, chính sách giảm thiểu rủi ro cho các bên trong hoạt động kinh tế chia sẻ bao gồm cảnh báo sớm cho người cung cấp dịch vụ. Đồng thời, nâng cao năng lực hiểu biết và sử dụng dịch vụ kinh tế số, pháp luật về hợp đồng số cho người sử dụng dịch vụ; đảm bảo an toàn lao động và an toàn trong thanh toán các hợp đồng điện tử.
Đặc biệt, theo ông Hải, các bộ, ngành tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin và dữ liệu với nhau trong điều hành quản lý nhà nước; xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin và dữ liệu giữa các bộ, ngành với chính quyền các cấp, các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi và ổn định cho doanh nghiệp nền tảng đổi mới sáng tạo, tiếp cận tài chính, khuyến khích cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện hoạt động nghiên cứu, sáng tạo...
Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng thảo luận, làm rõ bản chất chuyển đổi số, xác định các cơ hội thách thức đối với doanh nghiệp; yêu cầu đặt ra với doanh nghiệp, những yếu tố ảnh hưởng đến điều kiện và kinh doanh mới và các vấn đề thách thức và giải pháp giúp chuyển đổi số trong bối cảnh hiện nay.
Yêu cầu đặt ra cho các doanh nghiệp tư nhân trong bối cảnh hiện này là cần có sự chuẩn bị kỹ và phải bắt đầu ngay từ hạ tầng đến các ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với điều kiện của mình. Chú trọng đến việc trình hóa, số hóa được các hoạt động sản xuất kinh doanh quan trọng của doanh nghiệp, tạo ra môi trường kết nối, an ninh, an toàn. Từ đó áp dụng được các ứng dụng thông minh, tiện ích hơn của internet vạn vật, điện toán đám mây, robot. Đẩy mạnh tìm hiểu nghiên cứu các công nghệ tiên tiến của nền kinh tế số và khả năng ứng dụng nhằm cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ, tăng năng lực cạnh tranh và khả năng tham gia trong chuỗi giá trị. Đồng thời, phải nhìn nhận vai trò quan trọng của đổi mới về công nghệ đối với việc nâng cao năng suất, chất lượng của hàng hóa, dịch vụ cũng như khả năng của doanh nghiệp./.
Kim Dung