Ảnh minh họa (Ảnh:M.P)
Hiệu quả từ nỗ lực cải cách
Trong những năm qua, cải cách chính sách và TTHC thuế ở Việt Nam được thực hiện thông qua việc sửa đổi, ban hành các văn bản pháp quy theo hướng cải cách TTHC (như cắt giảm các yêu cầu, điều kiện, giấy tờ, thủ tục không cần thiết), giảm thời gian, chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn, tiếp thu các thông lệ tốt của quốc tế và giải quyết những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn làm cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, gây ra sự tốn kém thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.
Cùng với đó là việc công khai, minh bạch trình tự, quy trình giải quyết và hướng dẫn cho người nộp thuế trong việc thực hiện chính sách và TTHC thuế. Đồng thời, xây dựng hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho quản lý thuế và cung cấp dịch vụ công trực tuyến qua mạng internet cho người nộp thuế (cung cấp cho doanh nghiệp nộp thuế tất cả các văn bản pháp luật, văn bản hướng dẫn về thuế, các thông tin cảnh báo về những rủi ro trong thực hiện nghĩa vụ thuế như: doanh nghiệp bỏ trốn, mất tích, hóa đơn không còn giá trị sử dụng...).
Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, đến cuối năm 2017 số thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế là 298 TTHC (số TTHC lĩnh vực thuế giảm từ 385 xuống còn 298), giảm 87 TTHC so với thời điểm 31/12/2015. Năm 2018, Tổng cục Thuế đã trình Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 2141cắt giảm 7 thủ tục, đơn giản 2 thủ tục liên quan đến: khai thuế GTGT đối với sản phẩm viễn thông; thủ tục khai khoản thu điều tiết và thủ tục hoàn thuế GTGT đối với một số sản phẩm máy móc; thủ tục khai thuế GTGT đối với cơ sở sản xuất thủy điện. Trong tổng số 298 Thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực thuế đều đã được chuẩn hóa và đã có tới 125 TTHC được thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và 4, Tổng cục thuế đang tiếp tục rà soát đơn giản hoá 30 thủ tục theo để nâng cao hơn nữa số lượng thủ tục hành chính đáp ứng dịch vụ công cấp công trực tuyến cấp độ 3, 4.
Bên cạnh đó, ngành thuế tiếp tục mở rộng hệ thống khai thuế qua mạng, đến nay đã triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% Chi cục Thuế trực thuộc. Phối hợp với 49 Ngân hàng thương mại đã hoàn thành kết nối NTĐT với Tổng cục Thuế và 63 Cục Thuế triển khai dịch vụ Nộp thuế điện tử. Đến nay, số lượng doanh nghiệp đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ với cơ quan thuế đạt tỷ lệ trên 98.10% số doanh nghiệp đang hoạt động. Mở rộng dịch vụ hoàn thuế điện tử tại 63 tỉnh, thành phố, tổ chức hỗ trợ cho các doanh nghiệp thực hiện thí điểm hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Hiện nay, Tổng cục thuế đã triển khai dịch vụ thuế điện tử Etax cho người nộp thuế tại 30 Cục Thuế, dự kiến đến hết Quý I/2019 sẽ hoàn thành việc triển khai áp dụng cho NNT trên cả nước.
Đáng chú ý, triển khai chỉ đạo của Chính phủ tại các Nghị quyết số 19/NQ-CP (từ năm 2014 đến 2017) về những nhiệm vụ, giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, với mục tiêu: đạt trung bình của nhóm nước ASEAN 4 về cải cách hành chính thuế, trong đó có nội dung yêu cầu phải cắt giảm số giờ Nộp thuế của Việt Nam xuống ngang bằng với mức trung bình của các nước ASEAN-6 là 171 giờ (trong đó thuế là 117 giờ, bảo hiểm xã hội là 49 giờ). Với các giải pháp đồng bộ cả về chính sách lẫn ứng dụng công nghệ thông tin, theo kết quả tính toán dựa trên Bảng tính toán số giờ Nộp thuế của Việt Nam, tính đến cuối năm 2016 thực tế số giờ Nộp thuế của Việt Nam đã giảm được 420 giờ, còn 117 giờ.
Với những nỗ lực kể trên, cải cách chính sách và TTHC thuế ở Việt Nam đã góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phát triển.
Doanh nghiệp vẫn “than” khó
Mặc dù đã có nhiều cải thiện, nhưng thuế vẫn là một trong những lĩnh vực có TTHC cần kiên trì cải cách và tiếp tục là trọng tâm trong thời gian tới.
Hiện tại, TTHC thuế của Việt Nam vẫn còn gần 300 thủ tục, trong đó nhiều thủ tục là quy định đối với doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh, đây chính là nguyên nhân chủ yếu khiến các doanh nghiệp Việt Nam gặp khá nhiều khó khăn, làm tăng chí phí khi thực hiện, qua đó ảnh hưởng tới xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam.
Bên cạnh đó, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, gữa các doanh nghiệp ở các thành phần kinh tế khác nhau, cụ thể là doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân phải tiêu tốn thời gian cho các thủ tục thuế và hải quan nhiều hơn so với khu vực doanh nghiệp nhà nước. Theo một nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có tới 34,1% doanh nghiệp khu vực tư nhân phản ánh phải bỏ ra trên 20% thời gian trong một tháng để giải quyết các thủ tục thuế và hải quan, trong khi con số này ở khu vực doanh nghiệp nhà nước chỉ là 14,7%.
Đánh chú ý, giữa các doanh nghiệp ở các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh khác nhau vẫn chưa có sự bình đẳng. Ví dụ, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đồng thời phải gánh nhiều loại thuế với mức thuế suất ngang bằng với các ngành nghề áp thuế đặc biệt, gồm: Thuế tiêu thụ đặc biệt 30% (ngang bằng với các dịch vụ hàng hóa như karaoke, rượu bia, thuốc lá...); 10% thuế giá trị gia tăng và 20% thuế thu nhập doanh nghiệp...
Cũng theo điều tra PCI của VCCI năm 2018, thuế là lĩnh vực có TTHC còn nhiều phiến hà đứng thứ hai trong số các lĩnh vực được khảo sát, và năm 2018 chưa có tín hiệu được cải thiện khi có cùng tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá của năm 2017 (28% doanh nghiệp), chỉ đứng sau lĩnh vực đất đai với 30% doanh nghiệp, và đứng trên nhiều lĩnh vực khác như bảo hiểm xã hội (25%), quản lý thị trường (16%), giao thông (15%) và xây dựng (14%). Cũng trong nghiên cứu này đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), thuế là lĩnh vực có TTHC phiền hà thứ ba với 25% doanh nghiệp đánh giá, chỉ đứng sau lĩnh vực Hải quan (28%) và Bảo hiểm xã hội (26%);...
Ngành thuế cần quyết liệt hơn nữa trong công tác cải cách
Để góp phần giảm bớt những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc thực hiện chính sách và TTHC thuế, theo ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp được VCCI tổng hợp, ngành thuế cần tiếp tục rà soát, loại bỏ hoặc đơn giản hóa các TTHC thuế không thực sự cần thiết; nâng cao chất lượng thông tin và tăng tính công khai, minh bạch trong thực hiện TTHC thuế góp phần giúp doanh nghiệp Việt Nam giảm bớt các chi phí trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Bên cạnh đó cần chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp; đồng thời, có sự trao đổi, xử lý thông tin giúp cải cách TTHC, mang lại lợi ích cho người nộp thuế như: Phối hợp với cơ quan đăng ký kinh doanh giúp hồ sơ đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp được giải quyết nhanh chóng; phối hợp với cơ quan đăng ký đất đai giúp giảm thời gian đi lại và thời gian giải quyết hồ sơ của người có quyền sử dụng đất; trao đổi thông tin với cơ quan Hải quan, giúp doanh nghiệp loại bỏ tờ khai hải quan khi thực hiện đề nghị hoàn thuế...;
Ngoài ra, trong bối cảnh kinh tế số ngày càng phát triển ngành thuế cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin khi thực hiện TTHC thuế, góp phần cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ hành chính công của Việt Nam và chất lượng hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Cùng với đó là việc phối hợp tăng cường quan hệ đối tác doanh nghiệp - thuế, doanh nghiệp - hải quan, xây dựng cơ chế đối thoại các cấp trong cơ quan thuế nhằm giải quyết nhanh nhất những vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình thực thực hiện thủ tục hành chính thuế.
Đặc biệt cần, quán triệt tới cán bộ toàn ngành Thuế tinh thần “lấy doanh nghiệp, người nộp thuế làm trung tâm và sự hài lòng của người nộp thuế là thước đo, là động lực của mình trong việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính thuế” để hướng tới mục tiêu cắt giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nộp thuế trong việc thực hiện thủ tục hành chính thuế từ khâu tra cứu, tiếp cận thông tin, đến lập hồ sơ, gửi và nhận kết quả.
Có thể thấy, trong bối cảnh hội nhập kinh tế diễn ra ngày càng sâu rộng như hiện nay, cải cách thủ tục hành chính nói chung và TTHC thuế nói riêng phù hợp với thông lệ quốc tế đối với một quốc gia là tất yếu khách quan, và Việt Nam không là ngoại lệ./.
Minh Phương