Doanh nghiệp và cơ quan quản lý cùng thúc đẩy phát triển lâm nghiệp 

(Chinhphu.vn) - Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) và Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) ký kết quy chế phối hợp trong lĩnh vực chế biến và thương mại lâm sản; quản lý rừng bền vững và chứng chỉ quản lý rừng bền vững.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Phát biểu tại Lễ ký kết quy chế phối hợp sáng nay (1/9) tại Hà Nội, ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, Tổng cục Lâm nghiệp và Viforest sẽ trực tiếp gặp gỡ để thông báo, trao đổi thông tin, tài liệu, trao đổi thông qua văn bản, điện thoại, hệ thống thư điện tử. Bên cạnh đó, tổ chức các đoàn công tác và cử cán bộ phối hợp, tổ chức các cuộc họp hàng năm, hai bên sẽ luân phiên tổ chức họp để đánh giá việc thực hiện các hoạt động đề ra mà hai bên đã thống nhất trước đó; đồng thời xây dựng kế hoạch phối hợp cho thời gian tiếp theo hoặc có thể tổ chức họp bất thường nếu thấy cần thiết.

Về nguyên tắc phối hợp, việc trao đổi thông tin và phối hợp công tác giữa hai bên phải trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bên; yêu cầu quản lý chế biến và thương mại lâm sản, quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, phù hợp với quy định của pháp luật. "Nội dung thông tin trao đổi và phối hợp công tác giữa hai bên được thực hiện theo Luật Lâm nghiệp và quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước", ông Điển nói.

Phát biểu tại lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá, đây là sự kiện hết sức quan trọng cho ngành lâm nghiệp. Từ năm 1986 đến nay, Việt Nam đã hình thành được hệ sinh thái khá đầy đủ về ngành kinh tế lâm nghiệp. Năm 2019, xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ và lâm sản nói chung đạt trên 11 tỷ USD. Năm nay, con số xuất khẩu dự kiến sẽ vượt 12 tỷ USD. Việt Nam hiện đang đứng đầu ASEAN, đứng thứ 2 châu Á, thứ 5 thế giới về xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ và lâm sản. Có được kết quả này là sự cố gắng vượt bậc. Bên cạnh đó, điểm rất đáng tự hào nữa là trước dây, Việt Nam "vừa chạy vừa xếp hàng", 80% nguyên liệu phải nhập khẩu, còn hiện nay cơ bản đã chủ động được nguồn nguyên liệu. "Chúng ta hình thành được hệ thống doanh nghiệp cả trong nước và doanh nghiệp FDI, đủ sức phát triển sâu ngành công nghiệp chế biến lâm nghiệp", người đứng đầu ngành nông nghiệp nhận định.

 

Toàn cảnh buổi ký kết - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, cách đây 10 năm không ai dám nghĩ Việt Nam xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ và lâm sản đạt 10 tỷ USD. Mục tiêu đến 2025 xuất khẩu đạt 20 tỷ USD gỗ, sản phẩm gỗ, lâm sản là trong tầm tay, thậm chí còn có thể cao hơn nữa. "Mong rằng sự phối hợp giữa Tổng cục Lâm nghiệp và Vifores là nền tảng, là cơ sở giữa cơ quan quản lý nhà nước và hiệp hội, phối hợp chặt chẽ để 3 khu vực Chính phủ, hiệp hội doanh nghiệp và người dân cùng vào cuộc với quyết tâm cao nhất để từng bước giúp Việt Nam đạt được kết quả xứng đáng “rừng là vàng”, không chỉ kinh tế phát triển mà còn đảm bảo sự bền vững quốc gia, bền vững đất nước”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam chia sẻ, ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam hiện đã trở thành một ngành phát triển năng động nhất hiện nay. Sự năng động thể hiện qua các chỉ số như kim ngạch xuất khẩu không ngừng tăng hàng năm, thường ở mức 2 con số. Ngành ngày càng có nhiều doanh nghiệp tham gia các khâu của chuỗi cung và một đội ngũ đông đảo các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu. Sự năng động của ngành còn thể hiện qua khía cạnh các doanh nghiệp xuất khẩu đáp ứng được các yêu cầu ngành càng nghiêm ngặt của thị trường xuất khẩu, về các khía cạnh như tính hợp pháp của gỗ, các khía cạnh về môi trường, xã hội, đặc biệt từ các thị trường lớn như Hoa Kỳ, châu Âu, Australia. "Tôi đánh giá Quy chế phối hợp giữa Tổng cục Lâm nghiệp và Vifores là một trong những bước đột phá trong việc hình thành các kết nối hiệu quả giữa cơ quan quản lý lâm nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh ngành gỗ đang có nhiều thay đổi", ông Lập nói.

Quy chế phối hợp sẽ tập trung vào trao đổi và phối hợp thông tin về chế biến thương mại lâm sản, quản lý rừng bền vững, chững chỉ rừng. Quy chế bao trùm toàn bộ các khía cạnh đang có sự phát triển năng động nhất và cũng bao gồm các khía cạnh hiện đang có nhiều rủi ro nhất, đòi hỏi cả cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan hoạch định và thực thi chính sách có sự quan tâm đặc biệt. Thực hiện quy chế có hiệu quả sẽ là hình mẫu trong việc xây dựng chính sách và thực thi chính sách, nhằm tăng cường cơ hội và giảm rủi ro, đặc biệt trong bối cảnh cung-cầu thế giới đang có rất nhiều biến động như hiện nay.

Đỗ Hương

207 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 559
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 559
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 78074432