'Doanh nghiệp tư nhân là hạt nhân phát triển của ngành nông nghiệp’ 

(Chinhphu.vn) – Theo Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát, Việt Nam hiện có 10 triệu hộ nông dân rất nhỏ, siêu nhỏ so với các hộ nông dân trên thế giới. Muốn phát triển nền nông nghiệp vững mạnh có khả năng cạnh tranh, cần phát triển vai trò hạt nhân là các doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân.

 

Ông Cao Đức Phát, Phó Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại Hội thảo.

Ông Cao Đức Phát nhấn mạnh điều này khi phát biểu chào mừng Hội thảo chuyên đề Nông nghiệp thuộc Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019 diễn ra sáng nay 2/5 tại Hà Nội.

Tại đây, hàng trăm chuyên gia, nhà quản lý, các doanh nghiệp tư nhân sẽ cùng thảo luận để đưa ra giải pháp tăng cường tính liên kết của các chủ thể trong sản xuất nông nghiệp, phát triển các doanh nghiệp đầu tàu, dẫn dắt chuỗi sản xuất, giải pháp thực hiện số hóa và hình thành dữ liệu lớn với chuỗi nông, lâm, thủy sản.

Hội thảo diễn ra trong bối cảnh nông nghiệp là ngành cung cấp những sản phẩm lương thực, thực phẩm thiết yếu nhất của người dân, cũng là một trong những ngành được quan tâm hàng đầu, dù tỷ trọng đóng góp trong GDP ngày càng giảm từ gần 40% những năm 1990 về dưới 15% tính đến hết 2018.

Theo ông Cao Đức Phát - Phó Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương, phiên hiến kế về nông nghiệp là một phần của Diễn đàn nhằm đánh giá kết quả 2 năm thực hiện các chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân.

"Tôi nhớ năm 2003, một vị lãnh đạo cấp khá cao thậm chí không dám đến thăm doanh nghiệp tư nhân vì sợ mang tiếng chệch hướng. Nhưng hôm nay chúng ta ở đây cùng nhau bàn thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân thành động lực quan trọng của nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp", ông Cao Đức Phát nói.

Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương cho hay, thời gian qua đã có nhiều chủ trương, giải pháp cho lĩnh vực nông nghiệp, nhưng nay nhìn lại thì các doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong khu vực này "còn rất mỏng"; trong số 500.000 doanh nghiệp hiện nay chỉ có 6.000 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Việt Nam hiện có 10 triệu hộ nông dân rất nhỏ, siêu nhỏ so với các hộ nông dân trên thế giới. "Ở Mỹ, một hộ có 500.000 ha chỉ 2 vợ chồng làm. Còn quê tôi Thái Bình, chỉ có khoảng 2.000 - 3.000 m2 cho một hộ gia đình. Muốn phát triển nền nông nghiệp vững mạnh có khả năng cạnh tranh cao trong giai đoạn mới thì không chỉ phát huy vai trò kinh tế hộ như đã làm thời gian qua, mà cần phát triển vai trò hạt nhân là các doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân", ông Cao Đức Phát nói.

Ngoài ra, theo ông các doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn nếu không có sự liên kết vững chắc. "Hôm nay chúng tôi kỳ vọng diễn đàn sẽ cùng nhau đánh giá lại môi trường kinh doanh trong nông nghiệp, giải pháp thúc đẩy chuỗi liên kết để tham mưu cho Đảng, Nhà nước", ông Phát nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc doanh nói, Việt Nam có lợi thế về phát triển nông nghiệp. Trong 30 năm đổi mới và nhất là từ khi triển khai thực hiện và thể chế hóa Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhiều chương trình, đề án và cơ chế chính sách đã được ban hành, trong đó tập trung và nổi bật là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Nông nghiệp, nông thôn đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng có ý nghĩa, hướng tới phát triển theo hướng hiện đại, bền vững và đang chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, tăng năng suất và chất lượng, phát triển sản phẩm có lợi thế; bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia; giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân nông thôn.

Trong 10 năm (2008 - 2017) tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp đạt bình quân 2,66% mỗi năm, năm 2018 đạt khoảng 3,76%; quy mô GDP của ngành năm 2017 gấp 1,25 lần năm 2008. Thị trường nông sản không ngừng mở rộng, xuất khẩu chuyển mạnh sang chính ngạch và hiện nông sản Việt Nam đã có mặt trên 185 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tổng kim ngạch xuất khẩu 10 năm (2008 - 2017) đạt 261,28 tỷ USD, tăng bình quân 9,24%/năm; năm 2018 đạt mức cao kỷ lục hơn 40 tỷ USD, tăng 23,55 tỷ USD so với năm 2008; đứng thứ 2 Đông Nam Á và thứ 15 thế giới, tăng bình quân 9,24%/năm. Trong đó, 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ một tỷ USD trở lên, với 6 nhóm mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD.

Theo ông Doanh, thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và do nhu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và hội nhập ngày càng sâu vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu; thời gian qua, sản xuất kinh doanh nông nghiệp theo chuỗi giá trị đã phát triển với nhiều nội dung, hình thức đa dạng.

Việc lựa chọn phương thức phát triển chuỗi giá trị các nhóm sản phẩm dựa trên các nguyên tắc: Lấy doanh nghiệp làm hạt nhân, liên kết với các thành phần trong chuỗi giá trị; bên cạnh vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp lớn, Nhà nước đặc biệt lưu ý đến phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp, các tổ chức của nông dân; lấy đây làm nền tảng và khâu trung gian quan trọng để kết nối nông hộ nhỏ vào các chuỗi giá trị nông nghiệp một cách toàn diện và bền vững.

Bên cạnh đó, các bộ ngành đang xây dựng liên kết chuỗi giá trị đồng bộ từ khâu đầu vào đến sản xuất, chế biến và tiêu thụ để kết nối với cả thị trường toàn cầu, thị trường khu vực và thị trường nội địa; đẩy mạnh áp dụng quy trình đạt tiêu chuẩn quốc tế, ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo năng lực cạnh tranh theo yêu cầu thị trường ở tất cả các công đoạn.

"Tuy vậy, nông nghiệp, nông thôn nước ta cũng vẫn đối mặt với nhiều khó khăn cố hữu và đang đứng trước những thách thức mới, như chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn sản phẩm thấp nên năng lực cạnh tranh của ngành nông nghiệp hạn chế; thị trường tiêu thụ nông sản hàng hóa thiếu ổn định...", Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói.

Sau phát biểu đề dẫn của lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hội thảo đi vào phần thảo luận với sự tham gia sôi nổi của các diễn giả.

Thanh Hằng

399 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 440
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 440
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87216362