|
Để hiểu đúng thế nào là một doanh nghiệp thành công có ý nghĩa quan trọng trong quá trình thành lập và vận hành một doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới – sáng tạo. - Ảnh minh họa |
Có ý kiến cho rằng đó là doanh nghiệp có số vốn kinh doanh lớn, có nhiều công ty con, có mạng lưới bán hàng rộng, có thương hiệu trên thị trường. Hoặc doanh nghiệp thành công là doanh nghiệp có doanh số lớn, nộp thuế nhiều, có số lượng cán bộ nhân viên, người lao động đông đảo. Cũng có ý kiến cho rằng doanh nghiệp thành công phải là doanh nghiệp kinh doanh có thị phần cả ở thị trường trong nước và ngoài nước. Có ý kiến nhấn mạnh đến lợi nhuận, cho rằng chỉ cần kinh doanh có lãi, có lợi nhuận là doanh nghiệp đã thành công.
Đối với doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, khi một doanh nghiệp khởi nghiệp có ý tưởng kinh doanh đổi mới sáng tạo, có đề án kinh doanh khả thi, đã thành lập và vận hành doanh nghiệp và đã có sản phẩm, dịch vụ trên thị trường. Trong trường hợp này doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới – sáng tạo đã được coi là thành công chưa?
Vậy “doanh nghiệp thành công” hiểu thế nào cho đúng?
Theo Luật Doanh nghiệp 2014, doanh nghiệp là một tổ chức kinh tế, có tài sản và tên riêng, có trụ sở giao dịch ổn định, được đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật để thực hiện các hoạt động kinh doanh trên trị trường. Còn kinh doanh là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi. Như vậy có thể hiểu ngắn gọn doanh nghiệp là là một tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận. Đây là khái niệm trên phương diện pháp luật, còn trên thực tế, có những doanh nghiệp hoạt động phi lợi nhuận.
Mặc dù hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận, tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào, và/hoặc không phải trong bất cứ giai đoạn hoạt động nào doanh nghiệp cũng đạt được mục tiêu lợi nhuận. Nếu không thu được lợi nhuận thì doanh nghiệp sẽ thua lỗ, ngừng hoạt động và thậm chí phá sản, chấm dứt hoạt động đầu tư kinh doanh. Như vậy xét theo nghĩa hẹp về khía cạnh mục tiêu kinh doanh có thể hiểu doanh nghiệp thành công là doanh nghiệp thực hiện hoạt động kinh doanh có hiệu quả, cụ thể là bán được hàng hóa/dịch vụ, có lãi, có lợi nhuận. Tuy nhiên, nhìn rộng hơn doanh nghiệp thành công có những đặc điểm riêng.
Các đặc điểm của doanh nghiệp thành công
Khái niệm doanh nghiệp thành công nêu trên chỉ xét về khía cạnh mục tiêu kinh doanh vị lợi (vì lợi nhuận), còn xét trong phạm vi rộng hơn, một doanh nghiệp thành công có ít nhất các đặc điểm như sau:
Có chiến lược kinh doanh đúng hướng. Chiến lược kinh doanh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định sự thành công của doanh nghiệp, bảo đảm cho doanh nghiệp tiếp cận được chính xác nhu cầu và xu thế phát triển của thị trường trong cả ngắn hạn và dài hạn. Mặc dù lợi nhuận là quan trọng nhưng thực tế cho thấy chiến lược kinh doanh mới là yếu tố quyết định thành công và thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường. Chiến lược kinh doanh thể hiện trước hết ở sứ mệnh, tầm nhìn và mục tiêu chiến lược của doanh nghiệp. Ngoài ra chiến lược kinh doanh phải xác định được năng lực cốt lõi của doanh nghiệp, lợi thế cạnh tranh để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ khác biệt thỏa mãn kỳ vọng, trải nghiệm của khách hàng. Dù có bao gồm những nội dung thế nào thì chiến lược kinh doanh, cụ thể là mục tiêu chiến lược kinh doanh đều phải hướng tới mục tiêu đạt được lợi nhuận cao nhất.
Có tư duy đổi mới – sáng tạo. Đây là yếu tố sống còn trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và toàn cầu hóa. Chỉ có với tư duy đổi mới sáng tạo thì doanh nghiệp mới có khả năng phát triển nhanh, bền vững; tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới, khác biệt; tạo ra mô hình, phương thức kinh doanh mới, độc đáo để tạo ra và chiếm lĩnh thị trường, thu lợi nhuận siêu ngạch. Tư duy đổi mới – sáng tạo giúp doanh nghiệp sáng tạo ra những gì chưa từng có, những điều chưa ai từng nghĩ đến, những khác biệt lớn lao để tạo nên sự đột phá chưa từng có từ trước đến bây giờ.
Có nguồn nhân lực chất lượng cao. Nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên môn hóa sâu, có năng lực phối, kết hợp hiệu quả bảo đảm cho việc đưa các ý tưởng đổi mới – sáng tạo, chiến lược, kế hoạch kinh doanh triển khai thành công trên thực tế, bảo đảm sản xuất ra các sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu thị trường với chi phí thấp nhất, ngoài ra còn có thể định hướng cho sự phát triển của thị trường trong tương lai.
Có công nghệ, quy trình sản xuất – kinh doanh hiện đại. Việc nắm bắt công nghệ tiên tiến, quy trình sản xuất hiện đại và áp dụng các công nghệ, quy trình đó vào sản xuất kinh doanh bảo đảm cho doanh nghiệp sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng, giá trị gia tăng cao, mẫu mã phong phú đáp ứng nhu cầu và thị hiếu tiêu dùng.
Có sản phẩm, dịch vụ đạt chất lượng chuẩn quốc tế, có thương hiệu được ghi nhận trên thị trường quốc tế. Sản phẩm, dịch vụ đạt chuẩn chất lượng quốc tế, đặc biệt là các sản phẩm thực phẩm, thực phẩm chức năng, dược phẩm tạo điều kiện cho doanh nghiệp có “giấy thông hành” để vươn ra thị trường quốc tế.
Có năng lực liên kết, hợp tác. Với sự chuyên môn hóa cao và phân công lao động ngày càng sâu sắc dưới tác động của cách mạng khoa học công nghệ, mỗi doanh nghiệp trở thành một khâu, mắt xích của chuỗi giá trị toàn cầu. Vì vậy doanh nghiệp cần có năng lực liên kết, hợp tác, tương tác với đối tác, khách hàng và cả với đối thủ cạnh tranh để cùng thành công (win-win). Đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp thì cần có sự tư vấn, giúp đỡ của người hướng dẫn có kinh nghiệm (mentor), của đối tác, của những người cùng chí hướng vì trong kinh doanh cũng dựa trên nguyên tắc: “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì phải đi cùng nhau”.
Các yếu tố trên trong mối quan hệ tương quan sẽ tạo ra văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp có tính chất đặc trưng của từng doanh nghiệp.
Để hiểu đúng thế nào là một doanh nghiệp thành công có ý nghĩa quan trọng trong quá trình thành lập và vận hành một doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới – sáng tạo. Trong cách nhìn hẹp đó là các doanh nghiệp triển khai thành công chiến lược, kế hoạch kinh doanh để đạt mục tiêu bán hàng, tăng doanh số, thu được lợi nhuận lớn nhất có thể. Trong cách nhìn rộng hơn đó là các doanh nghiệp có chiến lược kinh doanh phù hợp với trào lưu, xu thế phát triển mới của thị trường; có năng lực tổ chức kinh doanh trên cơ sở ứng dụng công nghệ và phương thức quản lý tiên tiến, hiện đại để tạo ra các sản phẩm có thương hiệu, có hàm lượng chất xám cao, khác biệt đáp ứng và định hướng thị trường; thu được lợi nhuận cao và tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh.
CEO Đặng Đức Thành
Chủ nhiệm Câu lạc bộ Các nhà kinh tế
Ủy viên BCH Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
Bài 4: Doanh nghiệp cần làm gì để khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành công