Doanh nghiệp nông nghiệp - động lực quan trọng của chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp 

(ĐCSVN) - Quán triệt Nghị quyết 26-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ưong Đảng khoá X về nông nghiệp, nông dân,nông thôn, Chính phủ đã ban hành Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp để thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, cải thiện và chăm lo đời sống nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội bền vững trên địa bàn nông thôn.

Sau hơn 6 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới và 3 năm triển khai cơ cấu lại nền sản xuất nông nghiệp, mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn nhưng nông nghiệp, nông thôn đã có nhiều khởi sắc toàn diện... Nhìn nhận về chuyển đổi cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chúng ta thấy đã có nhiều tiến bộ đáng ghi nhận trên nhiều mặt như: Quy hoạch phát triển nông nghiệp theo ngành và lĩnh vực. Phát huy thế mạnh của mỗi địa phương gắn với thị trường. Ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, liên kết sản xuất theo chuỗi… Chất lượng vật tư nông nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm được chú trọng… Nhờ vậy sản lượng, chất lượng hàng hoá nông nghiệp đều tăng mạnh, đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho nông dân.

Thành tựu to lớn ấy là sự đóng góp của cả hệ thống chính trị và trong đó có sự đóng góp bước đầu rất quan trọng của các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Nhiều nhà nghiên cứu, nhiều nhà quản lý khẳng định rằng hiện nay và trong tương lai doanh nghiệp nông nghiệp đang và sẽ có nhiều đóng góp quan trọng, tạo ra động lực chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp và nếu như được quan tâm phát triển, rất có thể nó sẽ là hạt nhân của tiến trình chuyển đổi cơ cấu nền nông nghiệp nước ta. Có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nền nông nghiệp sẽ dần dần thoát khỏi tình trạng sản xuất manh mún, lạc hậu, tự cung tự cấp, thiếu tính chủ động, xa rời thị trường và luôn luôn phụ thuộc vào thiên nhiên… Bởi vậy lúc này đây chúng ta cần đẩy mạnh hơn, phát triển nhiều hơn nữa doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Hiện nay, theo số liệu thống kê ban đầu, cả nước chỉ có 4.000 doanh nghiệp nông nghiệp và 12.000 hợp tác xã. Trong số này đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp đầu tư lớn, cơ bản ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm đáp ứng với thị trường trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, cũng còn rất nhiều các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đều nhỏ bé và đang gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại trong quá trình phát triển. Để khắc phục tình trạng này chúng ta cần có những giải pháp như: Nhà nước bên cạnh việc hoạch định chiến lược và chính sách phát triển lâu dài, trước mắt nên có nhiều chính sách cụ thể tháo gỡ khó khăn, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Đó là các chính sách tích tụ ruộng đất, đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn, hỗ trợ nguồn vốn, chuyển giao công nghệ nhất là công nghệ thông tin, công nghệ xanh, công nghệ sạch, phát triển nguồn nhân lực…

Đẩy mạnh hơn nữa vai trò kiến tạo của Nhà nước nói chung từ cấp Trung ương đến cấp cơ sở mà ở đây chúng tôi muốn nhấn mạnh vai trò kiến tạo ở hai khu vực. Một là, chính quyền địa phương phát huy cao độ vai trò kiến tạo của mình tham gia tích cực vào quá trình điều phối, bảo lãnh, thúc đẩy các mối quan hệ giữa doanh nghiệp với nông dân, tháo gỡ vướng mắc mà cả hai bên khó vượt qua được. Hai là, nâng cao hơn nữa vai trò tham mưu, chỉ đạo liên kết của các bộ chuyên nghành kịp thời quản lý có hiệu quả các quá trình phát triển sản xuất, tiêu thụ hàng hoá trong nước cũng như xuất khẩu ra nước ngoài…

Đẩy mạnh việc nghiên cứu khoa học công nghệ về nông nghiệp, nhanh chóng tiếp thu và chuyển giao các kinh nghiệm sản xuất và quản lý tiên tiến, tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp nông nghiệp với các cơ sở nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế.

Trên nền tảng các chính sách ưu đãi của Nhà nước và năng lực của bản thân mình, các doanh nghiệp cần chủ động, tích cực xác định rõ mục tiêu, định hướng đúng cho việc đầu tư vào nông nghiệp. Đầu tư vào nông nghiệp đòi hỏi phải năng động, kiên trì và ngày nay cần phải nắm vững các tiến bộ khoa học và gắn với thị trường.

Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ở nước ta mới ở bước khởi đầu, có nhiều doanh nghiệp thành công nhưng không ít các doanh nghiệp thất bại bởi vậy cần phải liên tục tổng kết rút ra các bài học kinh nghiệm để tiến trình phát triển ngày một tốt hơn. Đẩy mạnh hơn nữa việc biểu dương các điển hình doanh nghiệp phát triển tốt trên các phương tiện truyền thông./.

Xuân Hải

427 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 918
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 918
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87048317