Chiều 10/3, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến cho Đế án “Phát triển DNNN quy mô lớn, đặc biệt là Tập đoàn kinh tế Nhà nước đa sở hữu nhằm phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng trong thời kỳ mới”.
|
Khẳng định vai trò, vị thế của DNNN trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN (Ảnh: PV) |
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh tới các tiêu chí trọng yếu của DNNN, trong đó, nêu rõ, đó phải là những DN có tính chất mở đường, dẫn dắt, hướng tới làm chủ công nghệ số, cần thiết phải duy trì sự hiện diện của Nhà nước, gắn kết trong định hướng, phát triển DN. Hệ thống DNNN phải đổi mới và có tư duy táo bạo, đột phá hơn, từ đó dẫn dắt khối tư nhân tư nhân và các thành phần kinh tế khác nói riêng trong việc thực hiện mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đã chỉ ra, Việt Nam phát triển cường thịnh vào năm 2045.
Bộ trưởng mong muốn Hội nghị lần này sẽ là dịp các đại diện DN, các chuyên gia, các nhà quản lý cùng nhau cởi mở, thẳng thắn trao đổi, nhằm có những đề xuất, giải pháp hiệu quả hoàn thiện Đề án và đưa Đề án nhanh chóng vào thực tiễn.
Tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Mạnh Hùng thông tin về kết quả khảo sát thực trạng DNNN hiện nay ở nước ta. Theo đó, hiện, có 06 ngành quan trọng cần có vị trí vai trò của DNNN, bao gồm: năng lượng, tài chính ngân hàng, viễn thông, nông nghiệp, kết cấu hạ tầng và công nghiệp.
Cũng theo ông Hùng, Đề án tập trung vào 02 mục tiêu chính gồm có: (1)- củng cố, phát triển một số tập đoàn kinh tế quy mô lớn trên cơ sở hình thành các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị, thúc đẩy đổi mới sáng tạo với định hướng sử dụng hiệu quả nguồn lực chưa khai thác hết của DNNN, thu hút các nguồn lực của khu vực tư nhân để thực hiện vai trò dẫn dắt; (2)- hình thành cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi để Nhà nước/DNNN tham gia đầu tư phát triển trong một số ngành, lĩnh vực có tính chất mở đường, bứt phá nhằm thực hiện mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ngoài ra, Đề án còn góp phần cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý DNNN trong thời kỳ mới.
Trong khuôn khổ Hội nghị, đại diện của Tập đoàn Vietel nhấn mạnh tới hoạt động của DNNN ngoài hiệu quả kinh doanh về lợi nhuận còn phải vì lợi ích quốc gia, không chỉ là DN đầu đàn, có tác động “dẫn dắt” mà còn là nơi tập hợp nguồn lực xã hội. Cũng theo vị đại diện này, để hiện thực hóa được khát vọng hùng cường 2045, trở thành nước công nghiệp phát triển, nước ta chắc chắn phải trở thành một xã hội số với quá trình chuyển đổi số hiệu quả và làm chủ “công nghệ lõi”… cũng như tập trung phát triển hoàn thiện hệ thống logistic. “Nếu ví công nghệ số tạo ra dòng chảy số thì logistic tạo ra dòng chảy vật chất, hang hóa. Tất nhiên, trong quá trình đó không thể không nhắc đến tầm quan trọng của mạng lưới giao thông với kết cấu hạ tầng đồng bộ, tiên tiến, hiện đại”- đại diện Vietel nói.
Hầu hết các đại biểu tham dự Hội nghị đều nhất trí rằng, tiêu chí lựa chọn ngành, lĩnh vực cần hướng về tính chất mở đường hướng tới xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, bền vững; hướng tới làm chủ công nghệ và có đội ngũ nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0; có vai trò cần thiết trong quá trình phát triển, định hướng công nghiệp, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đặc biệt, cần thiết duy trì vai trò của Nhà nước; không cạnh tranh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác phát triển.
|
Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: HNV) |
Các đại biểu cũng nhất trí với đề xuất về hệ thống cơ chế, chính sách, trong đó, chú ý nghiên cứu, xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách theo hướng đổi mới quản lý của chủ sở hữu, tạo điều kiện cho DNNN được hoạt động bình đẳng, chủ động và cạnh tranh với các doanh nghiệp khác.
Song song là tiến hành trao quyền hoặc giao nhiệm vụ cho một số DNNN để phát triển các hạ tầng nền tảng để có thể ứng dụng kinh tế chia sẻ, đẩy mạnh phát triển công nghệ số trong tương lai với một số chính sách thử nghiệm có kiểm soát đối với các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới ứng dụng công nghệ số (sand box). Tăng cường đầu tư KHCN thông qua hình thức đầu tư mua công nghệ và tham gia mua cổ phần hoặc các dự án của nước ngoài đã có sẵn công nghệ để phát triển và làm chủ công nghệ.
Ngoài ra, xác định rõ một cơ quan có nhiệm vụ quản lý chung đối với hệ thống DNNN (như đưa ra các quy hoạch, định hướng chiến lược về DNNN gắn với định hướng phát triển DNNN; ban hành và sửa đổi các quy định pháp lý đối với DNNN, nắm chung về tình hình sản xuất kinh doanh và thực hiện kiểm tra, giám sát).
Bên cạnh đó, đầu tư hình thành một số DNNN hoặc tham gia phát triển các doanh nghiệp có công nghệ mới, có khả năng chiếm lĩnh thị trường và vươn ra thế giới (như: công nghệ môi trường, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, năng lượng mới, công nghệ gen, công nghệ vật liệu, công nghiệp an ninh an toàn mạng...) thông qua việc sử dụng nguồn lực của SCIC hoặc cùng phối hợp với các DNNN lớn.
Các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con (hơn 75 Tập đoàn, Tổng Công ty) mặc dù chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong nền kinh tế (khoảng gần 20% doanh nghiệp 100% vốn)nhưng lại chiếm phần lớn trong tổng tài sản, vốn chủ sở hữu của toàn bộ khối DNNN trên phạm vi cả nước (chiếm 92% tổng tài sản và 91% vốn chủ sở hữu). Các doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước có xu hướng tăng trưởng ổn định với tỷ suất ROE cao hơn so với các doanh nghiệp 100% vốn. Một số DNNN chiếm thị phần lớn trong một số lĩnh vực (như các DNNN lĩnh vực phát điện: chiếm 87% nguồn đặt, xăng dầu: khoảng gần 70%, viễn thông: 90%...). – Nguồn: Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
|