Doanh nghiệp Nga quan tâm thị trường Việt Nam 

(Chinhphu.vn) - Kim ngạch thương mại giữa Nga và Việt Nam được nhận định chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có và mối quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) sẽ là động lực hướng tới đạt kim ngạch hai chiều 10 tỷ USD vào năm 2020.
Hunter - mẫu xe được biết đến với cái tên "U-oát" huyền thoại đang có những bước đi đầu tiên trong việc quay lại thị trường Việt Nam. Ảnh: VNE

Bà Olga Koshev - Chủ tịch Tổ chức liên khu vực hỗ trợ và bảo vệ các doanh nghiệp vừa và nhỏ được TTXVN dẫn lời cho biết, Nga là thị trường lớn, đầy tiềm năng đối với doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh Nga đang bị phương Tây cấm vận và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EAEU đã có hiệu lực từ tháng 10/2016. Trên thực tế, nhiều doanh nhân Việt Nam hoạt động kinh doanh rất tốt trên thị trường Nga, song chủ yếu buôn bán tại các chợ và trung tâm thương mại. Trong khi đó, thị trường Nga cần nhiều mặt hàng xuất xứ từ Việt Nam như thủy hải sản, cà phê, rau củ, hàng may mặc, đồ gỗ…

Tuy nhiên, khi đưa hàng hóa Việt Nam sang Nga, các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn liên quan tới phương thức thanh toán, tỷ giá, một số vấn đề pháp lý, cũng như khoảng cách địa lý giữa hai nước khiến giá thành bị đội lên khó cạnh tranh với các quốc gia khác có lợi thế tương tự về chủng loại hàng hóa và mẫu mã.

Bởi vậy, bà Olga cho rằng để thâm nhập thành công thị trường Nga, doanh nghiệp Việt Nam cần phải đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng và giảm giá thành sản phẩm, đồng thời tăng cường quảng bá sản phẩm đến người dân Nga. Ngoài ra, bà Olga nhấn mạnh tổ chức do bà đứng đầu sẵn sàng tư vấn và hỗ trợ miễn phí cho doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường Nga.

Đánh giá về sức hút của thị trường, bà khẳng định các doanh nghiệp Nga rất quan tâm thị trường Việt Nam trong bối cảnh đồng ruble mất giá và các nhà sản xuất của Nga đang hướng ra các thị trường quốc tế. Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong chính sách của Nga “xoay trục” sang châu Á - Thái Bình Dương. Theo bà Olga, việc thâm nhập thành công thị trường Việt Nam, thành viên chủ chốt Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), sẽ giúp doanh nghiệp Nga tìm được chỗ đứng ở thị trường có khoảng 600 triệu dân này. Tuy nhiên, bà Olga cho biết hiện các doanh nghiệp Nga chưa nắm bắt được tiềm năng và nhu cầu tiêu dùng ở thị trường Việt Nam, do vậy tổ chức liên khu vực của bà mới đây đã tổ chức hội thảo để tìm giải pháp cho vấn đề này.

Ngoài ra, cũng theo bà Olga, Nga và Việt Nam cần xây dựng, củng cố và phát triển mối quan hệ giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa, bởi đây là lực lượng sẽ góp phần quan trọng hiện thực hóa mục tiêu của lãnh đạo hai nước trong việc nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 10 tỷ USD vào năm 2020.

(theo TTXVN)
469 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 769
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 769
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87071972