|
Nhiều công nhân tại TP. Hồ Chí Minh hy vọng năm nay công ty sẽ thưởng tết cao hơn năm ngoái. (Ảnh minh họa) |
Chúng tôi có mặt tại Khu công nghiệp Tân Bình (quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh) đúng lúc công nhân nườm nượp đổ ra đường giờ tan tầm. Gương mặt mệt nhoài sau một ngày làm việc, nhưng khi được hỏi về thưởng Tết năm nay, chị Lê Thị Nga (quê Nghệ An), công nhân may tại Khu công nghiệpTân Bình vui vẻ nói: Cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12, công ty mới công bố cụ thể mức lương thưởng Tết, nhưng mình hy vọng năm nay công ty sẽ thưởng khá do số lượng đơn hàng tăng 10- 15% so với năm trước. Nhận được tiền thưởng, nhất định mình sẽ về quê.
Cũng như chị Nga, hàng ngàn lao động khác tại TP.Hồ Chí minh cũng đang trong tâm trạng mong chờ lương thưởng Tết. Chị Minh Duyên (quê Quảng Ngãi) làm việc tại Khu chế xuất Linh Trung, mong mỏi: “Mấy hôm nay, thấy ban lãnh đạo công ty có họp để chốt lương thưởng Tết. Năm nay công ty ít đơn hàng hơn năm ngoái, chỉ sợ thưởng thấp hơn năm rồi. Mọi người hồi hộp lắm”.
Theo ghi nhận của phóng viên, đến thời điểm này, rất nhiều doanh nghiệp đã “úp mở” chuyện thưởng Tết.
Ông Nguyễn Thanh An - Chủ tịch công đoàn Công ty Việt Nam Samho (huyện Củ Chi) có 10.500 công nhân cho biết: "Tết âm lịch dự kiến công ty sẽ thưởng một tháng lương nếu người lao động làm đủ năm. Đối với người lao động làm việc không đủ năm thì tính theo tỷ lệ tháng làm việc. Dự kiến mức thưởng cao nhất cho công nhân trên 10 triệu đồng".
Ngoài ra Ban chấp hành công đoàn Công ty Việt Nam Samho đã thống nhất kế hoạch tổ chức chăm lo Tết cho đoàn viên công đoàn và người lao động tại công ty, cụ thể tặng những mặt hàng thực phẩm tết, tổ chức các môn thể thao mừng xuân 2020 gồm bóng đá nam, bóng đá nữ, cầu lông; Tặng quà tết công nhân nghèo có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ vé xe về quê ăn tết cho đoàn viên công đoàn đã làm việc công ty từ 3 năm trở lên có hộ khẩu thường trú cách TP.Hồ Chí Minh ít nhất 1.000 km, mức hỗ trợ 1.000.000 đồng/vé. Bên cạnh đó, công ty còn tổ chức chương trình họp mặt Tết sum vầy cho những công nhân bị bệnh nặng không thể về quê ăn Tết, tổ chức chương trình văn nghệ mừng xuân, rút thăm trúng thưởng…
Trong khi đó, ông Củ Phát Nghiệp- Chủ tịch công đoàn công ty TNHH Pou Yeun Việt Nam (quận Bình Tân) có 62.800 công nhân cho hay: “Hiện công ty đã chốt mức thưởng Tết cho người lao động, dự kiến đầu tháng 12/2019 sẽ công bố. Năm nay mức thưởng Tết của Công ty PouYeun cao hơn năm ngoái do tháng 1/2019 có điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng. Theo đó, thưởng Tết âm lịch thấp nhất 1 tháng lương, cao nhất 2,2 tháng lương. Song song đó, công đoàn công ty còn hỗ trợ 3.000 vé cho công nhân về quê ăn Tết.
Còn ông Nguyễn Thanh Huyên- Giám đốc Công ty TNHH Vincivina (quận 7) có hơn 50 công nhân thông tin: Năm nay công ty kinh doanh khá hơn năm ngoái nên dự báo thưởng Tết âm lịch cho cán bộ nhân viên từ 16-20 triệu đồng tùy vị trí. Đối với các vị trí chủ chốt, Công ty hỗ trợ mỗi người một cặp vé máy bay về quê ăn Tết.
Mức thưởng Tết cũng được duy trì tương đương mọi năm ở nhiều công ty, bà Lê Thị Vân Anh, phòng nhân sự một công ty tại quận 1, chia sẻ: Công ty hiện có 700 công nhân. Tết âm lịch công ty vẫn đảm bảo thưởng tháng thứ 13 cho công nhân. Dự báo, mức thưởng trung bình là 7-10 triệu đồng, cao nhất 40-50 triệu đồng tùy theo vị trí việc làm. Riêng Tết dương lịch công ty không có tiền thưởng mà chỉ tặng quà cho người lao động.
Đánh giá mặt bằng chung về mức thưởng Tết năm nay, một số giám đốc nhân sự cho rằng, tiền thưởng tết có khả năng cao hơn năm ngoái. Một số doanh nghiệp đang thiếu lao động nên sẽ tìm cách giữ lao động bằng cách khác ngoài tiền thưởng như: thuê xe đưa công nhân về quê ăn tết, tặng một quà…
|
TP.Hồ Chí Minh đề nghị giám sát chặt tình trạng chi trả lương, thưởng cho người lao động cuối năm
|
Theo đại diện Sở Lao động,Thương binh và Xã hội TP.Hồ Chí Minh, Sở vừa có công văn 38885/SLĐTBXH-LĐ về việc báo cáo tình hình tiền lương năm 2019 và kế hoạch thưởng Tết Canh Tý (2020).
Theo đó, Sở Lao động,Thương binh và Xã hội đề nghị các đơn vị liên quan triển khai đến doanh nghiệp trên địa bàn quản lý thực hiện tốt việc trả lương, trả thưởng cho người lao động trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Canh Tý. Theo đó, Sở đề nghị doanh nghiệp phối hợp, trao đổi với tổ chức công đoàn cơ sở rà soát lại hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, quy chế trả lương, quy chế thưởng để thực hiện các chế độ tiền lương, tiền thưởng đối với người lao động theo nội dung đã thỏa thuận; xây dựng phương án thưởng theo kết quả sản xuất kinh doanh năm 2019 theo Điều 103 Bộ luật Lao động và thông báo cho người lao động biết, cụ thể:
Thông tin sớm và đầy đủ kế hoạch trả lương, trả thưởng trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán trước ngày 31/12/2019 để người lao động rõ về các nội dung như: tiền lương, tiền thưởng, các khoản trợ cấp, hỗ trợ cho người lao động trong dịp Tết Nguyên đán (tặng quà tết, hỗ trợ vé tàu, xe cho người lao động về quê ăn tết,...), thời gian nghỉ Tết, nghỉ phép năm và thời điểm thực hiện trả lương, trả thưởng.
Các doanh nghiệp thực hiện chế độ ngày nghỉ Tết Nguyên đán phải đảm bảo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 115 Bộ luật Lao động. Trường hợp doanh nghiệp thực hiện ngày nghỉ Tết Nguyên đán kết hợp với ngày nghỉ phép năm thì phải thỏa thuận, đồng ý của người lao động và công khai trong doanh nghiệp trước khi thực hiện. Đảm bảo thanh toán đầy đủ, đúng thời hạn theo kế hoạch trả lương, trả thưởng trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán cho người lao động, không để xảy ra tình trạng nợ lương, nợ thưởng của người lao động dẫn đến nguy cơ tranh chấp, bất ổn trong quan hệ lao động tại doanh nghiệp…
Sở Lao động,Thương binh và Xã hội cũng đề nghị doanh nghiệp cần tăng cường rà soát, đánh giá toàn diện việc thực hiện các chế độ, chính sách pháp luật lao động đang thực hiện tại doanh nghiệp, nhất là chế độ tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, chế độ phúc lợi với người lao động, tổ chức làm thêm giờ; đảm bảo các chế độ của người lao động được thực hiện đúng thỏa thuận giữa các bên theo hợp đồng lâo động, thoả ước lao động tập thể, quy chế của đơn vị phù hợp với quy định của pháp luật lao động.
Trước đó, Bộ Lao động,Thương binh và Xã hội cũng yêu cầu 63 địa phương khảo sát tình hình nợ lương, thưởng và thưởng Tết Nguyên đán Canh Tý. Do Tết Nguyên đán về sớm hơn mọi năm nên hạn gửi báo cáo là ngày 20/12. Bộ Lao động,Thương binh và Xã hội yêu cầu thống kê 4 nhóm doanh nghiệp chính trong nền kinh tế, gồm: Công ty TNHH 1 thành viên do Nhà nước là chủ sở hữu, doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước, tư nhân, FDI.
Bộ Lao động,Thương binh và Xã hội cũng yêu cầu các địa phương khẩn trương yêu cầu các doanh nghiệp phối hợp với công đoàn cơ sở rà soát lại hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể, quy chế trả lương, tiền thưởng theo thoả thuậ và xây dựng phương án thưởng theo kết quả sản xuất, kinh doanh năm 2019 theo Điều 103 Bộ Luật Lao động 2012. Các địa phương chủ trì, phối hợp với Ban quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất nắm tình hình nợ lương 2019, tiền lương và kế hoạch thưởng theo kết quả sản xuất kinh doanh trong dịp tết Dương lịch 2020 và tết Nguyên đán Canh Tý cho người lao động ở các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất.
Về tình hình nợ lương năm 2019, Bộ Lao động,Thương binh và Xã hội đề nghị các địa phương tập trung vào lao động thuộc 4 nhóm: Dệt may, da giày, chế biến thủy sản và chế biến gỗ. Đặc biệt phân tách rõ các nguyên nhân gây nợ lương như: Chủ doanh nghiệp bỏ trốn, doanh nghiệp đóng cửa, doanh nghiệp khó khăn./.