Doanh nghiệp linh hoạt giải pháp để thích ứng 

Hiện nay, dịch COVID-19 đã và đang tác động mạnh tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, gây ra rất nhiều khó khăn. Để thích ứng với dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp đang tìm hướng đi riêng, kết hợp giữa bán hàng truyền thống và trực tuyến để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm bạn hàng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng được sự hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn và đón cơ hội phục hồi sau dịch bệnh COVID-19.

 

Theo ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10, trong tháng 4, doanh nghiệp thiếu hụt 30% đơn hàng, còn tháng 5 và tháng 6 thiếu hụt khoảng 60% do chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh.

Để chủ động thích ứng, May 10 đã mạnh dạn chuyển đổi sang may khẩu trang vải phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Tính chung, trong 1 tháng qua, Tổng công ty đã sản xuất được 5 triệu chiếc khẩu trang vải, doanh thu đạt 35 tỷ đồng. Song song với sản xuất khẩu trang vải, May 10 cũng chuyển đổi sang sản xuất khẩu trang y tế. Ngày 6/4, Tổng công ty May 10 đã nhập dây chuyển sản xuất khẩu trang y tế và đang tiến hành lắp đặt.

Hiện tại, May 10 đã có đối tác lớn đặt mua 400 triệu khẩu trang y tế, dự kiến, giao từ tháng 7/2020 với giá trị 52 triệu USD (tương đương 30% doanh thu trong năm nay). Ngoài ra, còn có một số đối tác đặt mua 20 triệu khẩu trang vải giao trong 6 tuần và 1 đối tác đã nhận 2 triệu khẩu trang vải, tiếp tục đặt 6 triệu chiếc khẩu trang y tế.

Một tín hiệu lạc quan cho xuất khẩu đồ gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam là do nguồn cung từ Trung Quốc bị gián đoạn vì dịch nên các khách hàng lớn từ Mỹ, EU, Australia, Nhật Bản… đang tìm kiếm những thị trường sản xuất ngoài Trung Quốc, trong đó có Việt Nam. Thêm vào đó, Việt Nam còn tham gia rất nhiều hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đặc biệt là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) mới được Nghị viện châu Âu phê chuẩn, có hiệu lực trong năm nay, sẽ tạo động lực để ngành gỗ phát triển khi thuế xuất khẩu sản phẩm vào EU sẽ giảm về 0%.

Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, ngành gỗ cần tận dụng cơ hội này và đẩy mạnh phát triển kênh thương mại điện tử, các doanh nghiệp đồ gỗ Việt Nam có thể giới thiệu sản phẩm tới các đối tác, khách hàng trên toàn cầu, thay vì phải tốn rất nhiều thời gian, công sức đi tiếp cận từng khách hàng, từng thị trường. Thông qua thương mại điện tử, đối tác nắm được mẫu mã, giá cả và năng lực sản xuất của doanh nghiệp đồ gỗ Việt Nam. Đây là hướng đi tất yếu, dài hạn đối với không chỉ ngành gỗ mà còn nhiều ngành hàng khác.

Đồng tình với phân tích này, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) chia sẻ, hiện nay, trên các sàn thương mại điện tử đều có sẵn ứng dụng B2C (từ doanh nghiệp tới khách hàng) lẫn B2B (doanh nghiệp tới doanh nghiệp), doanh nghiệp tham gia kinh doanh online trên các sàn thương mại điện tử đều có cơ hội quảng bá, tiêu thụ sản phẩm đến nhiều khách hàng trên thế giới một cách nhanh chóng, tiện lợi. Quan trọng hơn cả là doanh nghiệp có thể cắt được khâu trung gian, từ đó giảm giá thành sản phẩm, nâng cao giá trị thặng dư. Doanh nghiệp ngoài việc bán hàng theo hình thức truyền thống, phải kết hợp giữa trực tiếp (offline) và qua công nghệ (online) để tiếp cận nhiều khách hàng mới hơn.

Du lịch cũng là ngành chịu tác động lớn từ COVID-19 nên cũng không nằm ngoài xu thế chung, Tổng công ty Du lịch Hà Nội đang yêu cầu các khách sạn xây dựng và đưa vào các dịch vụ bán hàng online, tổ chức bữa ăn sạch cung cấp cho các đơn vị. Tổng công ty đang xây dựng các chương trình cụ thể, chuyển sang đào tạo online, thực hiện cải tạo, nâng cấp khách sạn... để chuẩn bị cho thời điểm hết dịch.

Là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực phân phối nội địa và xuất khẩu, ông Vũ Thanh Sơn, Tổng Giám đốc Tổng công ty Hapro cho biết, các thị trường trọng điểm của Hapro tại Mỹ, châu Âu, ASEAN đều bị ngừng trệ. Để vượt qua khó khăn, Hapro đang đẩy mạnh bán hàng online, giao hàng tại chỗ qua các ứng dụng hiện đại nên đang được phản hồi tốt. Hapro cũng chuyển một số mặt hàng xuất khẩu nước ngoài như gạo sang tiêu thụ tại thị trường nội địa; doanh nghiệp may mặc chuyển sang sản xuất khẩu trang kháng khuẩn có thể cung cấp 1 triệu khẩu trang/tháng.

Ảnh minh họa (Nguồn :www.baogiaothong.vn)

Nhìn chung, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, việc đẩy nhanh tốc độ và thích ứng nhanh chóng trong dịch COVID-19 bằng việc tối ưu hoạt động quản trị vận hành, tiết giảm chi phí là điều mà các doanh nghiệp Việt Nam cần ưu tiên để có thể tiên phong bứt phá trên thị trường. Chuyển đổi số sang bán hàng online trên các sàn thương mại điện tử cho thấy "trong cái khó ló cái khôn"- là một trong những chìa khóa giúp doanh nghiệp giải quyết vấn đề hiện nay.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đồng hành cũng doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn trong lúc này, cụ thể là Chỉ thị 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ mới được ban hành gần đây như một làn gió mới giúp các doanh nghiệp tự tin hơn để ổn định sản xuất, kinh doanh, vượt qua khó khăn do dịch COVID-19 gây ra. Ở góc độ địa phương, ngày 7/4, UBND thành phố Hà Nội ban hành Chỉ thị số 06/CT-UBND về việc tập trung thực hiện quyết liệt một số giải pháp trong quản lý đầu tư, xây dựng để nâng cao hiệu quả đầu tư công, hỗ trợ doanh nghiệp, nhân dân, ổn định sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội do tác động của dịch COVID-19./.

 
Nam Giang/TTXVN
256 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1530
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1530
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88994848