Doanh nghiệp hiện đại cần hướng đến phát triển bền vững và liêm chính 

(Chinhphu.vn) - Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2019, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã kiến nghị ba vấn đề về môi trường kinh doanh.

 

Khẳng định cần những giải pháp xây dựng cộng đồng doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ, góp phần phát triển triển kinh tế bền vững trong bối cảnh hội nhập, Chủ tịch VCCI cho rằng, phát triển bền vững, kinh doanh liêm chính và có trách nhiệm là lẽ sống của doanh nghiệp trong thời hiện đại. 

 
 

Việt Nam cũng đã xây dựng chương trình quốc gia và thành lập hội đồng quốc gia về phát triển bền vững, vấn đề này cũng đã được lồng ghép vào các chiến lược phát triển kinh tế xã hội. 

 
 

Ông Vũ Tiến Lộc kiến nghị ba vấn đề để cải thiện môi trường kinh doanh.

 

Thứ nhất, VCCI đã chỉ ra 20 điểm chồng chéo lớn của pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, đấu thầu.

 
 

“Các bộ ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp cũng thừa nhận những điểm chồng chéo này. Nhưng chúng ta giải quyết rất chậm chễ”, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

 
 

Do đó, Chủ tịch VCCI đề nghị Chính phủ chủ trì cùng Uỷ ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội cùng các bộ ngành liên quan xem xét cụ thể từng điểm chồng chéo. 

 
 

“Tôi đề nghị, làm theo cách dùng 1 luật sửa nhiều luật, dùng 1 nghị định sửa nhiều nghị định, tháo gỡ ngay những điểm chồng chéo này để mở đường cho đầu tư phát triển. Nếu tháo gỡ được những điều này thì chúng ta có thể huy động được nguồn lực từ toàn dân, đẩy nhanh tiến độ đầu tư. Hiện thủ tục cấp phép đầu tư kéo dài 2-3 năm, nếu có thể hoàn thành trong 6 tháng hay sớm hơn 1 năm thì toàn bộ quá trình đầu tư sẽ nhanh hơn rất nhiều”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

 
 

Đặc biệt, TS. Vũ Tiến Lộc nhận định, nếu tháo gỡ được những điểm chồng chéo “mở đường” cho đầu tư, tăng trưởng nền kinh tế sẽ có thể đạt tốc độ cao hơn, có thể lên tới 9-10%, do đó, đây là điều cần ưu tiên xử lý sớm so với các công việc khác.

 
 

Thứ hai, Chủ tịch VCCI đề nghị chính thức hoá hộ kinh doanh, đưa hộ kinh doanh thành đối tượng điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp với tư cách là loại hình doanh nghiệp một chủ theo thông lệ quốc tế.

 

Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, đây cũng là mục tiêu thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

 

Theo đó, mỗi hộ kinh doanh đều được đăng ký bởi một cá nhân đại diện cho hộ, tức là về bản chất, hộ kinh doanh chính là doanh nghiệp một chủ theo khái niệm chung của thế giới. 

 
 

Thực tế, nhiều hộ kinh doanh hiện tại đang có quy mô và số lao động được sử dụng thậm chí còn lớn hơn các công ty. Đó là một trong những khiếm khuyết lớn nhất trong hệ thống pháp luật về doanh nghiệp hiện hành.

 
 

Thứ ba, ông Vũ Tiến Lộc đề nghị sớm hoàn thành khung pháp lý về hợp tác công tư (PPP). “Hoàn thành khung pháp lý về PPP đảm bảo minh bạch, an toàn, huy động được nguồn lực xã hội không chỉ với các dự án hạ tầng, mà còn các đề án sản xuất kinh doanh”, Chủ tịch VCCI nói. 

 
 

Đại diện cộng đồng doanh nghiệp cho rằng: Hiện các doanh nghiệp tư nhân lớn đang đầu tư vào các ngành kinh tế mũi nhọn như sản xuẩt ô tô, công nghệ thông tin… Đây là những lĩnh vực không chỉ kinh tế mà là an ninh quốc phòng, do đó, cần khung khổ pháp lý hoàn thiện thúc đẩy hình thức đối tác công tư phát triển.

 
 

Dưới góc độ cơ quan quản lý, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp đã có những thay đổi lớn, tinh thần khởi nghiệp kinh doanh ngày càng mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, số doanh nghiệp thành lập mới liên tục tăng cao trong 5 năm qua…

 

Một số tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân có quy mô, tiềm lực lớn như Vingroup, Trường Hải, SunGroup, FLC, Vietjet... đã xuất hiện và  tham gia mạnh mẽ vào các lĩnh vực vốn trước đây chủ yếu do khu vực nhà nước và FDI đảm nhận.

 

“Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, doanh nghiệp vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn,  hạn chế, nhất là các điểm nghẽn trong phát triển”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, hệ thống thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách và quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp còn nhiều tồn tại và bất cập. Chất lượng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh chưa thực chất, chưa đáp ứng được yêu cầu. Một số chính sách quan trọng đã được ban hành nhưng chậm đi vào cuộc sống, chưa có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành.

 

Với trách nhiệm là cơ quan tham mưu tổng hợp của Chính phủ trong lĩnh vực phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư  gợi mở 5 định hướng và giải pháp.

 
 

 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: VGP.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trước hết, cần có cơ chế chính sách tập trung phát triển doanh nghiệp để có lực lượng doanh nghiệp quy mô lớn, tạo ra các sản phẩm chiến lược của quốc gia, khẳng định được thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế.

 

Hơn nữa, các doanh nghiệp lớn này cần có một sợi dây, một cơ chế liên kết với nhau để tạo ra sức mạnh tổng hợp,  trở thành cơ chế đóng góp và xây dựng chính sách; đóng vai trò đầu tàu dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước tham gia và các mạng lưới sản xuất, chuỗi cung ứng, đưa doanh nghiệp Việt Nam lên nấc thang mới trong chuỗi giá trị toàn cầu. 

 

Thứ hai, cần đẩy mạnh cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, lấy sản xuất, chế biến chế tạo là trọng tâm trên cơ sở tận dụng cơ hội của cuộc cách mạnh lần thứ 4 để tái cấu trúc doanh nghiệp theo hướng bền vững, sáng tạo. 

 

Thứ ba, xây dựng và hoàn thiện chính sách đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng. Cùng với đó là chính sách thu hút và phát triển các công nghệ hiện đại nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng, sức cạnh tranh, thân thiện với môi trường.

 

Thứ tư, cần tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là việc đảm bảo quyền đối với nhà đầu tư cần tiếp tục được tăng cường để ngày càng khuyến khích người dân tham gia vào hoạt động kinh doanh, không hình sự hóa các hoạt động kinh tế nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

 

Cuối cùng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, chính cộng đồng doanh nghiệp cũng cần chủ động đổi mới tư duy kinh doanh, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, nâng cao năng lực quản trị, năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ; đoàn kết sức mạnh để cùng tạo dựng thương hiệu Việt Nam trên thị trường quốc tế.

 
 

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh đến trách nhiệm của doanh nghiệp với cộng đồng, với xã hội, hướng tới tăng trưởng nhanh và bền vững.

 
 

“Các doanh nghiệp cũng cần có những suy nghĩ trăn trở cùng với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, tìm các giải pháp, hướng đi mạnh dạn, đột phá, sáng tạo và hiện đại, không chỉ để tự lớn mạnh mà còn đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước, vươn ra thị trường thế giới, tạo lập và khẳng định thương hiệu của chính doanh nghiệp, từ đó, xây dựng thương hiệu quốc gia”, ông Nguyễn Chí Dũng nói.

 

Anh Minh

269 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1377
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1377
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87113264