|
Toàn cảnh Diễn đàn VBF sáng 4/12. |
Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) sáng 4/12, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh rằng cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao nỗ lực cải cách của Chính phủ trong năm qua, đặc biệt là ở 2 điểm sáng nhất: Chương trình cải cách hành chính, cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành cùng những nỗ lực bước đầu trong việc xây dựng Chính phủ điện tử và nền kinh tế số.
Tuy vậy, kết quả vẫn chưa được như kỳ vọng. Tính đến tháng 9 năm 2018, vẫn có tới 58% doanh nghiệp (theo khảo sát của VCCI) vẫn phải “xin” các loại giấy phép kinh doanh có điều kiện và 42% doanh nghiệp trong số đó cho biết họ gặp khó khăn khi xin giấy phép và chỉ có 13% thủ tục đăng ký kinh doanh được tiến hành trực tuyến, 68 thủ tục kiểm tra chuyên ngành có thể thực hiện được trên cổng thông tin một cửa quốc gia…
Để doanh nghiệp phải hạn chế 'trình bẩm'
Để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, VCCI kiến nghị 5 nhóm giải pháp, mà trước hết là nghị cần sớm có tiêu chí thống nhất về tiêu chuẩn của điều kiện kinh doanh để bảo đảm thực thi có hiệu quả và nhất quán việc cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành.
Về cải cách thủ tục hành chính, mô hình trung tâm một cửa liên thông ở cấp bộ nên được nhân rộng và cần nghiên cứu các phương án liên thông tối đa các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của nhiều cơ quan khác nhau.
“Theo đó, nên quy định doanh nghiệp chỉ cần nộp hồ sơ tại một cơ quan nhà nước và những thông tin về doanh nghiệp sẽ trao đổi tự động giữa các các cơ quan khác khi có yêu cầu mà không cần doanh nghiệp phải trình bẩm mỗi nơi một bộ hồ sơ. Đồng thời cũng cho phép doanh nghiệp làm nhiều thủ tục cùng một lúc, hạn chế tối đa việc phải hoàn thành xong thủ tục này mới được bắt đầu làm thủ tục khác”, ông Vũ Tiến Lộc phát biểu.
Về thanh, kiểm tra, các cuộc thanh tra theo kế hoạch phải được thông báo trước cho cơ quan thanh tra tỉnh để sắp xếp và bố trí nhằm đạt 3 mục tiêu: (1) giảm số lần và thời gian thanh, kiểm tra; (2) không thanh, kiểm tra trùng lặp; (3) tăng tối đa số đoàn liên ngành, thay vì mỗi đơn vị tiến hành riêng lẻ.
Cùng với đó, các bộ, ngành và địa phương cần tăng cường công khai minh bạch thông tin trên website cơ quan chính quyền, đặc biệt là việc đăng tải đầy đủ các thông tin như các quy hoạch, kế hoạch phát triển, các dự án đầu tư công, đấu thầu, các dự án kêu gọi đầu tư, các dự án đối tác công tư...
“Điều cuối cùng chúng tôi muốn nói là dù Việt Nam đã làm được nhiều việc trong cải thiện môi trường kinh doanh, nhưng kết quả cải cách vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Chúng tôi ủng hộ các chương trình cải cách quyết liệt hơn của Chính phủ và Thủ tướng chính phủ trong đó có hai mũi giáp công rất quan trọng là việc cắt giảm thủ tục hành chính phiền hà và thực hiện chính phủ điện tử”, Chủ tịch VCCI phát biểu.
Hàng loạt kiến nghị gửi các cơ quan
Trong khi đó, 70 nhóm vấn đề đã được các hiệp hội, nhóm công tác của Diễn đàn gửi tới các bộ, ngành.
Văn phòng Chính phủ nhân được 8 nhóm vấn đề, trong đó tập trung vào các vấn đề về những chậm trễ trong cải cách doanh nghiệp nhà nước; các quy định thiếu hấp dẫn trong thu hút FDI ngành khai khoáng... cũng như các tồn tại liên quan đến kiến tạo môi trường kinh doanh, cải các thủ tục hành chính.
Thanh tra Chính phủ nhận được 2 nhóm ý kiến, chủ yếu liên quan đến việc thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi khi các doanh nghiệp sẽ phải áp dụng các quy định về quy tắc ứng xử và áp dụng cơ chế kiểm soát nội bộ. Nhóm Quản trị và Liêm chính của VBF cho rằng, có nhiều quy định không hợp lý.
Bô Kế hoạch và Đầu tư nhận dược các đề xuất, kiên nghị liên quan đến Luật Hợp tác công – tư (PPP) do những quy định hiện hành chưa rõ ràng, chưa thúc đẩy các nhà đầu tư tham gia hình thức đầu tư này.
Trong 5 nhóm kiến nghị còn lại gửi tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư cũng đang thu hút nhiều câu hỏi, đề xuất.
“Việc thiếu định nghĩa rõ rầng về một số thuật ngữ chính được sử dụng trong Luật Đầu tư như khái niệm ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư ước ngoài; điều kiện đầu tư kinh doanh... khiến có sự khác biệt trong sử dụng các thuật ngữ này”, Nhóm công tác Đầu tư và Thương mại gửi kiến nghị tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Bộ Công Thương nhận được 3 nhốm kiến nghị, liên quan đế đầu tư vào ngành điện, năng lượng; quy định về cấm kinh doanh rượu vàng và rượu mạnh trên Internet và các vấ đề về năng lượng mới.
Có 6 vấn đề được gửi tới Bộ Giao thông vận tải, xung quanh nội dung về cơ sở hạ tầng và dich vụ hàng không, quy định về kiểm soát khí thải xe máy, các quy định liên quan đến trung tâm kiểm định cũng như quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong sản xuất lắp ráp ô tô...
Bộ Tài chính nhận được 4 nhóm ý kiến liên quan đén thuế, hải quan, những quy định đang cản trở sự thuận lợi trong thương mại và luồng hàng hóa...
Cấm kinh doanh rượu bia trên Internet là đi ngược xu thế?
Kiến nghị đến diễn đàn VBF, Hiệp hội các doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho rằng rượu hiện đang được phép kinh doanh mua, bán trên thị trường nhưng rượu từ 15 độ cồn trở lên lại bị cấm bán trên Internet theo quy định tại Nghị định 105 năm 2017 về kinh doanh rượu; đề xuất tại Điều 20 của Dự thảo Luật phòng chống tác hại rượu bia.
“Kinh nghiệm quốc tế cho thấy việc cho phép bán rượu, bia trên Internet hoàn toàn không làm tăng tiêu thụ các sản phẩm này, trong khi đó lại giúp cho việc kiểm soát tiêu thụ rượu bia trên thị trường tốt hơn, hạn chế người chưa đủ tuổi, giáo dục và cung cấp các thông tin về sản phẩm, và ngăn chặn việc kinh doanh các sản phẩm bất hợp pháp”, EuroCham nêu.
Cụ thể, hiệp hội này cho rằng việc cho phép bán rượu trên Internet giúp hạn chế người mua chưa đủ tuổi, vì việc mua hàng hoá qua Internet đòi hỏi người mua phải có số tài khoản hoặc thẻ ngân hàng hợp pháp để thanh toán.
Cùng với đó, người tiêu dùng có thể dễ dàng tiếp cận những thông tin đầy đủ, chính xác về sản phẩm (nguồn gốc xuất xứ, nồng độ cồn, chủng loại, nhà nhập khẩu hoặc phân phối được cấp phép) và những thông tin chỉ dẫn hướng dẫn sử dụng rượu một cách có trách nhiệm (không cung cấp rượu có cồn cho trẻ dưới 18 tuổi) và cho khách hàng sự lựa chọn sản phẩm phù hợp.
Theo EuroCham, việc cấm bán rượu trên mạng Internet hiện đang tạo cơ hội cho những sản phẩm không rõ nguồn gốc tiếp cận với người tiêu dùng. Sản phẩm sẽ không được đảm bảo về nguồn gốc và xuất xứ của sản phẩm như khi mua tại các nhà phân phối chính thức.
“Việc cho phép mua rượu trên mạng Internet sẽ giúp cho người tiêu dùng có được sự lựa chọn tốt hơn và đảm bảo hơn đối với những sản phẩm họ mua. Đồng thời mua bán trên internet có khả năng lưu giữ dữ liệu giúp cho Chính phủ kiểm soát các hoạt động thương mại và mức độ tiêu thụ rượu, bia”, EuroCham nêu.
Ngoài ra, thương mại điện tử cũng giúp cho Chính phủ theo dõi và thu thuế tốt hơn vì dữ liệu các giao dịch thường được lưu lại và thanh toán thường được thực hiện thông qua ngân hàng. Với những lợi ích trên, nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Anh và Mỹ, đều cho phép bán rượu trên Internet.
“Việc cấm bán rượu, bia trên Internet sẽ khiến Việt Nam đi ngược lại với xu thế chung trên thế giới và khu vực”, EuroCham nêu.
|
Thành Đạt