Ảnh minh họa (Nguồn: K.D)
Trên thực tế công tác thanh tra, kiểm tra vẫn được các cấp triển khai đồng bộ, nhưng các vụ vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn diễn ra hết sức phức tạp. Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và bảo về người tiêu dùng, Bộ Công Thương cho biết: khó khăn đầu tiên là thay đổi tư duy của người dân, thuyết phục bà con nuôi trồng phải đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt. Tất cả sản phẩm đều được kiểm soát chất lượng chặt chẽ… Theo ông Tuấn, kinh doanh thực phẩm an toàn còn nhiều rủi ro bởi cùng với đầu tư cơ sở vật chất, còn nhiều nguyên nhân khách quan khác.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Hiệp hội phát triển chợ Việt Nam từng chia sẻ, thực phẩm an toàn tại các chợ cũng vô cùng khó khăn nhất là các chợ chưa chuyển đổi sang HTX, gần như bị bỏ ngỏ và bế tắc vì hạ tầng quá xuống cấp nên không được quan tâm. Chuyển đổi chợ lại chưa làm quyết liệt phải chờ sự ủng hộ của dân. Trong khi đó, theo thống kê của Bộ Công Thương, hiện có gần 70% kinh doanh tại chợ là mặt hàng tươi sống; đại bộ phận người tiêu dùng vẫn còn có thói quen mua hàng ở các chợ truyền thống mà chất lượng thực phẩm chưa qua kiểm duyệt.
Ông Trần Mạnh Chiến, Giám đốc Công ty TNHH Vinagap Việt Nam (Bác Tôm) cũng cho rằng, để thúc đẩy bà con chuyển đổi mô hình sản xuất truyền thống sang sản xuất an toàn không dễ. Doanh nghiệp phải luôn có đội ngũ nhân viên sát cánh cùng nông dân, thuyết phục họ từ ban đầu sản xuất đến thu hoạch, đặc biệt làm sao để có nguồn cung thực phẩm sạch ổn định… Điều này rất khó và phải rất khéo không họ có thể quay về thói quen sản xuất cũ.
Vậy làm sao để xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp? Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng: để xây dựng được thương hiệu, doanh nghiệp cần xây dựng được niềm tin của người tiêu dùng, quan trọng nhất là chất lượng sản phẩm và cách ứng xử với người tiêu dùng. Song theo ông Hùng không phải lúc nào doanh nghiệp làm ăn chân chính cũng gặp được người tiêu dùng, còn người làm giả thì rất dễ đánh lừa người tiêu dùng. Do đó, quan trọng là cần có thông tin để người tiêu dùng xác định được sản phẩm mình mua.
Để làm được điều này, theo ông Hùng, bên cạnh công tác thanh tra, kiểm tra, Nhà nước cần khuyến khích tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm an toàn, cung cấp cho người tiêu dùng. Doanh nghiệp cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học quản lý hiện đại, tuân thủ nghiêm các quy định về chất lượng sản phẩm, nhãn mác và lấy người tiêu dùng làm trọng tâm. Cùng với đó cần tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền nhằm nâng cao kiến thức cơ bản cho chủ doanh nghiệp và người lao động trong việc sản xuất ra các sản phẩm thực phẩm an toàn. Doanh nghiệp nên kết nối cung cầu về sản phẩm thông qua các chuỗi và tạo đầu ra thông qua hệ thống phân phối trong nước./.
Kim Dung