(Ảnh minh họa)

Số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài chỉ rõ, sự sụt giảm thể hiện ở cả xuất khẩu và nhập khẩu và vốn thực hiện so với cùng kỳ năm 2019. Tính đến 20/8/2020, vốn thực hiện tiếp tục giảm, chỉ bằng 94,9% cùng kỳ, đạt 11,35 tỷ USD. Ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 11,45 tỷ USD, bằng 95,7% so với cùng kỳ năm 2019. 

Xuất khẩu (kể cả dầu thô) của khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chỉ đạt 113,3 tỷ USD, bằng 95,5% so với cùng kỳ. Nhập khẩu của khu vực này đạt gần 90,8 tỷ USD, bằng 94,7% so cùng kỳ năm 2019.

Vốn góp của các nhà nhà đầu tư nước ngoài theo hình thức góp vốn mua cổ phần vẫn tiếp tục giảm, làm giảm tổng vốn đầu tư thu hút được trong 8 tháng đầu năm. Có 4.804 lượt góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài (giảm 8,2%), tổng giá trị vốn góp 4,93 tỷ USD (bằng 51,8% so với cùng kỳ).

Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, hiện, vẫn có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm và có nhu cầu đầu tư vào Việt Nam. Nhưng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, việc đi lại của các nhà đầu tư cũng như các quyết định đầu tư mới và mở rộng quy mô dự án FDI tiếp tục bị ảnh hưởng.

So với cùng kỳ năm 2019, số dự án FDI mới và số vốn đăng ký mới, vốn góp mua cổ phần và số dự án điều chỉnh vốn cũng sụt giảm. Có 1.797 dự án FDI mới (giảm 25,3%), tổng vốn đăng ký đạt 9,73 tỷ USD (tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2019). Vốn đầu tư tăng chủ yếu là do Dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu được cấp GCNĐKĐT mới với tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD (chiếm 41,1% tổng vốn đăng ký mới).

Tính đến 20/8/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoàiđạt 19,54 tỷ USD, bằng 86,3% so với cùng kỳ năm 2019. 

Có 718 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (giảm 20,9%), tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 4,87 tỷ USD (tăng 22,2%). Vốn điều chỉnh trong 8 tháng tăng do có Dự án tổ hợp hoá dầu miền Nam (Việt Nam) tại Bà Rịa - Vũng Tàu (Thái Lan) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 1,386 tỷ USD và Dự án Khu trung tâm đô thị Tây Hồ Tây (Hàn Quốc) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 774 triệu USD.

Như vậy, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tính đến 20/8/2020 đạt 19,54 tỷ USD, bằng 86,3% so với cùng kỳ năm 2019.

“Kết quả trên tuy giảm sút so với cùng kỳ, nhưng xét trong bối cảnh đầu tư toàn cầu suy giảm rất mạnh do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 thì kết quả này tốt hơn nhiều quốc gia khác, thể hiện sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt giới đầu tư quốc tế” - Cục Đầu tư nước ngoài nhận định.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 9,3 tỷ USD, chiếm 47,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư trên 4 tỷ USD, chiếm 20,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản, bán buôn bán lẻ với tổng vốn đăng ký gần 2,87 tỷ USD và 1,21 tỷ USD.

Tính lũy kế đến ngày 20/8/2020, cả nước có 32.539 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 381,2 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 223,1 tỷ USD, bằng 58,5% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Cụ thể, thống kê về số lượng dự án, nơi có nhiều dự án FDI nhất vẫn là TP. Hồ Chí Minh dẫn đầu (669 dự án); Hà Nội đứng thứ hai (377 dự án); Bắc Ninh đứng thứ ba (110 dự án). Tuy nhiên, tỉnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhiều nhất vẫn là Bạc Liêu vì nơi đây có 1 dự án lớn có vốn đầu tư 4 tỷ USD, chiếm 20,5% tổng vốn đầu tư đăng ký. Hà Nội đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký đạt 2,86 tỷ USD, chiếm gần 14,6% tổng vốn đầu tư (trong đó đầu tư chủ yếu theo phương thức mở rộng dự án hiện có và góp vốn mua cổ phần, chiếm lần lượt 42,3% và 41,7% tổng vốn đầu tư đăng ký của Hà Nội).

Trong khi đó, thống kê về tổng số vốn đầu tư, TP. Hồ Chí Minh đứng thứ 3 với 2,62 tỷ USD, chiếm 13,4% tổng vốn đầu tư (trong đó đầu tư theo phương thức góp vốn mua cổ phần chiếm tỷ trọng lớn, chiếm 75,7% tổng vốn đầu tư của thành phố); tiếp theo lần lượt là Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Hải Phòng…

Cũng theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính lũy kế đến ngày 20/08/2020, cả nước có 32.539 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 381,2 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 223,1 tỷ USD, bằng 58,5% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực./.

 
HA.NV