Doanh nghiệp EU mong muốn Chính phủ tiếp tục có những cải cách về hành chính thuế và hải quan 

(ĐCSVN) – Ngày 16/5 tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo về những thay đổi trong quy định thuế và hải quan do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam tổ chức.

Đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam cho rằng, nền kinh tế Việt Nam phát triển và đã đạt được những thành tựu rất lớn nhờ một phần quan trọng cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, từ đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước phát triển, thúc đẩy đầu tư, thương mại, sản xuất, kinh doanh… Tuy nhiên, áp lực cải cách cam kết từ các hiệp định tự do thương mại song phương và đa phương Việt Nam tham gia cũng đã và đang đặt ra những vấn đề cần phải tiếp tục nỗ lực, cải cách hơn nữa, trong đó có cơ chế, chính sách và những quy định trong lĩnh vực thuế và hải quan. 

Cụ thể, Chủ tịch Tiểu ban Thuế và Chuyển giá thuộc EuroCham - Thomas McClelland, Chairman cho biết, khung thuế của Việt Nam đang hướng đến mục tiêu tập trung vào bản chất hơn, theo nguyên tắc của các quy định về thuế mới đây, chẳng hạn như Nghị định 20 về Giá Chuyển nhượng.

Ngoài ra, ông Shivam Misra - Đồng Chủ tịch Tiểu ban Rượu của EuroCham lại cho rằng: Doanh nghiệp EU quan ngại về khung pháp lý và cách thức thực thi những quy định hành chính của ngành hải quan. Đặc biệt, khi sai sót hành chính của doanh nghiệp lại được cơ quan nhà nước sử dụng làm cơ sở đánh giá hoặc áp đặt mức phạt nặng mà không cần dựa trên những quy tắc công bằng. Điều này có thể sẽ làm suy yếu lòng tin vào môi trường đầu tư, kinh doanh khiến các doanh nghiệp nước ngoài buộc phải cân nhắc các quyết định đầu tư hoặc giảm quy mô hoạt động ở Việt Nam nếu môi trường không thuận lợi cho kinh doanh. 

Trên thực tế, thời gian qua ngành thuế và hải quan đã tích cực đổi mới, cải cách và đạt được những kết quả cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao. Song vẫn còn có những vấn đề đặt ra cần phải tiếp tục cải cách mới có thể làm hài lòng doanh nghiệp. Chẳng hạn như việc phạt chậm nộp thuế, doanh nghiệp phải tự kê khai, tự tính và tự nộp số tiền thuế chậm nộp bị phạt vào ngân sách, nhưng khi cơ quan nhà nước (thuế, hải quan…) sai sót dẫn đến thiệt hại cho doanh nghiệp phải bồi thường thì doanh nghiệp muốn nhận được khoản bồi thường phải làm các thủ tục, hồ sơ giấy tờ mang đến cơ quan nhà nước mới được xem xét, giải quyết… 

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu đã được ngành hải quan cải cách và giảm rất nhiều, nhưng các thủ tục quản lý chuyên ngành liên quan thì vẫn còn rất phức tạp, gây phiền hà khó khăn cho doanh nghiệp. Một công ty may mặc muốn nhập khẩu máy in hoa về để phục vụ sản xuất, muốn nhập khẩu phải có chứng chỉ sử dụng máy in hoa, để có chứng chỉ này doanh nghiệp rất mất thời gian, chi phí tuân thủ để có được chứng chỉ, chưa kể những vấn đề vướng mắc phát sinh làm chậm trễ quá trình tổ chức sản xuất, kinh doanh... Những vấn đề này không chỉ doanh nghiệp EU mà các doanh nghiệp nói chung bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng có thẩm quyền lắng nghe để cải cách tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.

 

 

 

K.D

734 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 471
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 471
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88607348