Những nỗ lực của ngành du lịch Việt Nam
Trước đây, khi đại dịch COVID-19 chưa bùng phát, Việt Nam hồ hởi đón chào khách du lịch quốc tế với sự tự tin và quyết tâm tạo nên những dấu mốc ấn tượng, thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Ngành Du lịch kỳ vọng sẽ đón tiếp số lượng lượt khách quốc tế trong mỗi năm ngày càng nhiều hơn. Tuy nhiên đầu năm 2020 dịch COVID-19 bùng phát trên thế giới đã ngay lập tức ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động du lịch. Đã nhanh chóng “đóng băng” ngành du lịch thế giới và du lịch Việt Nam cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng.
|
Du thuyền Hạ Long vắng bóng khách do dịch bệnh COVID-19. Ảnh ND |
Những khó khăn chồng chất đã buộc ngành Du lịch phải chuyển hướng tập trung khai thác và phát triển du lịch nội địa, nhờ đó trở thành giải pháp cứu cánh cho doanh nghiệp lữ hành tồn tại trong giai đoạn dịch bệnh. Ở trong nước, mặc dù dịch COVID-19 nhanh chóng được kiểm soát tốt, du lịch nội địa vẫn hoạt động nhưng liên tục bị gián đoạn bởi các đợt giãn cách xã hội khi dịch bùng phát. Các doanh nghiệp ngành Du lịch, lữ hành điêu đứng, nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, các khách sạn phải đóng cửa. Hoạt động du lịch bị đình trệ đã dẫn tới doanh thu du lịch lữ hành bị giảm sút nhiều gây ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế.
Trước đây, thành tựu và nỗ lực của du lịch Việt Nam đã được thế giới đánh giá cao, Tổ chức Du lịch thế giới (UNTWO) xếp Việt Nam đứng thứ 6 trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Tuy nhiên, sau khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, báo cáo của UNWTO cho hay, lượng khách du lịch quốc tế trên toàn cầu trong năm 2020 sụt giảm tới 1,1 tỷ lượt. Tổng thu du lịch toàn cầu mất đi 1,1 nghìn tỷ USD; khoảng 100-120 triệu lao động trong ngành bị mất việc.
Dù Việt Nam trở thành điểm sáng về an toàn phòng dịch trên toàn thế giới nhưng ngành du lịch không tránh khỏi những tổn thất nặng nề. Qua đó, ngành Du lịch cũng đã phát động Chương trình kích cầu du lịch nội địa, nhằm thực hiện mục tiêu kép “vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch vừa phục hồi kinh tế” của Chính phủ. Nhiều khách du lịch trong nước lần đầu tiên được trải nghiệm, khám phá các điểm du lịch hàng đầu và nhiều địa điểm chưa được biết đến của Việt Nam chỉ với mức chi phí trung bình khá...
Việc kích cầu du lịch nội địa đã tạo ra xu hướng chuyển dịch mới, lan tỏa cảm hứng khám phá Việt Nam an toàn và hấp dẫn, đem lại những đóng góp thiết thực cho quá trình khôi phục kinh tế. Từ đó giải quyết công ăn việc làm cho một lượng nhất định người lao động. Mặc dù sự hồi sinh của du lịch trong nước có thể chưa đủ để thúc đẩy hoạt động của toàn bộ ngành du lịch nhưng nó có thể giữ chân các doanh nghiệp nhỏ hoạt động và kích thích nền kinh tế địa phương, làm giảm tác động tiêu cực của dịch bệnh tới nền kinh tế nói chung cho đến khi du lịch quốc tế hoạt động trở lại.
Tuy nhiên, trải qua 3 đợt dịch, tưởng chừng dịch bệnh trong nước đã có thể ổn định phần nào, chứng kiến những nỗ lực vượt bậc của cả ngành du lịch Việt Nam chưa được bao lâu, làn sóng dịch bệnh COVID-19 thứ 4 ập đến đã khiến các doanh nghiệp điêu đứng, nhiều doanh nghiệp lữ hành thiệt hại rất nặng nề, do đã có sự đầu tư rất lớn vào công tác marketing, quảng cáo, chi phí nhân sự...trước đó. Cùng với đó là chi phí thuê văn phòng và những chi phí để hỗ trợ cho du khách hoãn, hủy tour. Nhiều doanh nghiệp còn lo ngại, nếu dịch kéo dài thị trường sẽ đóng băng đến hết tháng 6, 7, 8, trong khi các hãng hàng không cũng như khách sạn chưa có chính sách hỗ trợ gì cho tour khởi hành thời điểm sau 31/5.
Đơn cử, ông Nguyễn Tiến Đạt - Ceo Công ty AZA Travel cho hay: Trước khi dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4, Công ty lên đã lên kế hoạch tuyển thêm nhân viên để mở rộng khi du lịch trong nước có dấu hiệu "hồi" lại nhưng kế hoạch này đã phải dời lại. Nhiều dịch vụ mới được doanh nghiệp triển khai để đón mùa vàng du lịch dịp hè 2021, nhưng mọi thứ lại bị “đóng băng”. Bán được tour cho một khách đã vất vả, giờ cả nghìn khách huỷ, cảm giác lúc này là oải. “Sau những "cú đấm bồi liên tiếp" từ các đợt dịch trước, sức đề kháng của nhiều doanh nghiệp ngành dịch vụ, lữ hành và cả sản xuất vốn đã yếu, nay lại thêm lao đao”- ông Đạt bày tỏ.
Cùng với đó, tại Công ty VietSense Travel, ngay từ sau Tết Nguyên Đán, doanh nghiệp này đã dành toàn bộ nguồn lực, tâm huyết để chuẩn bị hàng loạt sản phẩm, dịch vụ mới với mức giá hợp lý nhằm đón đầu mùa du lịch hè 2021 với tất cả niềm tin, hi vọng sẽ có một “mùa vàng bội thu” nhằm cứu vãn chút ít những mất mát sau 3 đợt “sóng thần” COVID-19 hoành hành. Tuy nhiên, từ đầu tháng 5 đến nay, VietSense Travel không có giao dịch mới. Đau đầu hơn là gần 1.000 khách hàng tham gia các tour khởi hành trong tháng 5 đều yêu cầu hoãn, hủy tour.
Ông Nguyễn Văn Tài - CEO VietSense Travel cho hay, vì nguồn lực đã cạn kiệt nên doanh nghiệp buộc phải cho một số nhân viên tạm nghỉ, chỉ giữ lại lực lượng nòng cốt để làm việc với các đối tác nhằm đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho khách hàng.
Ngành du lịch đương đầu với thử thách mới
Nhìn ở khía cạnh khác, theo nhiều chuyên gia du lịch, dịch COVID-19 có thể không phải “kẻ hủy diệt” mà nó đặt ngành công nghiệp không khói vào thế buộc phải chuyển mình, thậm chí thúc đẩy các doanh nghiệp nhanh nhạy thích ứng với các tác động; tăng tốc chuyển đổi số, cơ cấu lại guồng máy hoạt động…
|
Các hoạt động du lịch tạm ngừng do dịch Covid-19. Ảnh ND |
Cùng với chiến lược dài hơi, trước mắt, để có "sức khỏe" chống chọi với dịch bệnh. Tại AZA Travel một phần nhân sự chuyển sang sản xuất và kinh doanh bia thủ công Euro Beer chính giám đốc điều hành. Do nguồn cầu là nhà hàng, khách sạn sụt giảm, công ty này đã chuyển sang bán online, chuyển đến tận nhà cho khách hàng. Phản ứng của thị trường rất tốt, AZA Travel còn lên kế hoạch tuyển cộng tác viên bán bia trong chính nhân sự ngành du lịch. “Chúng tôi đẩy mạnh hợp tác với những người làm du lịch tạm chuyển sang bán hải sản, chế biến đồ ăn sẵn để họ bán đồ ăn kèm bia, còn mình quảng cáo đồ ăn cho họ hoặc bán bia kèm đồ ăn để khách mua được đồ ăn và đồ uống đều ngon” - ông Đạt cho biết.
Còn CEO VietSense Travel thì tập trung kinh doanh nhà hàng ăn uống, cũng chủ yếu bán cho khách mang về, bán online, ship tận nhà cho thực khách. Theo ông Nguyễn Văn Tài, dù mang về lợi nhuận rất nhỏ, vì trong kinh doanh nhà hàng, bán đồ uống mang về lợi nhuận cao nhất thì lại không thể làm được vì khách hàng thường đã chuẩn bị ở nhà. COVID-19 bùng phát nhanh như vậy nằm ngoài sự tính toán của doanh nghiệp. Tuy nhiên, về lâu dài, cơ hội kinh doanh nhà ở Việt Nam vẫn rất lớn, nên doanh nghiệp vẫn tiếp tục chuyển sang kinh doanh thêm lĩnh vực này.
Mặc dù các doanh nghiệp đang rất kiên cường, cố gắng không bỏ cuộc và quyết tâm không gục ngã, song để có thể bật dậy khi dịch được kiểm soát, họ cũng đang cần sự quan tâm, tiếp sức rất lớn từ nhà nước. Ông Nguyễn Văn Tài cho hay, hiện doanh nghiệp đang được hưởng chính sách giãn nộp thuế 5 tháng và giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc được giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp gần như không có ý nghĩa đối với các doanh nghiệp du lịch vì kinh doanh thua lỗ thì không có lời để nộp thuế. Vì vậy, doanh nghiệp đề xuất cơ quan chức năng miễn thuế thu nhập doanh nghiệp và giảm 50% thuế VAT cho các đơn vị du lịch, nhất là các công ty lữ hành. Đồng thời, đề nghị Chính phủ có những chính sách thiết thực hơn nữa đến các lao động ngành du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp dễ dàng vay vốn để giữ lực lượng lao động nòng cốt.
CEO AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt thì kiến nghị, các đối tác như hàng không, khách sạn, nhà hàng có những chính sách hỗ trợ kịp thời cho những tour khởi hành trong tháng 5 rồi nhưng với tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến rất phức tạp thì cũng xem xét gia hạn hoặc bảo lưu các tour đã gặp trong tháng 6, tháng 7 để hỗ trợ khách hàng, cũng như các công ty du lịch. “Tôi nghĩ rằng, đây là việc rất cần thiết để đảm bảo uy tín của tất cả các bên cũng như sự hợp tác về lâu dài. Đồng thời, tạo niềm tin cho khách hàng để người Việt sẵn sàng xách ba lô lên và đi ngay khi dịch bệnh được kiểm soát”- ông Đạt nói.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp mong Chính phủ có những cơ chế giúp họ tiếp cận nguồn vốn thuận lợi, dễ dàng, sát thực tế hơn. Bởi thực tế các gói hỗ trợ đã có nhưng doanh nghiệp du lịch chưa chạm được vào. Mặt khác, tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn đang diễn biến rất phức tạp, đề nghị Chính phủ cho tháo khoán khoản ký quỹ kinh doanh lữ hành quốc tế 500 triệu đồng hoặc có cơ chế, chính sách dùng số tiền đó làm tài sản để đảm bảo cho doanh nghiệp vay lại từ ngân hàng để có nguồn tiền duy trì hoạt động.
Chưa khi nào ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh như thời gian vừa qua và hiện nay. Những khó khăn này cũng là lúc ngành du lịch Việt Nam tìm được khả năng kháng cự, sức bật nội lực từ những sáng tạo để tìm thời cơ trong thách thức. Dù khó khăn do đại dịch COVID-19 vẫn còn kéo dài, nhưng đã khẳng định được bản lĩnh, năng lực của họ và sẽ tiếp tục phát huy, duy trì vị thế của du lịch Việt Nam ở khu vực và thế giới trong năm mới./.