Đây là ý kiến của nhiều đại biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam (VCSF) lần thứ IV với chủ đề “Nhân rộng những mô hình kinh doanh giúp giải quyết các thách thức phát triển bền vững” do Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức vào ngày 10/10 tại Hà Nội.

Quang cảnh Diễn đàn (Ảnh: MP)

Theo báo cáo “Kinh doanh tốt hơn, Thế giới tốt hơn – Những cơ hội kinh doanh bền vững tại châu Á” của Ủy ban Kinh doanh và Phát triển bền vững cho biết, đến năm 2030, bên cạnh các lợi ích không nhỏ về xã hội và môi trường, phát triển bền vững có thể tạo ra một thị trường kinh doanh trị giá 5 nghìn tỷ USD cho khu vực, đồng thời đem lại thêm 230 triệu việc làm mới cho thị trường lao động châu Á, tương đương 12% tổng số nhân lực lao động tại đây.

Trong thời gian tới, châu Á sẽ là khu vực có được nhiều cơ hội kinh doanh nhất mà phát triển bền vững mang lại so với các khu vực khác trên thế giới, và nếu cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam có thể tận dụng những cơ hội này sẽ xây dựng thành công nền kinh tế thịnh vượng, vững bền, đóng góp vào sự phát triển phồn vinh của quốc gia.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của sự bền vững, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI kiêm đồng Chủ tịch VBCSD cho rằng, kinh tế bền vững không chỉ thân thiện và nhân văn với cộng đồng mà còn tạo cơ hội phát triển cho doanh nghiệp. Trong bối cảnh hiện nay, vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ ngày càng được đề cao nhờ những hướng đi phát triển bền vững. Vì thế, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chương trình hành động, kiến tạo, tạo môi trường thuận lợi cho khối doanh nghiệp này phát triển, trong đó hướng đi quan trọng nhất là phải quốc tế hóa hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ.

Với những cam kết về phát triển bền vững từ doanh nghiệp, nhiều kết quả tích cực đã được ghi nhận. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp lớn cam kết giảm phát thải, tái tạo lại các nguồn nguyên liệu, phế thải; tạo việc làm cho người lao động… Pháp luật Việt Nam cũng đã dành ra những quy định riêng cho đội ngũ doanh nghiệp mới là doanh nghiệp xã hội.

“Chúng ta hoan nghênh việc nhiều doanh nghiệp đã giảm tới 99% phát thải khí CO2, nói “không” với xử lý chất thải bằng phương pháp chôn lấp, sử dụng năng lượng tái tạo, tái sử dụng tới 98-99% phụ phẩm và phế liệu, tạo ra nhiều việc làm đàng hoàng cho người lao động… Ngoài các mô hình kinh doanh mới đó, mô hình doanh nghiệp xã hội cũng là một điểm sáng bền vững và nhân văn… Ở Việt Nam, doanh nghiệp xã hội đã trở thành chủ thể kinh tế được pháp luật ghi nhận và khuyến khích. Nhiều doanh nhân Việt đã chọn con đường làm doanh nghiệp xã hội để đóng góp cho phát triển cộng đồng, coi việc mang lại hạnh phúc cho mọi người là mục tiêu tối thượng…”, TS Vũ Tiến Lộc cho biết.

Tuy nhiên, ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc (UN) tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam là một trong những điển hình thành công về phát triển kinh tế trong giai đoạn vừa qua, tuy nhiên, Việt Nam cũng đang phải đối diện với những thách thức đến từ việc tăng trưởng có xu hướng ít bao trùm hơn. Bên cạnh việc cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam thúc đẩy các nỗ lực chung hướng đích phát triển bền vững, đại diện UN cũng chỉ rõ vai trò cốt yếu của doanh nghiệp đối với việc thúc đẩy và nhân rộng các mô hình kinh doanh sáng tạo để thực hiện thành công các Mục tiêu Phát triển Bền vững.

Nhấn mạnh về vấn đề tác động của biến đổi khí hậu, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Võ Tuấn Nhân cho rằng,  trong giai đoạn 2017 – 2020, khu vực công – tư cần tiếp tục hợp tác để thực hiện thành công các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu đã được phê duyệt. Trong đó, ông Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp và nhận định rằng đây là một trong những lực lượng nòng cốt thực hiện thành công thỏa thuận Paris.

Có cùng quan điểm, ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lưu ý thêm, bên cạnh thách thức từ biến đổi khí hậu, sự bùng nổ dân số cũng đang gây ra nhiều nguy cơ cho vấn đề an ninh lương thực trên phạm vi toàn cầu.

Tuy vậy, trong bối cảnh đó, phát triển nông nghiệp xanh, theo hướng bền vững có thể mang lại rất nhiều cơ hội kinh doanh tiềm năng cho Việt Nam - một đất nước có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, cần tiếp tục phát triển những mô hình kinh doanh mới, tiên tiến như kinh doanh cùng người thu nhập thấp, nền kinh tế tuần hoàn, doanh nghiệp xã hội, xây dựng chuỗi giá trị bền vững, thực hiện minh bạch liêm chính trong kinh doanh hay áp dụng những công cụ ưu việt trong quản trị công ty…cần được triển khai rộng hơn nữa trong cộng đồng doanh nghiệp và các bên liên quan.

Lãnh đạo VCCI cũng cho biết, trong thời gian tới, VCCI cũng sẽ giao VBCSD chủ trì thành lập Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Triển khai Nền kinh tế tuần hoàn (VCCE), qua đó thúc đẩy hơn nữa sự tham gia của doanh nghiệp trong việc xây dựng một nền kinh tế phi phát thải, tạo thêm công ăn việc làm cho thị trường lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực tư tại Việt Nam, cũng như nắm bắt được cơ hội kinh doanh trị giá hàng nghìn tỷ USD do kinh tế tuần hoàn mang lại./.

Minh Phương