|
Ông Nguyễn Hải Minh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) |
Ông Nguyễn Hải Minh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), đã có trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ về những kỳ vọng và khó khăn của các nhà đầu tư châu Âu hiện nay.
Thay đổi chiến thuật chống dịch: Quyết sách hợp lý để tạo điều kiện phục hồi kinh tế
Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 vừa diễn ra (6/9), Thủ tướng Chính phủ một lần nữa nhấn mạnh không thể sử dụng biện pháp phong tỏa mãi vì thiệt hại lớn cho nhân dân và nền kinh tế, phải nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học, bám sát tình hình thực tiễn Việt Nam để chuẩn bị các biện pháp thích ứng an toàn với dịch bệnh, giao thông an toàn, đi lại an toàn, sản xuất an toàn, dịch vụ an toàn.
Trước đó, trong buổi làm việc chiều 1/9 với hơn 70 nhà khoa học trong lĩnh vực y tế, Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ, nhiều nước đã chuyển đổi chiến lược, xác định quan điểm "sống chung", thích ứng với dịch bệnh. Vaccine và thuốc điều trị là chiến lược lâu dài, công cụ quyết định, ứng dụng khoa học trong phòng chống dịch là chìa khóa cốt lõi để chiến thắng dịch bệnh.
“Khảo sát quốc tế về đánh giá, chấm điểm khả năng chống chịu với dịch COVID-19 của các quốc gia bao gồm cả tiêu chí biện pháp chống dịch phải ảnh hưởng tối thiểu đến sản xuất kinh doanh. Vì vậy, thay đổi quan trọng về tư duy, cách nhìn nhận của Việt Nam đối với COVID-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng có tính chất quyết định, phù hợp với bối cảnh và xu hướng quốc tế”, Phó Chủ tịch Eurocham nhận định.
Cũng theo ông Minh, mặc dù đang phải đối mặt với nhiều thách thức, nhưng xét về dài hạn, các doanh nghiệp châu Âu tin tưởng Việt Nam vẫn là thị trường đầu tư có nhiều điểm tích cực. Thách thức lớn của Việt Nam thời gian qua là làm sao đề ra được chiến lược phù hợp để ứng xử với COVID-19. Giờ đây, động thái đầu tiên về đổi mới tư tưởng, ứng xử linh hoạt với dịch bệnh chính là điểm then chốt, quyết sách hợp lý nhằm tạo điều kiện cho nền kinh tế phục hồi.
Eurocham rất ấn tượng với tốc độ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Việt Nam nhưng để đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng, công tác này vẫn cần được đẩy mạnh và quyết liệt hơn nữa trên phạm vi toàn quốc. Cùng với đó, đột phá trong chiến lược chống dịch là đưa dịch vụ y tế đến gần dân nhất cũng được cộng đồng doanh nghiệp châu Âu đánh giá cao. Chủ trương mỗi xã phường là một pháo đài chống dịch, bảo đảm người dân được tiếp cận y tế nhanh nhất, ở mọi lúc, mọi nơi đã giúp tập trung nguồn lực tại các bệnh viện cho bệnh nhân nặng, không dàn trải như thời gian trước.
Cảm nhận rõ ràng về những thay đổi mạnh mẽ trong thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ Việt Nam, đại diện Eurocham cho biết, vướng mắc của doanh nghiệp FDI phần nào được tháo gỡ khi Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phải thông suốt hệ thống logistics và vận tải hàng hoá toàn quốc, hay khi Bộ Y tế giảm thời gian cách ly đối với người nhập cảnh đã tiêm chủng.
Đối với cộng đồng doanh nghiệp châu Âu, giãn cách không phải vấn đề quá lớn nhưng nên ở mức độ hợp lý để ngoài việc giảm giao tiếp xã hội, cũng cần có không gian duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Điều này tương tự như giãn cách ở các nước châu Âu. Theo ông Minh, giãn cách phải trong một trật tự nhất định và có quy định rõ ràng để doanh nghiệp dễ dàng nắm bắt và lên kế hoạch hoạt động.
Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đề xuất, trong trường hợp tiếp tục giãn cách, cần hướng dẫn cụ thể về các mức độ, đưa ra những lựa chọn phụ thuộc vào từng vùng, từng địa phương, tuỳ theo mức độ rủi ro và nhất là phải dựa những con số khoa học, như: số lượng người đã tiêm chủng, tỉ lệ ca nhiễm, tỉ lệ tử vong,… Đưa ra cơ sở số liệu như vậy giúp doanh nghiệp dễ dàng hiểu được và chủ động lập được kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho từng tình huống. Các hướng dẫn, tiêu chí cần đơn giản và cụ thể, ví dụ: Mở cửa sản xuất thì phải đảm bảo bố trí trong khuôn viên sản xuất ra sao? Quan trọng hơn, điều kiện duy trì kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh cần bảo đảm yếu tố là số lượng lớn doanh nghiệp có thể đáp ứng được.
Đa số doanh nghiệp châu Âu không đặt vấn đề rút vốn
Theo khảo sát mới nhất của Eurocham, 60% doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng và thu hẹp sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng bởi làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4. Chuỗi cung ứng bị đứt gãy, một số doanh nghiệp không đáp ứng được quy định, yêu cầu về nhà máy hoạt động trong thời gian dịch bùng phát. Việc giãn cách tác động lớn đến hoạt động của doanh nghiệp FDI, đến người lao động và chuyên gia, đặc biệt là chuyên gia nước ngoài.
Dù đối mặt với nhiều khó khăn như vậy, doanh nghiệp châu Âu không đặt vấn đề rút vốn khỏi Việt Nam. Theo đại diện Eurocham, nhìn chung, các nhà đầu tư châu Âu hiện nay không đưa ra bài toán dịch chuyển, thay vào đó là làm sao để đa dạng hoá chuỗi cung ứng.
Thời gian đầu dịch bùng phát tại một số nước lớn, các doanh nghiệp dịch chuyển một phần chuỗi cung ứng sang quốc gia khác. Đây là thực tế đối với các doanh nghiệp FDI lớn, các tập đoàn đa quốc gia lớn. Nhưng tình hình ở Việt Nam bây giờ không giống như vậy, bởi quy mô sản xuất, quy mô vốn đầu tư tại Việt Nam không quá lớn nên hầu hết các tập đoàn không đề cập đến chuyện rút vốn. Hơn nữa, rút vốn FDI không phải đơn giản, nhất là với những doanh nghiệp vừa và nhỏ vì dịch chuyển dòng vốn tốn thời gian và rất nhiều chi phí. Việc này không thể triển khai ngay trong một sớm một chiều, đặc biệt là trong thời điểm này. Thời gian này tại Việt Nam, các nhà đầu tư châu Âu vẫn kỳ vọng việc giãn cách sẽ chỉ diễn ra trong thời gian ngắn nữa, nên họ không quyết định chuyển vốn ngay lập tức.
Ông Nguyễn Hải Minh cũng cảnh báo về tác động từ việc gián đoạn chuỗi cung ứng. “Hoàn toàn có thể xảy ra khả năng bị giảm quy mô đầu tư, đơn hàng bị chuyển sang quốc gia khác, vì lý do khách quan như bên bán ở Việt Nam không đáp ứng được việc bàn giao hàng, hoặc nguyên nhân chủ quan là công ty mẹ đánh giá chuỗi cung ứng ở Việt Nam bị gián đoạn nên chuyển đơn sang nước khác. Vì lẽ đó, về ngắn hạn, dù không đặt vấn đề rút vốn nhưng bài toán mất đơn hàng cũng như tác động tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp và nền kinh tế là một thực trạng đáng quan ngại”, ông Minh lưu ý.
Không những vậy, một số nhà đầu tư FDI tiềm năng đang nghiên cứu, lập kế hoạch tiếp cận thị trường Việt Nam đã có dấu hiệu do dự trước bối cảnh dịch bệnh hiện nay.
Theo Eurocham, thời điểm này, cộng đồng doanh nghiệp FDI mong muốn được đối thoại nhiều hơn với lãnh đạo Chính phủ để trao đổi trực tiếp về những tâm tư, nguyên vọng. Qua đó, các bộ, ngành có thể giải thích để các nhà đầu tư hiểu cặn kẽ hơn về chính sách của Việt Nam, đồng thời, Chính phủ cũng rút ra được những nội dung cần làm, cần điều chỉnh để tiếp tục duy trì và tăng cường niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp FDI./.
Minh Ngọc