Hình ảnh tại Hội thảo (Ảnh: M.P)
Đó là nhận định của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Hội thảo: Nhận diện cơ hội kinh doanh trong bối cảnh Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Bộ Công Thương, Phái đoàn Châu Âu tại Việt Nam tổ chức. Hội thảo nhằm tiếp tục cập nhật thông tin cho doanh nghiệp để xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp trong bối cảnh mới.
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU là một FTA thế hệ mới giữa Việt Nam và 28 nước thành viên EU. EVFTA cùng với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là hai FTA có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay...
Theo ông Vũ Tiến Lộc, để có thể nắm bắt cơ hội trong bối cảnh EVFTA yêu cầu đặt ra cho các doanh nghiệp là phải đáp ứng được các yêu cầu về rào cản kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm, sở hữu trí tuệ, quan hệ lao động… Theo đó, các doanh nghiệp phải định vị thị trường của mình trong bối cảnh hội nhập, tái cấu trúc lại việc quản trị và công nghệ để đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ, hàng rào kỹ thuật, xác lập được một hệ thống phòng ngừa rủi ro.
“Để thâm nhập, hiện thực hóa được ưu thế từ việc đưa thuế suất bằng 0 đối với hầu hết các dòng thuế thì cần sự nỗ lực của nhà nước và doanh nghiệp. Theo đó cần phải tiếp tục cải cách thể chế, nội luật hóa được các quy định của EVFTA cũng như các Hiệp định thương mại tự do khác. Trong quá trình nội luật hóa là quá trình không chỉ tuân thủ mà cần phải vận dụng có lợi nhất cho các doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam để thúc đẩy cho các doanh nghiệp vươn lên và tận dụng được nhiều lợi thế”, ông Lộc nhận định.
Đồng tình với quan điểm đó, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, việc cùng lúc Việt Nam ký nhiều FTA, triển khai nhiều hiệp định... sẽ tạo ra nhiều cơ hội, nhưng đồng thời cũng có nhiều thách thức. Các Hiệp định có hình thức và mức độ cam kết khác nhau, thậm chí trái ngược nhau, tạo ra áp lực cho cơ quan quản lý và cả doanh nghiệp trong việc làm thế nào để hiểu rõ các cam kết của Hiệp định. Khi VCCI yêu cầu phải có văn bản hướng dẫn chi tiết thực thi các FTA, thì đây là thách thức không nhỏ với các cơ quan quản lý.
“Hiện Bộ Công Thương đã báo cáo Chính phủ cho phép triển khai ngay quy trình phê chuẩn EVFTA. Đồng thời, chủ trì phối hợp với các bộ ngành đánh giá tác động làm cơ sở trình Quốc hội phê chuẩn vào kỳ họp tháng 10 tới đây. Ngay sau kế hoạch hành động sẽ được ban hành. Bộ Công Thương phấn đấu năm 2020 hiệp định sẽ có hiệu lực. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp Việt Nam phải tìm hiểu kỹ hiệp định này để tận dụng cơ hội càng nhanh càng tốt”, ông Khanh cho hay.
Bà Magdalena Clesielska, Phó Trưởng ban kinh tế thương mại Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam cũng nhận định, EVFTA là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam, mở ra thị trường lớn với thuế suất giảm nhiều, 99% dòng thuế giảm mức 0% và EU chiếm dân số 500 triệu dân, 20% GDP toàn cầu, thông qua EVFTA là cơ hội thu hút các khoản đầu tư mới vào Việt Nam và Việt Nam có cơ hội xuất sang Châu Âu những sản phẩm có lợi thế như thủy hải sản, lâm sản, dệt may...
Để tận dụng và nắm bắt cơ hội này nhiều đại biểu tham dự hội thảo cho rằng, các doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị ngay để tận dụng các lợi thế càng sớm càng tốt bởi vì EVFTA có thời gian cắt giảm thuế lộ trình ngắn. Bên cạnh đó, bản thân các doanh nghiệp cần quan tâm chi tiết hơn, sát hơn với thực tiễn như quy tắc xuất xứ, hàng rào kỹ thuật... Doanh nghiệp cũng cần có chiến lược kinh doanh hợp lý để tận dụng tối đa lợi thế của nhiều FTA khi có hiệu lực./.
M.P