Doanh nghiệp cần chính sách minh bạch, công bằng, dễ thực thi 

(Chinhphu.vn) – Thay đổi chính sách cần phải đảm bảo tính công bằng, minh bạch, ổn định, có độ trễ nhất định về thời gian thi hành để nhà đầu tư và DN đầu tư nước ngoài (FDI) có thể chủ động trong điều hành chiến lược kinh doanh.

Đây là nội dung được các chuyên gia trao đổi hội thảo Thách thức của việc thay đổi chính sách đối với nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam tổ chức ngày 7/12.

 

DN FDI vẫn e ngại rủi ro chính sách

 

Ông Adam Sitkoff-Giám đốc điều hành, Hiệp hội Thương mại Hoa kỳ tại Hà Nội đánh giá, các doanh nghiệp Hoa Kỳ vẫn lạc quan về triển vọng phát triển kinh doanh tại Việt Nam. Tuy nhiên họ cũng bày tỏ sự quan ngại đến những thay đổi gần đây trong chính sách và các quy định không phù hợp với các thông lệ quốc tế.

 

 

Toàn cảnh Hội thảo. VGP/Huy Thắng

Đại diện doanh nghiệp Hoa Kỳ  cũng bày tỏ quan ngại về việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt hay một số quy định bất hợp lý trong Luật Dược…

 

“Các thành viên của chúng tôi thường gặp phải việc thực thi chính sách không đồng nhất, không hiệu quả và đối xử không công bằng giữa các khu vực, ảnh hưởng đến hoạt động các thành viên của chúng tôi…” ông Adam Sitkoff nói.

 

Là người đã theo sát đầu tư nước ngoài từ những ngày đầu soạn thảo luật đến nay đã 30 năm, GS.TSKH Nguyễn Mại phân tích, kể từ khi Quốc hội thông qua Luật đầu tư trực tiếp nước ngoài (12/1987) đến nay đã ghi nhận nhiều lần thay đổi chính sách và luật pháp về FDI, góp phần quan trọng vào việc thu hút FDI của các nhà đầu tư đến từ hơn 100 quốc gia với 165 tỷ USD vốn thực hiện, đóng góp 19% thu ngân sách nội địa, 19% GDP, trên 55% giá trị sản lượng công nghiệp và hơn 70% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2017. Nhưng quá trình thay đổi chính sách và luật pháp 30 năm qua đã nảy sinh nhiều khiếm khuyết. Đơn cử như việc sửa đổi Luật Đầu tư nước ngoài năm 2000, dù đã khắc phục được những nhược điểm của lần sửa đổi trước đó. Tuy vậy, vẫn còn một số quan điểm mới chưa được thông qua, sự thay đổi một số chủ trương của Nhà nước và tình trạng thiếu nhất quán, thiếu minh bạch trong chính sách và luật pháp gây ra tâm lý bất ổn của nhà đầu tư do khó dự đoán khi quyết định phương hướng đầu tư và kinh doanh.

 

“Thay đổi chính sách cần phải đảm bảo tính công bằng, minh bạch, ổn định, có độ trễ nhất định về thời gian thi hành để nhà đầu tư và DN FDI chủ động trong điều hành chiến lược kinh doanh. Hệ thống văn bản pháp quy từ luật, Nghị định của Chính phủ, Thông tư của các bộ phải đồng nhất, được ban hành một thời gian đủ dài để DN chuẩn bị điều kiện thi hành”, ông Mại góp ý.

 

Cần những chuyển biến đồng bộ, mạnh mẽ hơn

 

Dưới góc nhìn từ quốc tế, ông Herbert Cochran, Giám đốc Liên minh Thuận lợi hóa Thương mại Việt Nam cũng chia sẻ, việc thường xuyên thay đổi chính sách pháp lý sẽ khiến Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư rủi ro hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Như vậy sẽ ảnh hưởng đến thu hút đầu tư bởi nhà đầu tư luôn chọn điểm đến ổn định hơn.

 

Ông Herbert Cochran dẫn chứng, ví dụ chính sách thuế sẽ làm thay đổi toàn bộ kế hoạch kinh doanh ban đầu, do chi phí tăng cao, giảm doanh thu và do đó, giảm tỷ suất lợi nhuận hoặc kéo dài thời gian thu hồi vốn đầu tư. Nhà đầu tư có thể do dự trước những quyết định đầu tư hay mở rộng đầu tư vào Việt Nam khi họ đã phải đối mặt với rủi ro chính sách.

 

Có cùng quan điểm, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế-VCCI nhận định, sự chần chừ của chính sách và thực thi chính sách đang cản trở DN, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư. Bởi vì, hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh mẽ đã có sự chuyển dịch cơ cấu, xu hướng đầu tư sẽ dẫn đến cạnh tranh gay gắt về thu hút FDI giữa các quốc gia và đòi hỏi có chính sách thu hút FDI mới chất lượng hơn, bền vững hơn.

 

Ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ, chuyên gia Phạm Chi Lan cho rằng, với việc ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP với các định hướng có tính nguyên tắc có ý nghĩa quan trọng với cộng đồng doanh nghiệp. Trước tiên, điểm quan trọng là Nhà nước bảo vệ quyền tài sản, quyền và lợi ích chính đáng, bảo đảm quyền kinh doanh của DN theo quy định của pháp luật. DN được hoạt động kinh doanh trong tất cả các ngành, nghề, lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Tất cả các DN không phân biệt quy mô, loại hình, thành phần kinh tế bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực như vốn, tài nguyên, đất đai, thị trường... và cơ hội kinh doanh. Nhà nước bảo đảm sự ổn định nhất quán, lâu dài của chính sách để bảo đảm tính tiên lượng cho nhà đầu tư, DN yên tâm sản xuất kinh doanh; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn cho DN phát triển. Các cơ quan quản lý nhà nước khi ban hành cơ chế chính sách, văn bản pháp luật quy định rõ mỗi nhiệm vụ phải có một cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm; người đứng đầu cơ quan phải chịu trách nhiệm đến cùng. Ngoài ra còn những định hướng đúng đắn khác là coi kinh tế tư nhân là động lực phát triển, lấy người dân và doanh nghiệp là đối tượng phục vụ…

 

Tuy nhiên, bà Phạm Chi Lan cho rằng, có những chủ trương chính sách tốt nhưng nhiều đơn vị Bộ, ngành địa phương lại chậm triển khai. Cụ thể, như chủ trương giảm chi phí kinh doanh cho DN… thực hiện quá chậm so với đòi hỏi cải thiện môi trường đầu tư và sự chỉ đạo của Chính phủ.  Hay như yêu cầu của Chính phủ, đó là các quy định về điều kiện kinh doanh phải lượng hóa được, minh bạch, dễ hiểu để nhà đầu tư, DN đáp ứng chi phí tuân thủ thấp, giảm rủi ro pháp lý trong kinh doanh, giảm dần tiến tới loại bỏ các loại giấy phép con, phí, phụ phí bất hợp lý.

 

“Báo cáo một số đơn vị thì có thực hiện được nhiều nhưng thực tế vẫn có không ít doanh nghiệp phàn nàn tốn kém tới gian công sức” chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định./.

 

Huy Thắng

798 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 615
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 615
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87211902