|
Hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng Hải Phòng |
Theo Phó Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan) Đào Thu Hương, doanh nghiệp cần lưu ý các thủ tục để hưởng ưu đãi thuế trong EVFTA.
Cụ thể, tại thời điểm xuất khẩu, doanh nghiệp vẫn kê khai thuế suất theo biểu thuế xuất khẩu thông thường theo quy định tại Nghị định 125/2017/NĐ-CP của Chính phủ (từ 10/7 thực hiện theo Nghị định 57/2020/NĐ-CP).
Khi hàng hóa đã được nhập khẩu vào thị trường châu Âu, trong vòng 1 năm doanh nghiệp có thể nộp các hồ sơ chứng từ để chứng minh hàng hóa xuất khẩu của mình đã được nhập khẩu vào một trong các nước thành viên EU.
“Khi đó cơ quan Hải quan sẽ thực hiện xử lý tiền thuế nộp thừa cho DN, tức là thủ tục hoàn thuế” - bà Hương cho biết.
Về chứng từ, doanh nghiệp phải có công văn đề nghị xử lý tiền thuế nộp thừa theo quy trình thủ tục quy định tại Thông tư 39/2018/TT-BTC. Bên cạnh đó doanh nghiệp phải bổ sung các chứng từ chứng minh vận tải, đích đến là một trong những nước thành viên EU, ngoài ra còn có tờ khai nhập khẩu vào nước thanh viên EU.
Sau khi doanh nghiệp nộp đầy đủ hồ sơ chứng từ, cơ quan Hải quan sẽ hướng dẫn khai bổ sung. Nếu thuế xuất khẩu được hưởng ưu đãi trong EVFTA thấp hơn so với thuế suất tại biểu thuế xuất khẩu thông thường thì DN sẽ được cơ quan Hải quan thực hiện hoàn thuế và xử lý số tiền thuế nộp thừa.
Cụ thể, tại EVFTA, cam kết thuế xuất khẩu của Việt Nam như sau: Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế xuất khẩu với hàng hóa xuất khẩu sang EU với lộ trình lên đến 15 năm, trừ những mặt hàng được duy trì thuế xuất khẩu tập trung vào một số nhóm hàng quan trọng như dầu thô, than đá (trừ than để luyện cốc và than cốc)...
Cam kết về thuế xuất khẩu trong Hiệp định EVFTA cơ bản tương tự như cam kết về thuế xuất khẩu của Việt Nam trong CPTPP.
NL