Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Hiệp định EVFTA mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường đầy tiềm năng với 508 triệu dân. Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020.
Ngoài ra, đối với các mặt hàng nông sản, các nước châu Âu sẽ cắt giảm thuế quan về 0% lần lượt năm đầu tiên và sau 10 năm là 74,6% và 97,3% số dòng thuế nông nghiệp cam kết. Nhiều mặt hàng của Việt Nam sẽ được giảm thuế về 0% như các sản phẩm từ hạt; đối với mặt hàng rau củ quả, EU cũng cam kết xóa bỏ thuế khi EVFTA có hiệu lực. Đối với thuỷ sản, khoảng 50% số dòng thuế sẽ được xoá bỏ, 50% dòng thuế còn lại cũng sẽ được xoá bỏ trong lộ trình 5 – 7 năm.
Ảnh minh họa. (Nguồn: A.N)
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, chuyên gia Tổ chức xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển của Hà Lan cho rằng, doanh ngiệp cần thay đổi tư duy, chủ động phát huy lợi thế, chỉ rõ được xuất khẩu sản phẩm nào là chủ lực, xuất khẩu sang thị trường nào, có phù hợp với các thế mạnh và lợi thế của doanh nghiệp hay không… trên cơ sở đó chọn cách định vị và cách tiếp thị sản phẩm hiệu quả. Đặc biệt, doanh nghiệp cần hiểu được nhu cầu của khách hàng về sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, có chứng chỉ chất lượng, từ đó đưa ra định vị phù hợp với những sản phẩm mang tính ngôi sao, phục vụ cho các phân khúc khách hàng phù hợp.
Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam hiện không quá mặn mà đối với việc xuất khẩu sang thị trường EU vì trong số muôn vàn những rào cản từ pháp lý đến rào cản về thị trường. “Mọi người đều suy nghĩ rằng, xuất khẩu sang EU với khoảng cách quá xa về địa lý cũng như sự khác biệt về văn hóa nên chi phí cho việc tiếp cận thị trường cao khiến cho lợi nhuận về lâu dài của doanh nghiệp sẽ thấp”, ông Sơn nhận xét và cho rằng, chừng nào các chủ doanh nghiệp có được những nghiên cứu cụ thể, phân tích được đâu là những chi phí, đâu là những rủi ro để cân nhắc hiệu quả, khi đó bài toán xuất khẩu mới được giải nhanh hơn.
Cũng theo ông Sơn, hiện nay phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam vẫn chú trọng nhiều hơn đến những thương vụ, đối tượng khách hàng cụ thể và trước mắt, hoàn toàn thiếu một bức tranh toàn cảnh về tiềm năng thị trường. Điều này dẫn đến việc các doanh nghiệp khó xác định được mức ngân sách, hoặc những nguồn lực khác như con người, thời gian để dành cho quá trình xúc tiến xuất khẩu.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt ngoài việc không có đầy đủ thông tin của thị trường, còn thiếu sự tuân thủ về minh bạch và truy xuất nguồn gốc. Trên thực tế, các doanh nghiệp xuất khẩu gặp rất nhiều chi phí để có thể áp dụng, tuân thủ một cách có hệ thống và bài bản các quy chuẩn trong toàn bộ hệ thống sản xuất hoặc trong chuỗi cung ứng mà bên nhập khẩu đưa ra.
Gợi ý kinh nghiệm tiếp cận và phát triển thị trường EU, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chia sẻ: “ EU là thị trường yêu cầu cao về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm… Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu phải hiểu biết các quy định, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và thực tế kiểm dịch tại EU, điều này sẽ giúp doanh nghiệp cung cấp được sản phẩm ổn định chất lượng,hạn chế bị trả lại hàng, rút ngắn thời gian kiểm dịch”.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, các doanh nghiệp Việt cần có sự kết nối giữa các doanh nghiệp logistics chuyên nhập khẩu và phân phối hàng hóa của EU thông qua các đơn vị đầu mối. Hằng năm, các đơn vị đầu mối đều tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại, mời các nhà cung cấp, xuất khẩu đến để trao đổi về xu hướng tiêu dùng, nhu cầu sản phẩm nhập khẩu cũng như khuyến cáo cho các doanh nghiệp làm thế nào để xây dựng sản phẩm và xuất khẩu được vào thị trường EU./.
An Nguyên