Doanh nghiệp bội tín, nông dân cũng "lật kèo" 

(Dân Việt) Sự việc nông dân Quảng Trị “tố” Công ty CP Đầu tư quốc tế Thiên An bội tín không thu mua ớt theo cam kết chỉ là một trong rất nhiều vụ đổ bể hợp đồng liên kết sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp mà lỗi không chỉ thuộc về một phía. Đi tìm một “chất kết dính” cho mối quan hệ này là điều không hề dễ dàng.

Doanh nghiệp bội tín

Nhiều nông dân trồng khoai môn tại xã Tân Hòa, huyện Phú Tân (An Giang) đang đứng ngồi không yên vì khoai đã đến kỳ thu hoạch mà doanh nghiệp (DN) ký hợp đồng thu mua vẫn “bặt vô âm tín”. Cực chẳng đã, họ buộc phải nhờ chính quyền can thiệp.

 doanh nghiep boi tin, nong dan cung "lat keo" hinh anh 1

 doanh nghiep boi tin, nong dan cung "lat keo" hinh anh 2

Người dân Quảng Trị khóc ròng vì doanh nghiệp không thu mua ớt. Ảnh: T.L

"Công ty chúng tôi đã duy trì mối liên kết với nhiều vùng trồng rau của Hà Nội được hơn 9 năm, mối quan hệ lúc nào cũng bền vững vì luôn đảm bảo được lợi ích của hai bên. Và khi đã có sự tin tưởng thì việc thỏa thuận giá cả khi thị trường có biến động so với thời điểm ký hợp đồng cũng trở lên dễ dàng”.

Ông Nguyễn Tiến Hưng -
Giám đốc Công ty
Thực phẩm sạch Biggreen

Sự việc bắt đầu từ đầu tháng 12.2017 khi Công ty TNHH Dịch vụ Huỳnh Phú Nông về địa phương ký hợp đồng với 7 hộ dân liên kết trồng khoai môn. Sau khi khoai được 5 tháng, công ty cử người về lấy mẫu và hẹn ngày đến thu mua. Sau đó, ngày 22.5, Giám đốc Công ty Huỳnh Phú Nông xuống gặp bà con đề nghị chia sẻ giá khoai do thị trường tiêu thụ khó khăn. Bà con đã đồng ý giảm giá khoai từ 11.000 đồng/kg (theo hợp đồng ban đầu) xuống còn 7.000 đồng/kg (đối với khoai loại I) và từ 8.000 đồng/kg xuống còn 5.000 đồng/kg khoai loại II, công ty hẹn ngày 27.5 sẽ thu hoạch nhưng sau đó vẫn “mất tích”.

Gần đây nhất, nhiều nông dân tham gia liên kết trồng ớt với Công ty CP Đầu tư quốc tế Thiên An ở huyện Cam Lộ (Quảng Trị) sống dở chết dở vì ớt chín rục ngoài đồng mà DN không chịu thu mua theo cam kết. Theo hợp đồng, DN sẽ đầu tư giống, phân bón và bao tiêu toàn bộ sản phẩm khi thu hoạch với giá 5.500 đồng/kg ớt sừng trâu và 8.500 đồng/kg ớt chỉ thiên.

Vậy là người dân các xã Cam Tuyền, Cam Hiếu, Cam Thủy, thị trấn Cam Lộ đã xuống giống 4ha ớt chỉ thiên và 13,15ha ớt sừng trâu. Khi ớt đã chín đỏ, Công ty Thiên An cho biết do điều kiện thị trường gặp khó khăn nên công ty không thu mua như đã cam kết, đồng thời chấp nhận không thu hồi các khoản đầu tư ứng trước.

Trước đó, hơn 20 hộ dân ở xã Cẩm Vịnh, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) cũng phải “ngậm đắng nuốt cay” nhìn ớt khô héo ngoài đồng vì trót tin lời “hứa suông” của Công ty TNHH Anh Khôi (Thanh Hóa).

Nông dân cũng “lật kèo”

Cũng có nhiều hợp đồng, chính nông dân là người “bẻ kèo” khi giá thị trường có biến động. Công ty TNHH Vitad (Hà Tĩnh) đã không thể thu mua đủ số lượng ngô sinh khối của vụ đông năm 2017 (bắt đầu thu mua từ tháng 3.2018) dù đã xây dựng vùng nguyên liệu bằng chuỗi liên kết khép kín từ cung ứng giống đến sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Nguyên nhân là do nông dân bán ra ngoài cho thương lái.

Bà Nguyễn Thị Thùy Dung-Phó Tổng Giám đốc Công ty Harris Freeman Việt Nam cho biết, để có sản phẩm hồ tiêu đạt chất lượng, Harris Freeman Việt Nam đã liên kết với nông dân nhiều địa phương trong cả nước tham gia các dự án. Tuy nhiên, thời gian qua đã xảy ra tình trạng,  nông dân không bán sản phẩm cho DN. Họ thu hoạch xong nhưng trữ lại chờ giá cao mới bán, khiến DN rất bị thụ động.

Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT), không chỉ nhiều DN bội tín, trường hợp nông dân “lật kèo” phá vỡ hợp đồng ký kết khi giá nông sản lên cao là khá phổ biến, họ không bán nông sản cho DN có thỏa thuận mà bán cho hệ thống tư thương.

Quan trọng là chữ tín

Đã có nhiều năm liên kết với nông dân các địa phương sản xuất, tiêu thụ rau và các loại cây ăn quả, ông Nguyễn Tiến Hưng-Giám đốc Công ty Thực phẩm sạch Biggreen cho rằng, trong mối liên kết giữa nông dân và DN, quan trọng là cả hai phải giữ chữ tín. Nếu DN thấy thị trường rẻ hơn nên không chịu thu mua cho nông dân, còn nông dân thấy bên ngoài đắt hơn vội bán ra bên ngoài thì liên kết rất dễ đổ bể.

Được biết, Công ty Biggreen đã ký hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với nhiều nông dân ở nhiều địa phương trong cả nước với diện tích lên đến hàng chục hecta. Đặc biệt, chưa bao giờ công ty gặp phải trường hợp nông dân bán sản phẩm đã ký kết tiêu thụ ra bên ngoài. “Có được kết quả này là do chúng tôi luôn đảm bảo lợi nhuận của nông dân ngay cả khi thị trường có biến động”- ông Hưng cho biết thêm.

Có thể thấy, “chất kết dính” mối liên kết nông dân – DN, ngoài những điều khoản chặt chẽ hơn trong hợp đồng, một chế tài xử lý đủ mạnh khi một trong hai bên phá vỡ cam kết thì điều quan trọng nhất vẫn là chữ tín hai bên dành cho nhau.

829 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 711
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 712
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87224931