Thị trường nhiều tiềm năng
Tại Diễn đàn “Đầu tư tiếp thị và bán lẻ Việt Nam”, ngày 20/3, Tổng cục Thống kê-Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam những năm gần đây đang tăng nhanh chóng. Nếu như năm 2010 là 88 tỷ USD thì đến năm 2017 là 130 tỷ USD, dự báo 2020 là 179 tỷ USD.
Ông Lê Xuân Đình, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế - Dự báo nhận định, thị trường bán lẻ Việt Nam đến nay đã hội tụ nhiều nhà phân phối lớn trong và ngoài nước, song sự phát triển cũng chỉ mới là giai đoạn đầu, cơ hội còn rất nhiều cho nhà đầu tư đến sau, nhất là các nhà bán lẻ có thương hiệu, có sự khác biệt và ứng dụng các công nghệ quản lý bán hàng phát triển nhanh như hiện nay ở trên thế giới.
|
Các nhà bán lẻ của Việt Nam cần nắm bắt xu thế tiêu dùng mới. |
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho biết ở Việt Nam, giai đoạn 2018 - 2020 là giai đoạn tăng tốc cho các nhà bán lẻ ở thị trường nội địa. Đây cũng là thời điểm mà sự cạnh tranh mạnh mẽ sẽ quyết liệt hơn giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp nước ngoài trên cả hai kênh bán hàng truyền thống và hiện đại.
Đặc biệt, trong thời gian tới khi công nghệ thông tin ngày càng được ứng dụng rộng rãi đem lại năng suất lao động cao cho các nhà bán lẻ đồng thời thay đổi hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Các nhà bán lẻ cần sớm nhận thức được vấn đề này để thay đổi chiến lược phát triển kinh doanh sao cho phù hợp và đạt kết quả cao nhất.
Phân tích về tiềm năng thị trường, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước-Bộ Công Thương cho biết, thị trường bán lẻ Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển do quy mô dân số lớn với hơn 90 triệu dân, cơ cấu dân số tương đối trẻ (60% dân số ở độ tuổi 18-50); dự báo chi tiêu hộ gia đình tăng trung bình 10,5%/năm và sẽ lên mức 714 USD/tháng vào năm 2020, trong khi tỷ lệ bao phủ của hệ thống bán lẻ hiện đại thấp hơn nhiều nước trong khu vực (Việt Nam chỉ đạt 25% tổng mức bán lẻ, trong khi ở Philippines là 33%, Thái Lan là 34%, Malaysia 60%, Singapore là 90%...).
Thời gian gần đây, có thể thấy thị trường bán lẻ đã có sự phát triển mạnh mẽ do nền kinh tế được phục hồi và đang trên đà lấy lại tốc độ tăng trưởng cao. Do đó, có một làn sóng vốn trong nước và đầu tư FDI vào ngành bán lẻ Việt Nam tăng cao. Các tập đoàn lớn kinh doanh bán lẻ lớn của nước ngoài như Lotte, Central Group, Aeon, Circle K… thâm nhập và mở rộng thị trường bán lẻ tại Việt Nam khiến cuộc đua giành thị phần trong lĩnh vực này cũng ngày càng gay gắt. Trong khi đó, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam là các doanh nghiệp nhỏ và vừa với nguồn lực hạn chế, chỉ có một số ít doanh nghiệp lớn của Việt Nam như Sài Gòn Co.op, Vingroup… mới đủ năng lực để cạnh tranh, khẳng định vị thế của mình trên thị trường bán lẻ Việt Nam.
Tăng cường liên kết, xây dựng thương hiệu uy tín
Theo các chuyên gia, nhà quản lý, các doanh nghiệp cần nắm bắt xu hướng tiêu dùng để tăng khả năng cạnh tranh trong thị trường bán lẻ. Doanh nghiệp Việt Nam cũng cần tăng cường tính liên kết, kết nối từ sản xuất đến phân phối để hỗ trợ nhau cùng phát triển thị trường; tăng cường công tác truyền thông đến người tiêu dùng để ủng hộ các sản phẩm hàng hóa do các doanh nghiệp trong nước sản xuất và tiêu thụ.
Cụ thể, bà Đặng Thuý Hà, Giám đốc khu vực miền Bắc- Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam phân tích, người tiêu dùng đang có xu hướng thay đổi tiếp cận nguồn hàng một cách tiện dụng nhất như: mua bán online, bán hàng đa kênh…
Còn bà Lưu Bảo Vân, Giám đốc điều hành dự án Intage Việt Nam lại khuyến nghị về các giải pháp ứng dụng công nghệ hướng tới tối ưu hoá đầu tư và vận hành cho các nhà bán lẻ. Do vậy, việc khai thác được các dữ liệu lớn (Big data) hay thông tin từ trí tuệ nhân tạo (AI)…
Khi áp dụng công nghệ vào phân tích thị trường, các nhà bán lẻ cập nhật được hơi thở thị trường, đồng thời tối ưu hoá đầu tư dựa vào các quyết định đúng đắn từ cơ sở số.
Ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó Tổng giám đốc thường trực Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho rằng, thị trường bán lẻ Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng, nhiều cạnh tranh, nếu doanh nghiệp Việt Nam không chủ động hội nhập, có chiến lược đầu tư bài bản, lâu dài thì sẽ mất vị thế của mình ngay trên thị trường sân nhà. Theo các doanh nghiệp bán lẻ, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, các kênh bán hàng đều mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, khách hàng sẽ được phục vụ tốt hơn, có nhiều sự lựa chọn hơn. Tuy nhiên, ông Nguyễn Tiến Vượng nhấn mạnh yếu tố bình đẳng cạnh tranh.
Cụ thể, Nhà nước cần tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, công khai, minh bạch trong cuộc đua bán lẻ, giữa trong nước và ngoài nước, giữa kênh bán lẻ truyền thống và hiện đại. Nhà nước nên xây dựng các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước để phát triển thương hiệu, hỗ trợ đào tạo nhân lực, cung cấp thông tin thị trường, xúc tiến thương mại; đồng thời, để các doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận với các mặt bằng kinh doanh có vị trí thuận lợi với cơ chế hợp lý.
Đề xuất về cơ chế chính sách, bà Vũ Thị Hồng Phượng đến từ Đại học Thương mại phân tích, để bảo vệ và phát triển các doanh nghiệp bán lẻ trong nước, Việt Nam cần tận dụng triệt để quyền kiểm tra nhu cầu kinh tế (khi còn có thể) thông qua việc hoàn thiện khung pháp lý, làm rõ tiêu chí mở điểm bán lẻ thứ hai trở để tránh nguy cơ thị trường bị các doanh nghiệp ngoại lấn sân, thôn tính. Cần tăng cường chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp bán lẻ trong nước về chính sách vĩ mô, liên quan đến những mặt còn yếu của họ để rút ngắn khoảng cách với các doanh nghiệp ngoại như: đào tạo đội ngũ quản lý và kỹ năng bán hàng; phát triển hệ thống logistic; hỗ trợ tín dụng, xây dựng thương hiệu; thông tin thị trường và nguồn hàng; tư vấn pháp lý trong việc liên kết các doanh nghiệp bán lẻ hoặc với nhà sản xuất, nhà phân phối...
Chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng, chữ tín của các doanh nghiệp phải đưa lên hàng đầu, chiếm được trái tim của người tiêu dùng. Hàng hóa cần phải đẩy mạnh việc tiếp thị, quảng cáo ở thị trường làm ăn trung thực, có trách nhiệm và có văn hóa, tạo mối liên kết, bền chặt giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau.
Người đứng đầu Chính phủ đã nói, Việt Nam muốn có cơ hội phát triển thì trước hết hãy "đào mỏ vàng" ở thị trường trong nước trước đã, đó là một định hướng đúng đắn mà các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam cần xác định rõ trong thời gian tới.
“Niềm tin và thương hiệu không thể gây dựng một sớm, một chiều mà phải bằng một quá trình dài lâu mới có thể thực hiện được. Niềm tin được chứng minh bằng những hành động cụ thể trong hàng hóa, trong phục vụ, trong giao tiếp hàng ngày. Người tiêu dùng hiện nay quan tâm 2 vấn đề chính là giá cả và chất lượng hàng hóa. Ngoài ra còn chất lượng phục vụ và văn hóa kinh doanh”, ông Vũ Vinh Phú phân tích.
Anh Minh